Cấu tạo và chức năng của phế quản

Hô hấp đóng vai trò thiết yếu cho sự tồn tại của con người, bằng việc đảm nhận nhiệm vụ trao đổi khí duy trì sự sống cho mọi tế bào trong cơ thể. Phế quản là một trong những thành phần quan trọng của hệ hô hấp. Vậy phế quản là gì? Phế quản nằm ở đâu? Cấu tạo và chức năng của phế quản ra sao? Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân tìm hiểu về hệ thống phế quản trong bài viết sau đây nhé!

1. Vị trí của phế quản

Hệ hô hấp người bao gồm hệ hô hấp trên và hệ hô hấp dưới. Trong đó, hệ hô hấp trên gồm có mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản… có nhiệm vụ lấy không khí, lọc không khí trước khi đưa không khí xuống hệ hô hấp dưới. Và hệ hô hấp dưới gồm khí quản, phế quản, phế nang, màng phổi và phổi có nhiệm vụ dẫn khí, lọc khí và trao đổi khí.

Minh họa đường hô hấp trên và dưới của cơ thể
Minh họa đường hô hấp trên và dưới của cơ thể

Như vậy, phế quản là một ống dẫn khí thuộc hệ hô hấp dưới. Là phần tiếp nối phía dưới của khí quản, ở ngang mức đốt sống ngực 4, 5. Từ vị trí này tách thành phế quản gốc phải và phế quản gốc trái, sau đó đi vào hai lá phổi qua một vị trí mà chúng ta gọi là “rốn phổi”. Vị trí khí quản tách thành phế quản có tên là “ngã ba khí phế quản”.

Sau khi vào phổi, phế quản chính tiếp tục chia thành nhiều nhánh nhỏ dần hơn. Ngoài ra, sự phân chia cây phế quản cũng là cơ sở để phân chia các thùy của phổi.

Xem thêm: Những điều cần lưu ý về bệnh viêm phế quản cấp

2. Cấu trúc hệ thống phế quản

Cấu trúc chung

Như đã nói, phế quản được chia thành phế quản chính phải và phế quản chính trái. Hai phế quản chính tạo với nhau một góc 700. Phế quản gốc phải: dài khoảng 10 – 14 mm, đường kính khoảng 12 – 16 mm, số vòng sụn là 6 – 8. Phế quản gốc trái: dài khoảng 50 – 70 mm, đường kính khoảng 10 – 14 mm, số vòng sụn là 12 – 14. Ngoài ra, phế quản chính phải thường to hơn, ngắn hơn, dốc hơn nên thường dị vật lọt vào phổi phải.

Toàn bộ phế quản chính và sự phân chia của phế quản chính tới tận phế nang tạo nên hình ảnh cây phế quản. Sự phân chia có thể được hình dung ngắn gọn như sau:

  • Mỗi phế quản chính sau khi chui vào rốn phổi sẽ chia thành các phế quản thùy.
  • Mỗi phế quản thùy dẫn khí cho một thùy phổi và lại chia thành các phế quản phân thùy dẫn khí cho một phân thùy phổi.
  • Tiếp theo đó, mỗi phế quản phân thùy lại chia thành các phế quản hạ phân thùy.
  • Các phế quản hạ phân thùy lại chia nhiều lần nữa cho tới tiểu phế quản à tiểu phế quản tận cùng à tiều phế quản hô hấp à ống phế nang à túi phế nang à phế nang. Tiểu thùy phổi là một đơn vị cơ sở của phổi. Nó bao gồm các tiểu phế quản hô hấp dẫn khí vào ống phế nang rồi vào túi phế nang và sau cùng là phế nang. Mặt phế nang có các mao mạch phổi để trao đổi khí giữa máu và không khí.
Minh họa sự phân chia của phế quản cho đến tận phế nang
Minh họa sự phân chia của phế quản cho đến tận phế nang

Cụ thể cây phế quản mỗi bên trái, phải như sau:

Phế quản chính P

(Chia làm 3 phế quản thùy: trên, giữa, dưới)

Phế quản chính T

(Chia làm 2 phế quản thùy: trên, dưới)

1. Phế quản thùy trên:

Dài khoảng 1 cm, tách vuông góc với phế quản gốc, chia thành 3 phế quản phân thùy:

  • Phế quản phân thùy đỉnh.
  • Phế quản phân thùy sau.
  • Phế quản phân thùy trước.

2. Phế quản thùy giữa

  • Dài khoảng 2 cm, chia thành 2 phế quản phân thùy.
  • Phế quản phân thùy bên.
  • Phế quản phân thùy giữa.

3. Phế quản thùy dưới

Chia thành 5 phế quản phân thùy:

  • Phế quản phân thùy trên.
  • Phế quản phân thùy đáy giữa.
  • Phế quản phân thùy đáy trước.
  • Phế quản phân thùy đáy bên.
  • Phế quản phân thùy đáy sau.

1. Phế quản thùy trên:

Dài khoảng 1.5 – 2 cm, tách thành 2 nhánh:

Nhánh trên: đi vào thùy đỉnh phổi trái và chia thành:

  • Phế quản phân thùy đỉnh sau.
  • Phế quản phân thùy trước.

Nhánh dưới: đi vào thùy lưỡi phổi trái:

  • Phế quản phân thùy lưỡi trên.
  • Phế quản phân thùy lười dưới.

2. Phế quản thùy dưới

Chia thành 5 phế quản phân thùy:

  • Phế quản phân thùy trên.
  • Phế quản phân thùy đáy giữa.
  • Phế quản phân thùy đáy trước.
  • Phế quản phân thùy đáy bên.
  • Phế quản phân thùy đáy sau.
Minh họa cây phế quản của con người
Minh họa cây phế quản của con người

3. Cấu tạo mô học của hệ thống phế quản

Hệ thống phế quản ở người là một hệ thống ống hình lăng trụ. Với cấu tạo không hoàn toàn giống nhau trong suốt chiều dài của cây phế quản. Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống cây phế quản đều có cấu tạo cơ bản gồm 4 lớp từ trong ra ngoài bao gồm: niêm mạc, lớp đệm, lớp cơ trơn, lớp sụn sợi.

Lớp niêm mạc

Lớp niêm mạc lót mặt trong phế quản, là lớp tế bào trụ giả tầng có lông chuyển và các tuyến khí quản. Không khí khi đi qua phế quản, bụi bẩn, vi khuẩn, virus gây bệnh sẽ bị các lông chuyển này giữ lại và đẩy ra ngoài thông qua phản xạ ho.

Lớp đệm

Đây là một lớp mô liên kết thưa.

Lớp cơ trơn

Hay còn được gọi là cơ Reissessen. Các cơ này có thể co giãn dưới tác dụng của hệ thần kinh tự động làm thay đổi khẩu kính của đường dẫn khí để điều hòa lượng không khí đi vào phổi. Trong đó, thần kinh giao cảm làm giãn cơ, thần kinh phó giao cảm làm co cơ. Khi lớp cơ trơn này co thắt sẽ gây cơn khó thở, có thể gặp trong bệnh hen suyễn.

Minh họa sự co thắt của cơ trơn đường thở

Lớp sụn sợi

Có vai trò tạo nên hình dạng ổn định cho phế quản, giúp đảm nhận tốt vai trò dẫn khí. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, lớp sụn sợi không còn hiện diện ở những tiểu phế quản hô hấp.

4. Chức năng của phế quản

Phế quản có hai chức năng chính là dẫn khí và bảo vệ phổi, các chức năng này được điều hòa bởi hệ thần kinh thực vật.

Vai trò dẫn khí

Phế quản là các ống dẫn khí từ bên ngoài cơ thể sau khi đi qua đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) để vào hai phổi. Thật vậy, sau khi có sự vận động của các cơ hô hấp, nhờ tính đàn hồi của phổi và lồng ngực, áp suất âm được gây ra trong phế nang sẽ làm khí đi vào phổi thông qua đường dẫn khí. Đường dẫn khí làm thông phế nang với bên ngoài. Nhưng chúng không phải chỉ là một ống dẫn khí đơn thuần mà còn đảm nhận nhiều chức năng quan trọng khác để bảo vệ sự hô hấp.

Đường dẫn khí chịu sự ảnh hưởng của Epinephrine và Norepinephrine lưu hành trong máu. Chúng được tiết ra mỗi khi hệ thần kinh giao cảm kích thích tuyến thượng thận. Cả 2 chất này, nhất là Epinephrine tác động lên thụ thể β2 gây ra hiện tượng giãn phế quản. Còn chất Acetylcholine khi bị kích thích bởi thần kinh phó giao cảm làm co thắt tiểu phế quản ở mức độ nhẹ gây tình trạng như hen phế quản

Vai trò bảo vệ phổi

Ngăn cản vật lạ vào đường hô hấp

Do có cấu tạo biểu mô trụ trên có các lông chuyển nên dễ dàng giữ lại những chất có hại cho cơ thể trước khi vào phế nang và đẩy chúng ra ngoài.

Chất tiết của phế quản có chứa immunoglobulin và các chất khác có tác dụng chống nhiễm khuẩn và giữ cho niêm mạc được bền vững

Làm ẩm không khí

Khí được làm ẩm để khí vào phổi được bão hòa hơi nước

Điều chỉnh nhiệt độ khí hít vào

Dù nhiệt độ khí hít vào rất nóng hay lạnh, khí vào đến phế nang cũng gần bằng nhiệt độ cơ thể. Vì vậy, hai chức năng làm ẩm và điều chỉnh nhiệt độ nhằm bảo vệ phế nang.

Chức năng phát âm

Góp phần vào chức năng phát âm của thanh quản. Do luồng khí đi lên từ phổi qua phế quản, khí quản đến thanh môn làm cho hai dây thanh rung động và phát ra âm thanh.

5. Những lưu ý để bảo vệ sức khỏe đường hô hấp

Phế quản nói riêng và hệ hô hấp nói chung có thể coi là nguồn sống của toàn bộ tế bào trong cơ thể. Những bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp rất thường gặp và lứa tuổi nào cũng có thể măc phải. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì thế, để phòng tránh các bệnh lí liên quan đến phế quản cũng như hệ hô hấp, bạn có thể lưu ý những vấn đề sau:

Giữ môi trường sạch sẽ

Giữ môi trường không khí trong nhà và nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát. Ánh sáng mặt trời cũng là một cách đơn giản giúp khử trùng cho môi trường không khí. Thường xuyên lau chùi nhà cửa, thay chăn nệm sạch sẽ.

Thói quen sinh hoạt lành mạnh

  • Tập thể dục đều đặn, phù hợp sức khỏe. Trong mùa đông, không nên đi tập quá sớm (trước 5 giờ sáng) và quá muộn (sau 21 giờ). Lưu ý luôn giữ ấm cơ thể vào mùa đông.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để tăng cường sức mạnh cho hệ thống miễn dịch. Tăng cường rau xanh, trái cây tươi để bổ sung vitamin cho cơ thể.
  • Uống đủ nước hàng ngày tránh làm khô đường hô hấp. Như vậy sẽ tối ưu cho chức năng bảo vệ đường hô hấp.
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà.
  • Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng. Với người đã bị dị ứng với phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi nhà, cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân trên. Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá.

Xem thêm: Những dấu hiệu ung thư thực quản mà bạn nên biết

Duy trì thói quen tập thể dục để tăng cường sức khỏe

Xây dựng ý thức bảo vệ sức khỏe

  • Tiêm vắc xin phòng các bệnh đường hô hấp như cúm, phế cầu. Đặc biệt là những đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người cao tuổi, những người mắc nhiều bệnh nền.
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt xì bằng khăn vải hoặc khăn giấy
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng
  • Nếu có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để có chỉ định điều trị cụ thể.
  • Những người có các bệnh lí mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, để tránh những cơn khởi phát cấp tính của bệnh.
  • Khi đi ngoài trời cần đeo khẩu trang để tránh các tác nhân gây bệnh. Bạn cũng cần chủ động cách ly với người đang mắc bệnh đường hô hấp.
Che mũi và miệng khi ho hoặc hắt xì bằng khăn giấy

Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu những thông tin thú vị về cấu tạo cũng như chức năng quan trọng của phế quản đối với cơ thể của chúng ta. Rõ ràng phế quản cũng như hệ thống hô hấp đóng vai trò thiết yếu trong sự tồn tại của con người. Do đó, bạn hãy cố gắng duy trì những thói quen tốt để bảo vệ đường hô hấp cũng như bảo vệ sức khỏe bản thân nhé!