Cholesterol có lợi cho cơ thể bạn không?

Khi nhắc đến cholesterol, mọi người sẽ thường nghĩ đến đó là một loại chất béo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhưng, bạn biết không? Thực ra đây là loại chất béo có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Quan trọng hơn, chúng ta phải biết duy trì lượng chất béo vừa đủ trong cơ thể để các hoạt động trao đổi chất nhờ cholesterol mới được diễn ra tốt nhất.

1. Cholesterol là gì?

Đây là một loại chất béo có trong máu được tạo ra bởi gan. Hình dạng của cholesterol giống như những cục sáp nằm trong mạch máu. Cholesterol trong máu rất cần thiết để cơ thể khỏe mạnh. Chất béo này tham gia vào quá trình sản xuất hormone và các tế bào. Ngoài ra, nó còn giúp chuyển hóa các chất béo có trong thức ăn. Mọi người đều cần một lượng cholesterol nhất định trong máu. Nếu quá nhiều cholesterol trong máu sẽ trở thành vấn đề nguy hiểm đến sức khỏe.

Cholesterol trong máu
Cholesterol di chuyển trong máu, về lâu dài có thể bám vào thành mạch máu

Cholesterol được tạo ra từ hai nguồn chính. Gan có nhiệm vụ tạo ra tất cả các loại cholesterol mà cơ thể bạn cần. Phần còn lại của cholesterol trong cơ thể bạn có từ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Thịt, gia cầm và các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo đều chứa cholesterol. Một số loại dầu thực vật như dầu cọ, dầu hạnh nhân và dầu dừa – cũng có thể kích hoạt gan của bạn tạo ra nhiều cholesterol hơn. 

Thực phẩm bạn cung cấp cho cơ thể ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong máu nhiều nhất. Do đó, lựa chọn chế độ ăn phù hợp rất quan trọng.

2. Tại sao cholesterol lại quan trọng với cơ thể?

Khi lượng cholesterol trong máu của bạn tăng lên, thì nguy cơ đối với sức khỏe của bạn cũng tăng theo. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải xét nghiệm cholesterol để kiểm tra.

Có hai loại cholesterol: LDL (cholesterol xấu) và HDL (cholesterol tốt). Quá nhiều cholesterol xấu hoặc không đủ cholesterol tốt sẽ làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ từ từ trong thành của các động mạch nuôi tim và não. Hay dân gian còn gọi là bệnh tăng mỡ máu.

Khi nói đến cholesterol, bạn cần nhớ đến 3 cụm từ quan trọng sau:

  • Kiểm tra mức cholesterol của bạn. Đó là chìa khóa để biết liệu bạn có những nguy cơ rủi ro của bệnh tim mạch hay đột quỵ không?
  • Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để giúp điều chỉnh lượng cholesterol của bạn.
  • Kiểm soát cholesterol của bạn với sự giúp đỡ của bác sĩ nếu cần.

Cholesterol cao là một trong những yếu tố nguy cơ chính có thể kiểm soát được đối với bệnh mạch vành và đột quỵ. Nếu có các yếu tố khác như hút thuốc lá, cao huyết áp hoặc đái tháo đường, nguy cơ của bạn còn tăng nhiều hơn nữa.

Càng nhiều cholesterol sẽ càng tăng nguy cơ tắc mạch máu
Càng nhiều cholesterol sẽ càng tăng nguy cơ tắc mạch máu

3. Cholesterol xấu và tốt tác động như thế nào đến cơ thể?

Cholesterol di chuyển qua máu nhờ các protein làm nhiệm vụ xe chở hàng. Được gọi là “lipoprotein”. Hai loại lipoprotein mang cholesterol đi khắp cơ thể.

  • LDL (lipoprotein mật độ thấp) được gọi là cholesterol “xấu”, tạo nên hầu hết lượng cholesterol trong cơ thể bạn. Mức cholesterol LDL cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
  • HDL (lipoprotein mật độ cao) được gọi là cholesterol “tốt”, hấp thu cholesterol và mang nó trở lại gan. Sau đó, gan sẽ thải nó ra khỏi cơ thể. Mức độ cholesterol HDL cao có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
  • Triglyceride, một loại chất béo trong máu mà cơ thể bạn sử dụng để tạo năng lượng. Triglyceride là loại chất béo phổ biến nhất trong cơ thể. Chúng dự trữ năng lượng dư thừa từ chế độ ăn uống của bạn.
  • Cholesterol toàn phần: Tổng lượng cholesterol HDL, LDL và Triglyceride.

