Cấu tạo và chức năng của đầu gối

Bạn đọc thân mến, gối là một cấu trúc đóng vai trò rất quan trọng trong việc di chuyển và hoạt động của con người. Nó giúp cho con người trở nên linh hoạt trong cuộc sống. Vì vậy đây cũng là một cấu trúc rất dễ bị tổn thương. Vậy gối có cấu tạo như thế nào để đảm nhận được chức năng quan trọng như vậy? Những tổn thương nào thường gặp ở vùng gối? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.

1. Vị trí và giới hạn của đầu gối

Gối là một vùng có cấu tạo khá phức tạp, gồm xương, sụn, dây chằng, gân, bao hoạt dịch. Gối là vùng trung gian giữa đùi và cẳng chân. Gối được giới hạn như sau:

  • Phía trên: bởi đường vòng cách bờ trên xương bánh chè ba khoát ngón tay.
  • Phía dưới: bởi đường vòng qua phía dưới lồi củ chày của xương chày.

Thông thường gối được chia thành hai vùng bởi khớp gối: vùng gối trước và vùng gối sau. Vùng gối sau chứa nhiều mạch máu và thần kinh quan trọng.

2. Cấu tạo của đầu gối

Đầu gối được hình thành bởi 3 xương là: xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Do đó, khớp gối là một khớp phức hợp của cơ thể, bao gồm hai khớp:

  • Khớp giữa xương đùi và xương chày.
  • Khớp giữa xương đùi và xương bánh chè.

2.1. Cấu tạo các mặt khớp

Khớp giữa xương đùi và xương chày là loại khớp khớp lồi cầu. Nghĩa là sự kết hợp giữa hai lồi cầu xương đùi và hai diện khớp trên của xương chày. Diện khớp trong lõm và dài hơn diện khớp ngoài. Hai diện khớp trên xương chày còn được làm sâu thêm nhờ các sụn chêm trong và ngoài.

Khớp giữa xương đùi và xương bánh chè thuộc loại khớp phẳng. Mặt sau của xương bánh chè tiếp khớp với diện bánh chè của xương đùi.

Mô tả cấu tạo đầu gối trên mặt phẳng đứng dọc.

Xem thêm: Đau khớp gối là biểu hiện của bệnh gì?

2.2. Sụn chêm trong và ngoài

Sụn chêm là miếng sụn sợi nằm ở diện khớp trên xương chày. Mục đích của sụn chêm là làm cho diện khớp thêm sâu rộng và trơn láng hơn. Có thể thấy,sụn chêm trong có hình chữ C, trong khi đó, sụn chêm ngoài gần có hình chữ O. Hai sụn chêm nối nhau bởi dây chằng ngang gối và dính vào xương chày bởi các dây chằng. Do đó các sụn chêm dễ dàng di chuyển khi khớp cử động. Sụn chêm trượt ra trước khi gối duỗi, trong khi đó sụn chêm sẽ trượt ra sau khi gối gấp.

Mặt trên của sụn chêm không phẳng như mặt dưới mà lõm để tiếp xúc với lồi cầu xương đùi. Sụn chêm dễ bị tổn thương trong sinh hoạt hàng ngày. Có thể trong động tác duỗi gối quá mạnh khi cẳng chân đang ở tư thế xoay ngoài hay xoay trong.

Sụn chêm có ít mạch máu nuôi nên khi tổn thương nó khó hồi phục. Trong một số trường hợp, sụn chêm trở thành một vật chèn không cho khớp gối hoạt động.

2.3. Các phương tiện nối khớp

2.3.1. Bao khớp

Bao khớp là một bao sợi, bao xung quanh khớp, có tác dụng bảo vệ khớp. Bao khớp gối khá mỏng. Phía trước, bao khớ bám vào các bờ của xương bánh chè và được gân bánh chè đến tăng cường. Phía ngoài, bao khớp bám vào sụn chêm.

2.3.2. Hệ thống dây chằng

Ở vùng gối, hệ thống dây chằng khá đa dạng. Thật vậy, khớp gối có bốn hệ thống dây chằng.

