Tổng quan về buồng trứng và các bệnh lý thường gặp

Buồng trứng là một trong những cơ quan sinh sản của phụ nữ. Hiểu biết về vị trí, chức năng của buồng trứng, một số bệnh liên quan đến buồng trứng sẽ giúp phụ nữ biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản của bản thân. Nào, hãy cùng YouMed bổ sung các thông tin hữu ích qua bài viết sau nhé!

1. Buồng trứng nằm ở đâu ?

Buồng trứng là một phần quan trọng của hệ thống sinh sản nữ. Mỗi người phụ nữ có hai buồng trứng.

Buồng trứng có hình bầu dục, mỗi bên dài khoảng 4cm và nằm ở hai bên tử cung và dựa vào thành chậu trong một khu vực được gọi là hố buồng trứng.

Mỗi buồng trứng được cố định tại chỗ bởi các lớp dây chằng gắn vào tử cung.

2. Chức năng của buồng trứng là gì ?

Buồng trứng có hai chức năng sinh sản chính trong cơ thể:

  • Sản xuất tế bào trứng để thụ tinh.
  • Sản xuất 2 nội tiết tố sinh sản chính, estrogen và progesterone.

Chức năng của buồng trứng được kiểm soát bởi  nội tiết tố mang tên gonadotrophin được giải phóng từ các tế bào thần kinh ở vùng dưới đồi ( bên trong não). Từ vùng dưới đồi, sẽ kích thích đến tuyến yên  tiết nội tiết tố “kích thích hoàng thể – LH” và  “kích thích nang trứng”. Hai nội tiết tố này sẽ đi vào máu, tác động nhiều sự thay đổi bên trong cơ thể và cơ quan sinh sản. Kết quả hình thành chu kì kinh nguyệt.

buồng trứng
Buồng trứng có hình bầu dục nằm ở hai bên tử cung và dựa vào thành chậu.

2.1. Quá trình rụng trứng

Số lượng trứng theo từng giai đoạn

Buồng trứng giải phóng một quả trứng (noãn bào) vào khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt. Thông thường, chỉ có một trứng từ một buồng trứng được giải phóng trong mỗi chu kỳ. Vì thế mỗi buồng trứng sẽ thay phiên nhau để giải phóng trứng.

Trên thực tế, một bé gái được sinh ra sẽ có tổng số trứng là khoảng 2 triệu. Nhưng đến tuổi dậy thì, con số này đã giảm xuống còn khoảng 400.000 trứng. Từ tuổi dậy thì đến thời kỳ mãn kinh, chỉ có khoảng 400 – 500 trứng sẽ đạt đến độ chín, được phóng ra khỏi buồng trứng – còn gọi là rụng trứng. Trứng sau khi xuất ra khỏi buồng trứng, sẽ vào trong ống dẫn trứng và chờ ngày thụ tinh.

Quá trình rụng trứng

Trong buồng trứng, tất cả trứng ban đầu đều được bao bọc trong một lớp tế bào duy nhất được gọi là nang trứng. Theo thời gian, nang trứng bắt đầu trưởng thành để chuẩn bị phóng trứng ra khỏi buồng trứng trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Khi trứng trưởng thành, các tế bào trong nang nhanh chóng phân chia và nang trứng dần dần lớn lên.

Khi các nang trứng phát triển, chúng sản xuất hormone estrogen. Một khi trứng đã được phóng thích khi rụng trứng, nang trứng còn sót lại trong buồng trứng được gọi là hoàng thể.

quá trình rụng trứng

Hoàng thể sau đó giải phóng hormone progesterone (với số lượng cao hơn) và estrogen (với số lượng thấp hơn). Những hormone này sẽ kích thích làm dày niêm mạc tử cung chuẩn bị cho quá trình thụ thai (trong trường hợp trứng giải phòng và được thụ tinh). Nếu trứng được giải phóng không được thụ tinh thì mang thai không xảy ra. Hoàng thể sẽ bị teo đi và quá trình tiết ra estrogen và progesterone  sẽ dừng lại. Khi hai nội tiết tố này không còn tồn tại, niêm mạc tử cung bắt đầu rụng đi và được loại bỏ khỏi cơ thể – gọi là hành kinh. Sau khi phụ nữ hành kinh xong, một chu kỳ rụng trứng khác lại bắt đầu.

2.2. Thời kỳ mãn kinh

Đây là thời kỳ đề cập đến sự kết thúc của những năm sinh sản của người phụ nữ sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Điều này được gây ra bởi sự mất tất cả các nang trứng còn lại trong buồng trứng có chứa trứng. Khi không còn nang trứng hay trứng, buồng trứng không còn tiết ra hormone estrogen và progesterone, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Kết quả là kinh nguyệt chấm dứt.

Xem thêm: Tiền mãn kinh: Nỗi lo âu của người phụ nữ

3. Buồng trứng sản xuất nội tiết tố gì?

Các nội tiết tố chính được tiết ra bởi buồng trứng là estrogen và progesterone. Cả hai nội tiết tố đều quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt. Sản xuất estrogen chiếm ưu thế trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt trước khi rụng trứng và sản xuất progesterone chiếm ưu thế trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt khi hoàng thể hình thành. Cả hai hormone đều quan trọng trong việc chuẩn bị niêm mạc tử cung cho thai kỳ, cho phép cấy phôi vào niêm mạc tử cung.

Nếu việc thụ thai xảy ra trong bất kỳ chu kỳ kinh nguyệt nào, hoàng thể không mất khả năng hoạt động và tiếp tục tiết ra estrogen và progesterone. Điều này cho phép phôi được cấy vào niêm mạc tử cung và hình thành nhau thai. Tại thời điểm này, sự phát triển của thai nhi bắt đầu.

4. Những bệnh lý thường gặp?

4.1. Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là một loại ung thư bắt đầu ở buồng trứng.  Loại ung thư này thường không bị phát hiện cho đến khi nó lan rộng trong khung chậu và bụng. Ở giai đoạn muộn, ung thư buồng trứng khó điều trị hơn. Phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn đầu khi bệnh còn giới hạn ở buồng trứng, sẽ tăng cao khả năng điều trị thành công.

ung thư buồng trứng
Hình ảnh minh họa ung thư buồng trứng.

Để điều trị ung thư buồng trứng, phẫu thuật và hóa trị là phương pháp ưu tiên.

Xem thêm: Bệnh ung thư buồng trứng: Nguyên nhân và triệu chứng thường gặp.

4.2. U nang buồng trứng

U nang buồng trứng, chúng giống như một túi chứa chất lỏng ở trong hoặc trên bề mặt buồng trứng.

Nhiều phụ nữ bị u nang buồng trứng tại bất kì thời điểm nào. Hầu hết các u nang buồng trứng đều không gây khó chịu và vô hại. Một số phụ nữ có u nang đôi khi sẽ có những triệu chứng như đau âm ĩ vùng chậu, cảm giác đầy, nặng phần bụng dưới. Phần lớn u nang sẽ biến mất mà không cần điều trị trong vòng vài tháng.

Tuy nhiên, u nang buồng trứng – đặc biệt là những người bị vỡ – có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Để bảo vệ sức khỏe của bạn, cần biết các triệu chứng có thể là dấu hiệu u nang buồng trứng bị vỡ.

Bao gồm:
  • Đau bụng dưới (vùng chậu) hoặc đau lệch một bên đột ngột, cường độ mạnh.
  • Đau bụng dưới có kèm theo sốt hoặc nôn.
  • Choáng váng, chóng mặt.
  • Thở nhanh.
  • Mệt lả người.

Nếu bạn có những dấu hiệu và triệu chứng này, hãy đi khám bác sĩ ngay. Xem thêm: Quá kích buồng trứng: Nỗi lo khi điều trị hiếm muộn

4.3. Hội chứng buồng trứng đa nang

Rối loạn phổ biến nhất của buồng trứng là hội chứng buồng trứng đa nang, có thể ảnh hưởng từ 5 đến 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong hội chứng buồng trứng đa nang, các nang trứng trưởng thành đến một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, sau đó ngừng phát triển và không giải phóng được trứng. Những nang này xuất hiện dưới dạng u nang trong buồng trứng khi siêu âm.

buồng trứng
Hội chứng đa nang – Các nang trứng trưởng thành đến một giai đoạn nhất định sau đó ngừng phát triển và không giải phóng được trứng.

Triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang khá đa dạng và khác nhau giữa mỗi người. Một số phụ nữ bắt đầu thấy triệu chứng xung quanh chu kì đầu tiên của họ. Trong khi đó, một số khác chỉ phát hiện hội chứng này khi họ đã tăng cân rất nhiều hoặc gặp vấn đề khó khăn khi mang thai.

Những triệu chứng phổ biến của hội chứng buồng trứng đa nang là:
  • Chu kì kinh nguyệt không đều.
  • Lượng máu kinh nhiều.
  • Hiện tượng rậm lông.
  • Mụn.
  • Tăng cân và tích mỡ ở eo, hông.
  • Hói đầu kiểu nam.
  • Sắc tố da sậm màu.
  • Nhức đầu.

Hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ.

Xem thêm: Chẩn đoán và điều trị hội chứng buồng trứng đa nang như thế nào?

4.4. Suy buồng trứng nguyên phát

Suy buồng trứng nguyên phát – còn gọi là suy buồng trứng sớm – xảy ra khi buồng trứng ngừng hoạt động bình thường trước tuổi 40. Vì thế, buồng trứng sẽ không sản xuất estrogen bình thường hoặc giải phóng trứng thường xuyên. Tình trạng này thường dẫn đến vô sinh.

Suy buồng trứng nguyên phát đôi khi bị nhầm lẫn với mãn kinh sớm, nhưng những điều kiện này không giống nhau. Phụ nữ bị suy buồng trứng nguyên phát có thể có chu kỳ không đều hoặc thỉnh thoảng trong nhiều năm và thậm chí có thể mang thai. Trong khi đó, những phụ nữ mãn kinh sớm sẽ ngừng kinh nguyệt hoàn toàn và không thể mang thai.

Phục hồi nồng độ estrogen ở phụ nữ bị suy buồng trứng nguyên phát giúp ngăn ngừa một số biến chứng xảy ra do estrogen thấp, chẳng hạn như loãng xương.

Các biểu hiện của suy buồng trứng nguyên phát

Các dấu hiệu và triệu chứng của suy buồng trứng nguyên phát tương tự như thời kỳ mãn kinh hoặc thiếu hụt estrogen. Chúng bao gồm:

  • Chu kì kinh nguyệt không đều hoặc lâu có chu kì kinh nguyệt.
  • Khó có thai.
  • Cảm giác nóng bừng.
  • Đổ mồ hôi đêm.
  • Khô âm đạo.
  • Khô mắt.
  • Khó chịu hoặc khó tập trung.
  • Giảm ham muốn tình dục.
Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu phụ nữ không có kinh liên tục trong ba tháng trở lên, hãy gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân. Phụ nữ có thể không có kinh nguyệt trong một vài tháng vì một số lý do – bao gồm mang thai, căng thẳng hoặc thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen tập thể dục – nhưng tốt nhất nên được đánh giá và tìm nguyên nhân bởi bác sỹ Sản phụ khoa.

Tham khảo thêm: Đau bụng dưới: Những nguyên nhân thường gặp ở nam và nữ

4.5. Xoắn buồng trứng

Xoắn buồng trứng (xoắn adnexal) xảy ra khi một buồng trứng bị xoắn quanh các mô hỗ trợ nó. Đôi khi, ống dẫn trứng cũng có thể bị xoắn. Khi buồng trứng hoặc vòi trứng bị xoắn sẽ làm ngưng hoặc hạn chế dòng máu đến nuôi các cơ quan này.

Xoắn buồng trứng là một trường hợp y tế nghiêm trọng. Nếu không được điều trị nhanh chóng, có thể phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Phụ nữ có thể dễ bị xoắn buồng trứng nếu bị u nang buồng trứng. Tần suất xoắn buồng trứng ở phụ nữ không gặp nhiều.

Biểu hiện của xoắn buồng trứng

Xoắn buồng trứng có thể gây ra:

  • Đau dữ dội, đột ngột ở vùng bụng dưới.
  • Chuột rút vùng bụng dưới.
  • Buồn nôn, nôn.

Những triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột và không có dấu hiệu cảnh báo.

Trong một số trường hợp, chuột rút và đau ở vùng bụng dưới có thể hết trong vài tuần. Điều này có thể xảy ra nếu buồng trứng đang cố gắng xoay trở lại đúng vị trí. Xoắn buồng trứng không bao giờ xảy ra mà không gây đau.

Buồng trứng là một cơ quan quan trọng trong sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Khi có các dấu hiệu bất thường ở vùng bụng dưới, hoặc các vấn đề liên quan đến chu kì kinh nguyệt, phụ nữ cần đến trung tâm có khám Phụ khoa để thăm khám. Ngoài ra, phụ nữ trên 50 tuổi nên được kiểm tra khám sức khỏe định kì nhằm sàng lọc các giai đoạn sớm ung thư và các bệnh lý khác. 

Sinh viên Y khoa: Nguyễn Hoàng Yến