Cholesterol LDL có thể kết hợp với các chất khác để tạo thành một lớp cặn cứng và dày ở bên trong động mạch. Tình trạng này dẫn đến thu hẹp đường kính các động mạch và làm cho chúng kém chuyển động. Tên gọi theo y khoa là xơ vữa động mạch. Sự thu hẹp này ngăn chặn lưu lượng máu đến tim, cũng như máu từ tim đến nuôi các cơ quan khác của bạn. Khi dòng máu đến tim bị tắc nghẽn, nó có thể gây ra đau thắt ngực (nhồi máu cơ tim). Nếu cục máu đông hình thành và làm tắc nghẽn một trong những động mạch não, có thể dẫn đến đột quỵ.

Sự kết hợp giữa hàm lượng triglyceride cao với HDL thấp hoặc LDL cao có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Cholesterol xấu và tốt

4. Nguyên nhân làm tăng cholesterol

Lối sống không lành mạnh

Có những thay đổi trong lối sống có thể thực hiện để cải thiện lượng cholesterol của cơ thể. Điều đó hoàn toàn đúng bởi vì, thường xuyên có những thói quen không lành mạnh là một trong những nguyên nhân gây ra cholesterol cao.

Cơ thể của bạn có thể tự sản xuất tất cả cholesterol LDL (xấu) mà nó cần. Một lối sống không lành mạnh: không tập thể dục đầy đủ dẫn đến thừa cân, ăn quá nhiều thực phẩm có hại, hút thuốc lá, uống rượu bia – khiến cơ thể bạn sản xuất nhiều LDL cholesterol hơn mức cần thiết. Đây là nguyên nhân gây ra cholesterol LDL cao ở hầu hết mọi người.

Di truyền

Một số người thừa hưởng gen từ mẹ, cha hoặc thậm chí ông bà của họ khiến họ có quá nhiều cholesterol. Đây được gọi là bệnh tăng cholesterol máu có tính gia đình. Mức độ nghiêm trọng của bệnh liên quan đến thời gian và mức độ cholesterol LDL trong máu. Bệnh lí có thể gây ra bệnh tim xơ vữa động mạch sớm hơn người bình thường.

Nếu kết quả cholesterol của bạn tăng cao, bạn hãy khuyên các thành viên trong gia đình nên làm xét nghiệm kiểm tra.

5. Làm sao để biết bạn có lượng cholesterol phù hợp không?

Cholesterol cao thường không gây ra triệu chứng. Cách duy nhất để biết liệu bạn có bị cholesterol cao hay không là kiểm tra cholesterol bằng xét nghiệm máu. Bạn cần nhịn ăn (không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì) từ 8 đến 12 giờ trước khi xét nghiệm cholesterol.

Cholesterol toàn phần Dưới 200mg/dL
LDL cholesterol “xấu” Dưới 100mg/dL
HDL cholesterol “tốt” Lớn hơn hoặc bằng 60mg/dL
Triglyceride Dưới 150mg/dL

*Mức cholesterol bình thường: (được đo bằng milligram trên decilit (mg/dL))

6. Chế độ ăn có Cholesterol lành mạnh là gì?

Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo xấu. Chất béo xấu thường đến từ các sản phẩm động vật. Chủ yếu có trong mỡ động vật, nước thịt và nước sốt đóng hộp. Tự pha chế nước sốt để có thể đảm bảo lượng chất béo là vừa đủ. Pho mát và những sản phẩm từ sữa, bơ, dầu cọ và dầu dừa, mayonnaise, nước sốt salad, sô cô la cũng giàu chất béo.

Chọn thực phẩm ít chất béo xấu hay ít muối. Những thực phẩm này bao gồm thịt nạc, hải sản; sữa không béo hoặc ít béo và sữa chua; các loại ngũ cốc; trái cây và rau quả.

Ăn thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên như bột yến mạch, dầu thực vật như dầu ô liu và các loại hạt. Những thực phẩm này có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát mức độ tăng của cholesterol LDH và triglyceride đồng thời làm tăng mức HDL.

Đọc kỹ nhãn thành phần để xác định lượng chất béo và loại chất béo có trong thực phẩm. Hạn chế chất béo LDL và triglyceride.

Tránh thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh có nhiều chất béo.

Một số mẹo khi nấu ăn dành cho bạn

  • Chọn cá, gà và thịt nạc. Tránh các loại thịt béo như thịt xông khói, xúc xích, sườn… hay các loại nội tạng, bao gồm cả gan.
  • Giới hạn lòng đỏ trứng từ 3 đến 4 quả mỗi tuần.
  • Cắt bỏ phần mỡ có thể nhìn thấy trên thịt và da của gia cầm trước khi nấu để loại bỏ bớt chất béo.
  • Thay thế cách nấu: không nướng, chiên mà nên luộc thịt, cá, rau củ …
  • Để ráo và loại bỏ chất béo tiết ra khỏi thịt khi bạn nấu.
  • Hạn chế thêm chất béo vào thức ăn.
  • Sử dụng dầu thực vật để nấu ăn hoặc nướng.
  • Sử dụng các loại thảo mộc hoặc gia vị ướp không dầu để tạo hương vị cho thực phẩm.
  • Nên trộn salad với nước cốt chanh, dầu giấm thay vì thêm nước sốt chứa chất béo hoặc dầu.

7. Kiểm soát cholesterol bằng lối sống lành mạnh

Duy trì cân nặng hợp lí

Thừa cân và béo phì làm tăng mức cholesterol xấu. Mỡ cơ thể dư thừa ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn sử dụng cholesterol và làm chậm khả năng loại bỏ LDL ra khỏi máu. Sự kết hợp này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Để xác định xem cân nặng của bạn có nằm trong ngưỡng khỏe mạnh hay không, các bác sĩ thường tính chỉ số khối cơ thể (BMI).

Các bác sĩ đôi khi cũng sử dụng số đo vòng eo và hông để đo lượng mỡ thừa của cơ thể. Hoạt động thể chất có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, làm giảm mức cholesterol và ổn định huyết áp.

  • Hãy tập thói quen vận động từ nhỏ cùng với gia đình. Đối với người lớn, bác sĩ khuyến nghị bạn nên dành ít nhất 2 giờ 30 phút mỗi tuần tập thể dục cường độ trung bình. Chẳng hạn như đi bộ nhanh hoặc đi xe đạp. Trẻ em và thanh thiếu niên nên hoạt động thể chất 1 giờ mỗi ngày.
  • Hãy biến hoạt động thể chất thành một phần mỗi ngày. Đi cầu thang bộ thay vì thang máy. Đỗ xe xa hơn một chút, đi bộ đến cửa hàng hoặc tập thể dục trong giờ giải lao.

Duy trì cân nặng hợp lí
Tập thể dục mỗi ngày như một thói quen

Từ bỏ hút thuốc lá và hạn chế uống rượu

Hút thuốc làm hỏng mạch máu của bạn, làm tăng tốc độ xơ cứng của động mạch cũng như những bệnh tim. Nếu bạn chưa từng hút thuốc, đừng bắt đầu thói quen xấu này. Nếu bạn đang hút thuốc, bỏ thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Quá nhiều rượu có thể làm tăng mức cholesterol xấu và triglyceride. Lời khuyên dành cho bạn không nên uống quá hai ly mỗi ngày nếu là đàn ông và không nên uống nhiều hơn một ly nếu là phụ nữ.

Nếu bạn có lượng cholesterol trong máu cao, điều chỉnh lối sống là bước đầu tiên tuyệt vời để giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Nếu những bước đó không làm giảm đủ nguy cơ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp bạn. Thực hiện ngay cả những thay đổi nhỏ ngay bây giờ có thể giúp ngăn ngừa những thách thức y tế đáng kể sau này. Làm tất cả những gì bạn có thể để giảm nguy cơ mắc các hậu quả nghiêm trọng của cơn đau tim và đột quỵ.