  • Dây chằng trước: gồm dây chằng bánh chè và mạc giữ bánh chè trong và ngoài. Dây chằng bánh chè từ bờ dưới xương bánh chè chạy tới bám vào lồi củ chày.
  • Dây chằng sau: gồm dây chằng khoeo chéo và dây chằng khoeo cung. Dây chằng khoeo chéo từ chỗ bám tận của gân cơ bán mạc chạy lên trên, ra ngoài tới bám vào lồi cầu ngoài xương đùi. Dây chằng khoeo cung là chỗ dày lên tại bờ lỗ khuyết của mặt sau bao khớp, nơi có cơ khoeo chui qua.
  • Dây chằng bên: gồm dây chằng bên chày và dây chằng bên mác. Hai dây chằng bên chày và bên mác rất chắc. Chúng đóng vai trò quan trọng giữ cho khớp khỏi trật ra ngoài hay vào trong.
  • Dây chằng chéo: gồm dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau. Dây chằng bắt chéo trước từ mặt trong lồi cầu ngoài xương đùi chạy xuống dưới và ra trước để bám vào diện gian lồi cầu trước của xương chày. Dây chằng bắt chéo sau từ mặt ngoài lồi cầu trong xương đùi chạy xuống dưới và ra sau bám vào diện gian lồi cầu sau của xương chày.

Hai dây chằng chéo này bắt chéo nhau tạo thành chữ X. Thêm vào đó, dây chằng chéo trước còn bắt chéo dây chằng bên mác. Và dây chằng chéo sau bắt chéo dây chằng bên chày. Ngoài ra, hai dây chằng chéo cũng rất chắc, và chúng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho khớp gối khỏi trật theo chiều trước sau.

minh họa một số dây chằng ở đầu gối
Minh họa một số dây chằng ở đầu gối.

2.4. Bao hoạt dịch

Ở vùng gối, bao hoạt dịch khá phức tạp. Chúng lót bên trong bao khớp, bám vào sụn chêm. Các dây chằn chéo đều nằm ngoài bao hoạt dịch.

2.5. Các cơ vùng gối

  • Vùng gối trước: gồm lớp da, các tổ chức dưới da bao gồm dây chằng bánh chè và xương bánh chè bọc ở phía trước khớp gối.
  • Vùng gối sau: gồm nhiều cơ đóng nhiều vai trò quan trọng trong hoạt động của khớp gối.
  • Ở phía trên và ngoài là đầu tận của cơ nhị đầu đùi.
  • Ở phía trên và trong là đầu tận của cơ bán gân và bán màng.
  • Ở phía dưới là hai đầu của cơ bụng chân.

Các đầu tận của các cơ này giới hạn thành một hố có dạng hình thoi, đó là hố khoeo. Hố khoeo chứa nhiều cấu trúc quan trọng. Bao gồm: động mạch và tĩnh mạch khoeo, thần kinh chày, thần kinh mác chung, hạch bạch huyết.

3. Động tác của vùng gối

Gối là một trong những khớp quan trọng nhất và lớn nhất của cơ thể. Khớp gối đóng một vai trò thiết yếu trong chuyển động sống hàng ngày, như ngồi, đứng, chạy, đi bộ, nhảy.

Động tác chủ yếu của khớp gối là gấp và duỗi. Tuy nhiên khi cẳng chân gấp, khớp có thể làm động tác dạng, khép, xoáy ngoài và xoay trong rất ít.

Tầm vận động bình thường ở khớp gối ở tư thế gối gấp là 130° đến 145° và quá duỗi  là 1° đến 2°.

4.    Các bệnh lý thường gặp ở vùng gối

4.1. Thoái hóa khớp gối

Ngày nay, thoái hóa khớp gối là bệnh lý xương khớp rất thường gặp. Biểu hiện bởi sự biến đổi bề mặt sụn khớp, làm biến đổi bề mặt khớp, hình thành các gai xương, biến dạng khớp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối. Chủ yếu là do quá trình lão hóa. Ngoài ra, thoái hóa khớp gối có thể xuất hiện sau:

  • Các chấn thương: gãy xương, can lệch…
  • Bất thường bẩm sinh: khớp gối quá ưỡn, gối vẹo trong, gối vẹo ngoài, biến dạng bàn chân…
  • Sau các tổn thương viêm: viêm khớp dạng thấp, lao khớp…

Những người có tiền sử lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều, đứng lâu hoặc công việc và béo phì có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối.

Triệu chứng chứng chủ yếu là đau khớp gối. Các triệu chứng khác có thể là sưng, cứng khớp gối, tràn dịch khớp gối, biến dạng khớp gối.

Ttùy vào mức độ bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp. Điều trị thuốc kết hợp vật lí trị liệu là phương pháp điều trị hàng đầu. Bên cạnh đó, ngày nay có nhiều phương pháp điều trị mới như:

  • Tiêm nội khớp: corticosteroid, acid hyaluronic.
  • Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP).

Những trường hợp nặng không đáp ứng điều trị nội khoa có thể cần đến phẫu thuật thay khớp gối. Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo có thể là thay khớp gối bán phần hoặc thay khớp gối toàn phần.

Minh họa hình ảnh khớp gối bình thường và thoái hóa
Minh họa hình ảnh khớp gối bình thường và thoái hóa.

4.2. Tổn thương dây chằng chéo trước

Ở vùng gối, tổn thương dây chằng chéo trước rất thường gặp. Những tổn thương này thường gặp sau những chấn thương trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ: va đập đầu gối trong tai nạn giao thông, té đập đầu gối hoặc một số tư thế sai của xương đùi, xương chày quanh gối.

Xem thêm: Điều trị giãn dây chằng đầu gối hiệu quả nhất.

Triệu chứng chính là đau vùng gối, lỏng gối. Có thể là rách một phần hoặc đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước. Thông thường bạn cần chụp phim cộng hưởng từ để có chẩn đoán chính xác cho tổn thương dây chằng chéo trước.

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà bạn sẽ được điều trị bảo tồn hay phẫu thuật. Phẫu thuật bằng phương pháp nội soi tái tạo dây chằng chéo trước bằng những dải gân cơ trong cơ thể. Ví dụ: gân xương bánh chè, gân cơ tứ đầu, bốn dải cơ thon – bán gân.

Vật lí trị liệu cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi cho những tổn thương dây chằng chéo trước, trong cả điều trị bảo tồn hay phẫu thuật. Kết hợp vật lí trị liệu – phục hồi chức năng giúp bạn nhanh chóng trở về hoạt động sống hàng ngày hơn.

Minh họa tổn thương dây chằng chéo trước.

4.3. Viêm bao hoạt dịch đầu gối

Bệnh hay gặp ở những đối tượng là vận động viên thể thao hay người lao động chân tay nhiều. Tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối xảy ra khi bao hoạt dịch ở khớp gối bị viêm không do nhiễm khuẩn.

Những dấu hiệu thường gặp đó là:

  • Cảm thấy sưng, nóng, đỏ, đau khi bạn đè lên khớp gối.
  • Đau có thể xuất hiện khi di chuyển hoặc thậm chí khi nghỉ ngơi
  • Cứng khớp, gây hạn chế hoạt động

Điều trị có thể là bảo tồn hoặc phẫu thuật, tùy thuộc mức độ tổn thương của bạn.

Tham khảo thêm bài viết: Những điều bạn cần biết về viêm bao hoạt dịch đầu gối.

5.    Thói quen sinh hoạt để bảo vệ đầu gối

  • Để bảo vệ dầu gối cũng như phòng ngừa những bệnh lí ở vùng gối, ngay từ bây giờ bạn hãy xây dựng cho mình một lối sinh hoạt lành mạnh. Bạn có thể tham khảo những mẹo sau đây:
  • Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất. Bổ sung vitamin D, canxi và khoáng chất
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, hợp lí để tăng cường sức khỏe, xương khớp dẻo dai, cơ bắp mạnh mẽ. Lưu ý, cần khởi động làm ấm cơ thể trước khi chơi thể thao. Cũng như cần có các bài tập làm nguội cơ thể sau khi chơi thể thao.
  • Bơi lội, đạp xe đạp tĩnh là những môn thể thao phù hợp cho những người thoái hóa khớp gối
  • Kiểm soát cân nặng hợp lí, tránh thừa cân béo phì làm quá tải lên đầu gối. Trong trường hợp người bệnh thừa cân – béo phì cần được tư vấn và điều trị giảm cân.
  • Phát hiện điều trị chỉnh hình sớm các dị tật khớp (lệch trục khớp, khớp gối vẹo trong, vẹo ngoài..).
Bơi lội có thể là môn thể thao phù hợp cho những người có vấn đề về khớp gối.
Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản  về cấu tạo, chức năng cũng như điểm qua một số bệnh lý ở đầu gối.  Đầu gối là cấu trúc xương khớp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Và nó cũng rất dễ bị chấn thương. Hy vọng bạn đọc đã có những kiến thức hữu ích từ bài viết. Nếu có bất kỳ thắc mắc về vấn đề sức khỏe đừng ngần ngại chia sẻ cùng chúng tôi. Cảm ơn bạn luôn đồng hành cùng YouMed nhé!

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân