Bạn biết gì về nhiệt độ cơ thể?

Nhiệt độ cơ thể là thước đo khả năng tạo và thải nhiệt của cơ thể. Khi sinh ra, cơ thể của bạn hoạt động như một cỗ máy có thể điều chỉnh nhiệt độ trong ngưỡng an toàn. Ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài cơ thể dao động nhiều.

1. Cơ thể bạn phản ứng thế nào với nhiệt độ môi trường?

Khi bạn quá nóng, các mạch máu trên da sẽ dãn ra để đưa lượng nhiệt dư thừa lên trên bề mặt da. Bạn có thể bắt đầu đổ mồ hôi. Lúc đó, nó sẽ giúp làm mát cơ thể của bạn. Ngược lại, nếu thời tiết quá lạnh, các mạch máu của bạn sẽ co hẹp lại. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến da của bạn để giữ nhiệt cho cơ thể. Ngoài ra, bạn có thể bắt đầu lạnh run. Khi các cơ run nghĩa là cơ thể đang hoạt động giúp tạo ra nhiều nhiệt hơn để giữ ấm.

Bạn biết gì về nhiệt độ cơ thể?
Bạn biết gì về nhiệt độ cơ thể?

2. Các định nghĩa về nhiệt độ

2.1 Normathermia: Nhiệt độ cơ thể trong giá trị bình thường.

Phạm vi nhiệt độ bình thường khác nhau giữa nhiều người. Nó có thể bị ảnh hưởng bởi một số tình trạng bệnh mãn tính và di truyền. Điều quan trọng là phải xác định ngưỡng nhiệt độ bình thường cho từng người trong một số tình huống đặc biệt. Mục đích là để xác định sự chênh lệch nhiệt độ cơ thể và xác nhận liệu có bất thường.

37°C là mức trung bình của nhiệt độ ở cơ thể bình thường. Nó có thể dao động cao hơn hoặc thấp hơn 0,6°C trong ngày. Tùy thuộc vào mức độ hoạt động của bạn và thời gian trong ngày. Nhiệt độ của cơ thể rất nhạy cảm với nồng độ hormone. Vì vậy, nhiệt độ của phụ nữ có thể cao hơn hoặc thấp hơn khi họ đang trong thời điểm có kinh nguyệt.

Đo nhiệt độ ở trực tràng và tai sẽ cao hơn chút so với ở nách và trán. Cách chính xác nhất để xác định nhiệt độ cơ thể là đo ở hậu môn.

2.2 Pyrexia: Sốt

Nhiệt độ cơ thể tăng cao do vượt quá khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Điều này xảy ra khi cơ thể tạo ra hoặc hấp thụ nhiều nhiệt hơn mức có thể tiêu hao. Lúc này, điểm mốc nhiệt độ của cơ thể (set point) tăng lên hơn mức bình thường. Nguyên nhân thường là do nhiễm trùng hoặc viêm. Một số nguyên nhân gây sốt không cần điều trị mà có thể tự khỏi theo diễn tiến bệnh. Trong khi các trường hợp khác cần được xác định và điều trị.

Ở hầu hết người lớn, sốt là nhiệt độ đo ở trán trên 38°C hoặc nhiệt độ trực tràng trên 38,3°C. Trẻ bị sốt khi nhiệt độ trực tràng của trẻ cao hơn 38°C.

Sốt có thể xảy ra như một phản ứng với:

  • Sự nhiễm trùng: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây sốt. Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến một cơ quan hoặc toàn bộ cơ thể.
  • Các loại thuốc: Chúng bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamine và nhiều loại khác.
  • Chấn thương hoặc tổn thương nặng nhiều cơ quan. Điều này có thể bao gồm đau tim, đột quỵ, lừ đừ hoặc bỏng.
  • Các vấn đề khác bao gồm viêm khớp, cường giáp và thậm chí một số bệnh ung thư (chẳng hạn như bệnh bạch cầu và ung thư phổi).
Sốt xảy ra khi nhiệt độ tăng cao
Sốt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng cao

2.3 Hypothermia: Thân nhiệt thấp (hạ thân nhiệt)

Nhiệt độ cơ thể giảm nhiều bất thường hay giảm xuống dưới mức an toàn. Hạ thân nhiệt có thể xảy ra do các yếu tố môi trường, rối loạn quá trình chuyển hóa và trao đổi chất hay tình trạng bệnh lí nặng. Nếu nhiệt độ thấp là triệu chứng duy nhất thì đó không phải là điều đáng lo ngại. Nhưng có kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như ớn lạnh, run rẩy, khó thở hoặc lừ đừ, thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng hơn.

Nhiệt độ thấp thường xảy ra khi bạn ra ngoài trong thời tiết lạnh. Nhưng nó cũng có thể do sử dụng rượu hoặc ma túy, bị sốc, hoặc một số rối loạn nội tiết như tiểu đường hoặc suy giáp. Hạ thân nhiệt có thể xảy ra khi bị nhiễm trùng. Điều này phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh, người lớn tuổi hoặc những người gầy yếu, suy dinh dưỡng nặng.

Bất kỳ trẻ nào có biểu hiện sốt và trông không khỏe cần được đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ điều trị của trẻ. Dù mức độ sốt nhẹ hay nặng. Ở trẻ sơ sinh dưới 3 tháng, hạ thân nhiệt hoặc nhiệt độ không ổn định có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng. BẠn có thể tham khả thêm tại bài viết: “Hạ thân nhiệt: Xử trí chậm trễ, hậu quả khó lường”

https://youmed.vn/tin-tuc/ha-than-nhiet-xu-tri-cham-tre-hau-qua-kho-luong/

2.4 Sốc nhiệt (say nắng)

Say nắng xảy ra khi cơ thể không kiểm soát được nhiệt độ của bản thân vì nó không ngừng tăng lên. Các triệu chứng của say nắng bao gồm những thay đổi về tinh thần (choáng, lú lẫn, mê sảng hoặc bất tỉnh), da đỏ, nóng và khô.

Say nắng có thể gây chết người. Tình trạng này cần được điều trị khẩn cấp. Bởi vì nó gây mất nước nghiêm trọng và có thể khiến các cơ quan trong cơ thể ngừng hoạt động. Bạn có thể đọc thêm ở bài viết “Sốc nhiệt, các tổn thương do nhiệt độ cao”.  https://youmed.vn/tin-tuc/soc-nhiet-cac-ton-thuong-do-nhiet-do-cao/

3. Theo dõi nhiệt độ cơ thể

Nếu ở nhà, nếu bạn thấy cơ thể nóng, cần đo nhiệt độ đễ xác nhận liệu có đang sốt. Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể sẽ được đo khi bạn nhập viện. Hoặc mỗi 2 đến 4 giờ một lần khi có các dấu hiệu nghiêm trọng khác, cần theo dõi thường xuyên hơn.
Nhiệt độ giảm xuống ngoài giới hạn an toàn cần được theo dõi sát thích hợp cho đến khi đạt được mức bình thường.

Khi đánh giá nhiệt độ của cơ thể, điều quan trọng là phải xem xét các yếu tố dựa trên người bệnh và môi trường. Trong đó, bao gồm cả việc sử dụng thuốc hạ sốt và tiếp xúc với môi trường nóng gần đây.

Nhiệt độ của cơ thể có thể thay đổi theo nhiều yếu tố khác nhau
Nhiệt độ cơ thể có thể thay đổi theo nhiều yếu tố khác nhau

4. Phương pháp đo nhiệt độ cơ thể

Thân nhiệt của bạn có thể được đo ở nhiều nơi trên cơ thể. Những vị trí phổ biến nhất là trán, nách và trực tràng và tai. Do sự thay đổi nhiệt độ giữa các vị trí trên cơ thể, nên sử dụng cùng một vị trí đo để theo dõi liên tục. Việc này cho phép đánh giá diễn tiến nhiệt độ chính xác hơn.

Cách sử dụng nhiệt kế thủy ngân

Đây là loại nhiệt kế chính xác nhất và được sử dụng phổ biến nhất. Nhiệt kế điện tử có thể hết pin trong trường hợp cần sử dụng. Cần chú ý thủy ngân là chất độc. Nếu nhiệt kế bị vỡ, hãy đeo găng tay và dùng khăn giấy hoặc mảnh vải để vứt bỏ thủy ngân một cách cẩn thận. Có thể cho vào thùng rác dành riêng để đựng vật sắc nhọn. Không để nó tiếp xúc với nguồn cung cấp nước. Các bước thực hiện như sau:

  1. Rửa và lau khô tay – điều này sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm bệnh.
  2. Khử trùng nhiệt kế bằng cách lau bằng khăn tẩm cồn hoặc dùng miếng gạc thấm chất khử trùng. Lau khô bằng khăn giấy hoặc tăm bông.
  3. Nên đo nhiệt độ ở nách vì đây là nơi dễ dàng thực hiện và an toàn nhất.
  4. Nên nới lỏng quần áo chật hoặc cởi quần áo dài tay để có thể tiếp cận với vùng nách.
  5. Giữ nhiệt kế ở đầu trên. Lắc nó để đảm bảo tất cả thủy ngân ở dưới đáy. Nếu bạn không lắc nhiệt kế, nó sẽ dẫn đến kết quả không chính xác.
  6. Đặt nhiệt kế vào nách và khép cánh tay sát vào ngực.
  7. Giữ nguyên cố định nhiệt kế trong 5 phút. Sau đó đặt ngang tầm mắt và đọc kết quả. Nhiệt kế sẽ nguội dần khi tiếp xúc với không khí, vì vậy hãy đọc kết qua ngay khi lấy ra.

Lưu ý:

Nếu vừa tiếp xúc với môi trường lạnh, hãy để cơ thể có thời gian cân bằng với nhiệt độ phòng trước khi đo thân nhiệt. Cả nhiệt độ mà bạn đo được ở nách và tai đều cho nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ thực tế của cơ thể.

Trước khi bạn đo nhiệt độ, hãy đọc hướng dẫn về cách sử dụng loại nhiệt kế của bạn. Một số cách phổ biến để đo nhiệt độ được mô tả dưới đây.

Cách đo nhiệt độ ở trực tràng

Đây là cách chính xác nhất để đo nhiệt độ cơ thể. Nó được khuyên dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Trong những trường hợp đặc biệt, nhiệt độ trực tràng có thể được yêu cầu để đánh giá chính xác hơn thân nhiệt. Các bước thực hiện như sau:

  1. Bọc nhiệt kế bằng găng tay hoặc lớp ni lon mỏng.
  2. Chấm một lượng nhỏ chất bôi trơn lên đầu nhiệt kế. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng đẩy nhiệt kế vào trong hậu môn.
  3. Với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, xoay trẻ nằm sấp trên đùi bạn hoặc trên bề mặt phẳng như giường. Cẩn thận đưa nhiệt kế vào hậu môn (đưa vào khoảng 1 đến 2 cm nếu trẻ sơ sinh). Lưu ý, nếu đưa vào quá sâu có thể gây thủng ruột.
  4. Dùng một tay xoa đều mông của trẻ. Mặt khác, nhẹ nhàng đưa 1 đầu nhiệt kế vào hậu môn. Đẩy nó vào khoảng 1 đến 2 cm. Đừng đẩy quá sâu vào trực tràng vì có thể gây thủng ruột. Giữ nhiệt kế tại chỗ bằng hai ngón tay áp sát hậu môn. Ấn hai mông của trẻ vào nhau sẽ giúp giữ nhiệt kế ở đúng vị trí.
  5. Để nhiệt kế đúng vị trí trong khoảng 5 đến 10 phút. Một số nhiệt kế điện tử sẽ phát ra một loạt tiếng bíp ngắn khi đọc xong kết quả.
  6. Lấy nhiệt kế ra và đọc.
  7. Làm sạch nhiệt kế bằng cồn sát khuẩn trước khi cất đi.
Đo nhiệt độ trực tràng cần thực hiện đúng cách
Đo nhiệt độ trực tràng cần thực hiện đúng cách

Cách đo nhiệt độ vùng nách

Nách là vị trí ưu tiên đo nhiệt độ trong hầu hết các trường hợp vì dễ thực hiện. Các bước thực hiện như sau:

  1. Đặt đầu nhiệt kế dưới cánh tay ở giữa nách. Đảm bảo da khô và không có vết thương trước khi đo.
  2. Ấn cánh tay vào cơ thể và để nhiệt kế ở vị trí trong khoảng 5 đến 10 phút.
  3. Lấy nhiệt kế ra và đọc.
  4. Làm sạch nhiệt kế bằng cồn sát khuẩn trước khi cất đi.

Cách đo nhiệt độ tai (màng nhĩ)

Các bước làm như sau:

  1. Kiểm tra để đảm bảo đầu dò nhiệt kế sạch và không có mảnh vụn. Nếu bị bẩn, hãy lau nhẹ bằng vải sạch. Không đặt nhiệt kế dưới nước.
  2. Để giữ đầu dò sạch sẽ, hãy sử dụng nắp đậy đầu dò dùng một lần.
  3. Bật nhiệt kế.
  4. Đối với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng, nhẹ nhàng kéo dái tai xuống và ra sau. Đối với trẻ em trên 12 tháng và người lớn, hãy kéo dái tai lên và ra sau. Điều này sẽ giúp bạn đặt đầu dò vào trong ống tai dễ dàng và chính xác.
  5. Đặt đầu dò vào giữa tai và đẩy nhẹ vào trong về phía màng nhĩ. Đừng ép sâu nó vào.
  6. Nhấn nút “bật” để hiển thị giá trị nhiệt độ.
  7. Tháo nhiệt kế và vứt bỏ nắp đậy nhiệt kế đã sử dụng.

Cách đo nhiệt độ động mạch thái dương (trán)

  1. Bật nhiệt kế điện tử.
  2. Đặt đầu nhiệt kế lên da ở giữa trán. Đảm bảo không có vật gì nằm giữa nhiệt kế và da.
  3. Nhấn nút để thực hiện phép đo.
  4. Trượt nhiệt kế qua trán theo hướng sang ngang ra phía sau (không đưa lên hoặc xuống).
  5. Nghe âm thanh. Hầu hết các nhiệt kế này phát ra tiếng bíp hoặc sáng đèn khi chúng có kết quả.
  6. Lấy nhiệt kế ra khỏi trán và đọc nhiệt độ.

Sốt là một triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh khác nhau. Vì vậy, nhiệt kế là một trong những thứ cần phải có ở mỗi gia đình. Hầu hết mọi người sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ cơ thể ở trán và nách. Nhưng nhiệt kế đo trực tràng sẽ cho kết quả chính xác nhất. Mỗi phương pháp đo nhiệt độ đều có những lợi ích và nhược điểm của nó. Nhận biết được cách đo nhiệt độ chính xác sẽ giúp bạn có thể xử trí hợp lí ngay tại nhà.

Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm