Cấu tạo và chức năng của ruột non và ruột già

Hệ tiêu hóa có nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng và đào thải chất bã. Hệ tiêu hóa chia thành hai phần là ống tiêu hoá và các cơ quan tiêu hóa phụ. Ống tiêu hóa gồm: miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, ống hậu môn. Cơ quan tiêu hóa phụ gồm: răng, lưỡi, tuyến nước bọt, gan, túi mật, tụy. Quá trình tiêu hóa thức ăn là một quá trình đòi hỏi sự kết hợp của toàn bộ hệ tiêu hóa, trong đó ruột non và ruột già đóng một vai trò quan trọng.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn đầy đủ hơn về ruột non, ruột già.

1. Vị trí của ruột non và ruột già

Ruột non – ruột già nằm giữa dạ dày và hậu môn, nằm gọn trong khoang bụng của cơ thể. Tuy nhiên, chiều dài của chúng có thể lên đến 5 – 7 m tùy cách đo đạc.

Hình dạng chung của ruột non và ruột già là một cấu trúc hình ống dài.

Trong đó ruột non có chiều dài khoảng 5.5 – 9m, rộng khoảng 1.5 – 3cm.

Ruột già (đại tràng) là phần áp cuối trong hệ tiêu hóa, có độ dài trung bình khoảng 1,4 – 1,8m. Ruột già ngắn hơn ruột non 4 lần nhưng tiết diện lại lớn hơn ruột non.

2. Cấu tạo giải phẫu của ruột non và ruột già

Cấu tạo giải phẫu của ruột non và ruột già

Ruột non và ruột già gồm có 4 lớp:

2.1. Lớp niêm mạc lót bề mặt của lòng ống tiêu hóa

  • Gồm lớp tế bào biểu mô, lớp mô liên kết, lớp cơ trơn mỏng (cơ niêm).
  • Niêm mạc là lớp tế bào thượng mô trụ xen kẽ với tế bào tiết nhầy.
  • Các vi nhung mao ở lớp biểu mô có nhiệm vụ tiết các chất để phân cắt thức ăn thành các đoạn nhỏ và hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn.
  • Trong khi các tuyến nhỏ có nhiệm vụ bài tiết 1.8 lít dịch tiêu hóa để hòa trộn thức ăn.

2.2. Tiếp theo đến lớp dưới niêm mạc

  • Là lớp mô liên kết lỏng lẻo chứa mạch máu, mạch bạch huyết, các sợi thần kinh và các tuyến niêm mạc.
  • Mạch máu bao gồm các tiểu động mạch, các mao mạch và các tiểu tĩnh mạch.
  • Có nhiệm vụ nuôi dưỡng ruột và vận chuyển các chất được ruột hấp thu đi nuôi cơ thể.

2.3. Ngoài lớp dưới niêm mạc là lớp cơ trơn

  • Tầng ngoài xếp theo chiều dọc (cơ dọc), các sợi cơ lớp trong cong quanh thành ống (cơ vòng). Ở ruột già, tầng cơ dọc tập trung thành ba dải.
  • Giữa hai tầng có các mạch máu, mạch bạch huyết và một đám rối thần kinh chi phối. Lớp cơ tạo các nhu động ruột đẩy thức ăn xuống dưới.
  • Có nhiệm vụ co bóp giúp nhào trộn, nghiền nhỏ và di chuyển thức ăn.
  • Tại một số điểm dọc ruột non, lớp cơ vòng dày lên tạo nên các cơ thắt. Cơ thắt có vai trò làm chậm sự di chuyển, giúp cho việc tiêu hóa, hấp thu có thời gian diễn ra.

>> Xem thêm: Chảy máu tiêu hóa dưới: Đừng coi thường!

2.4. Ngoài cùng là lớp thanh mạc

  • Phúc mạc ở mặt trước và mô liên kết ở mặt sau.
  • Có nhiệm vụ bảo vệ các thành phần bên trong và tiết chất dịch hạn chế ma sát khi ruột co bóp.
  • Chính nhờ phần dịch này mà ruột không bị tổn thương khi ở trong ổ bụng.

3. Chức năng của ruột non, ruột già

3.1. Đối với ruột non

3.1.1. Tá tràng

Cấu tạo ruột non

Đây là phần đầu tiên và là phần ngắn nhất, lớn nhất (về đường kính) của ruột non. Đi từ môn vị đến góc tá – hỗng tràng, hình chữ “C”, dài khoảng 25 cm.

Tá tràng ôm quanh đầu tụy, đi theo một đường gấp khúc gồm bốn phần: trên, xuống, ngang và lên.

  • Phần trên hơi hướng lên trên, từ trái sang phải, giữa môn vị và cổ túi mật. 2/3 đầu tiên có đoạn đầu hơi phình to, có thể di động được gọi là hành tá tràng (ampulla). Vị trí phần trên tá tràng nằm ở bên phải cột sống, ngang mức đốt sống thắt lưng I.
  • Tiếp đến phần xuống, nối với phần trên tạo một góc gọi là góc tá trang trên. Đi từ cổ túi mật, dọc bên phải cột sống từ các đốt sống lưng I-III. Ở phía sau có thận phải, tĩnh mạch chủ dưới. Bên trong phần xuống tá tràng có nhú tá lớn và nhú tá bé.
  • Phần ngang: vắt ngang từ phải sang trá, hơi lên trên. Vị trí trước tĩnh mạch chủ dưới và động mạch chủ bụng, thân đốt sống lưng III – IV. Chỗ gấp góc giữa phần xuống và phần ngang của tá tràng gọi là góc tá tràng dưới. Nơi dễ bị tổn thương nhất.
  • Cuối cùng của tá tràng là phần lên: chạy dọc bên trái động mạch chủ bụng. Tận cùng nối với hỗng tràng tại góc tá hỗng tràng ở ngang sườn trái thân đốt thắt lưng II.

>> Xem thêm: Hiểu về ruột non và các bệnh lý của chúng

3.1.2. Hỗng tràng và hồi tràng

4/5 đoạn ở trên gọi là hỗng tràng, ranh giới hai phần không rõ ràng. Có 14 – 16 khúc quai hình chữ U bắt đầu từ nơi tiếp với phần lên của tá tràng và tận hết ở hồi tràng đổ vào manh tràng. Hỗng – hồi tràng được treo vào thành lưng bởi mạc treo ruột non, phủ phía trước bởi mạc nối lớn.

3.2. Đối với ruột già

Ruột già chia ra làm 3 phần chính: manh tràng, kết tràng và trực tràng.

Giữa ruột non và ruột già có van hồi – manh giữ không cho các chất ở ruột già ngược trở lại ruột non.

Cấu tạo ruột già

3.2.1. Manh tràng

Có hình dạng giống như một cái túi tròn và tiếp với hỗng tràng, đường kính khoảng 7cm.  Ruột thừa từ bờ trong của manh tràng, nơi gặp nhau của ba dải cơ dọc. Ruột thừa hướng xuống dưới, thông với lòng manh tràng.

>> Tham khảo thêm: Nhận biết sớm dấu hiệu viêm ruột thừa

3.2.2. Kết tràng

Đây là bộ phận chính của ruột già, được chia làm 4 phần: kết tràng lên, kết tràng ngang, kết tràng xuống và kết tràng xích ma. Kết tràng đi từ manh tràng đi lên dọc theo bên phải ổ bụng cho đến khi gặp gan, chỗ gặp gỡ bị uốn cong.

Sau đó nó trở thành kết tràng ngang, đi ngang qua ổ bụng. Khi đến gần lách ở bên trái, kết tràng quay xuống để tạo thành kết tràng xuống. Nó đi vào khung chậu nó có hình chữ S tạo thành kết tràng xích ma.

3.2.3. Trực tràng

Kết tràng xích ma nối tiếp với trực tràng, là một ống thẳng, dài khoảng 15 cm và kết thúc ở hậu môn mở ra ngoài cơ thể. 

Ngoài ra bên trong lòng ống tiêu hóa còn có sự hiện diện của các vi khuẩn góp phần tiêu hóa thức ăn.

3.2.4. Dịch ruột già

Trong ruột già dịch không có enzyme tiêu hoá mà chỉ có chất nhầy để bảo vệ niêm mạc.

4. Mạch máu và thần kinh ở ruột non

  • Động mạch: hỗng tràng và hồi tràng được cung cấp máu động mạch mạc treo tràng trên.
  • Tĩnh mạch: các tĩnh mạch mạc treo tràng trên lên đến phía sau thân tụy thì hợp với tĩnh mạch lách tạo thành tĩnh mạch cửa.
  • Bạch huyết đổ vào các hạch tạng treo tràng.
  • Thần kinh cung cấp cho ruột non có nguồn gốc từ hệ thần kinh tự chủ, gồm thần kinh giao cảm và đối giao cảm. Thần kinh gồm các nhánh tách ra từ đám rối mạc treo tràng trên.

5. Mạch máu và thần kinh ở ruột già

  • Manh tràng được cấp máu từ động mạch hồi kết tràng, nhánh của động mạch mạc treo trên. Kết tràng lên và kết tràng góc gan được cấp máu bởi động mạch hồi kết tràng và kết tràng phải. Động mạch kết tràng giữa nuôi động mạch ngang. Các nhánh của động mạch treo tràng dưới nuôi kết tràng chậu hông và kết tràng xuống. Trực tràng và ống hậu môn nhận máu từ động mạch trực tràng trên, giữa và dưới.
  • Tĩnh mạch ruột già đổ về tĩnh mạch mạch treo tràng trên, dưới.
  • Bạch huyết ruột già toàn bộ cuối cùng đổ về hạch bạch huyết ở mạc treo tràng trên, dưới.

6. Chức năng của ruột non và ruột già

6.1. Ruột non

  • Chức năng của ruột non là tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Nhờ diện tích tiếp xúc lớn cùng với cấu trúc đặc biệt của niêm mạc ruột, đây là nơi xảy ra sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn chính của cơ thể.
  • Ở ruột non, thức ăn được nhào trộn với dịch tụy, dịch mật và dịch ruột. Các vận động của thành ruột hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa.
  • Dưới sự tác động của các men tiêu hóa, protein, lipid, glucid được tiêu hóa thành những sản phẩm cuối cùng có thể hấp thu được là các acid amin, monosaccarid, acid béo và các glycerol. Các chất dinh dưỡng được hấp thu qua thành ruột, theo các đường tĩnh mạch về gan, sau đó theo tĩnh mạch chủ dưới về tim.

6.2. Ruột già

Tại đây không có enzyme tiêu hóa mà chứa chất nhầy làm trơn giúp phân di chuyển dễ dàng. Ngoài ra, giúp bảo vệ niêm mạc ruột già, tiết nhiều hơn khi bị viêm hoặc những tổn thương khác.

Một số chất đến khi đi xuống ruột già thì mới có thể chuyển hóa thành chất dinh dưỡng. Trong ruột già có rất nhiều loại vi khuẩn như escherichia coli, enterobacter aerogenes, bacteroides fragilis,… Các loại vi khuẩn này giúp tổng hợp một số dưỡng cần thiết cho cơ thể như vitamin B, B1, B6, K, axit folic,…

>> Xem thêm: Thuốc Bisacodyl: Nhuận tràng sạch ruột, trị táo bón

6.2.1. Hấp thu các chất cần thiết mà ruột non làm sót lại

  • Nước: 1 lít nước từ ruột non được chuyển xuống ruột già và sau đó hấp thụ. Khi thải ra ngoài môi trường theo đường phân hoặc nước tiểu chỉ còn lại khoảng 100 – 200ml.
  • Thuốc: Một số loại thuốc như an thần, hạ nhiệt, giảm đau, … có thể được hấp thụ tại ruột già. Vì vậy, đặc biệt là trẻ em được chỉ định dùng thuốc từ đường này dưới dạng thuốc đạn.
  • Muối: một trong những nguyên tố cần thiết cho cơ thể, được hấp thụ ở đoạn đầu ruột già.
  • NH3: Một số vi khuẩn trong ruột già sẽ hấp thu NH3 vào máu.

Ống tiêu hóa ở người

6.2.2. Chức năng bài tiết phân của ruột già

Hậu môn được cấu tạo bởi hai cơ thắt. Cơ thắt trong chính là cơ trơn, được điều khiển bởi hệ thần kinh trung ương. Cơ thắt ngoài chính là cơ vân, chịu sự điều khiển của vỏ não.

Được thực hiện theo quy trình như sau:

  • Các phần phía trước ruột già co bóp để đẩy phân xuống trực tràng sẽ làm căng trực tràng. Trực tràng sẽ co bóp tác động đến cơ thắt và mở cơ thắt trong làm kích thích việc đi đại tiện. Khi chưa đủ các điều kiện thuận tiện để thực hiện động tác đại tiện, phân dịch chuyển ngược lại lên phía trên trực tràng, trừ trường hợp quá lỏng.
  • Sau khi phân đã được tạo hình, có độ mềm cần thiết, đủ lượng thì sẽ được bài tiết. Khi đại tràng co bóp, chúng ta sẽ cảm thấy đau bụng và muốn đi vệ sinh. Chất nhầy trong đại tràng làm mềm, kết dính chất thải và tạo một lớp màng ở thành cơ quan này để tránh trầy xước và giảm đi tác hại của các loại vi khuẩn.
  • Nếu đủ các điều kiện thuận tiện, vỏ não chủ động thực hiện động tác rặn đẩy phân ra ngoài. Nhịn đại tiện lâu ngày có thể làm giảm chức năng này, gây bệnh táo bón.
  • Trong phân có chứa nhiều vi khuẩn, do đó sau khi đi đại tiện, bạn phải vệ sinh hậu môn và tay sạch sẽ tránh để mắc các bệnh như tiêu chảy, kiết lị,…

7. Các bệnh lý thường gặp ở ruột non, ruột già

7.1. Hội chứng ruột kích thích

Hiện nay, chưa có cách điều trị cho hội chứng ruột kích thích. Cách tốt nhất là nên thay đổi lối sống để giảm bớt các triệu chứng. Cần ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, tập thể dục thường xuyên, hạn chế các chất kích thích, bia rượu, cà phê, thuốc lá sẽ giúp cải thiện triệu chứng.

>> Xem thêm: Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân và triệu chứng

7.2. Phòng tránh bệnh viêm đại tràng mãn tính

  • Chế độ sinh hoạt lành mạnh.
  • Kiểm soát stress, căng thẳng, lo lắng, đảm bảo tinh thần vui vẻ, thoải mái, lành mạnh.
  • Vận động thể dục thể thao, tăng cường sức khỏe và sức đề kháng.

Chế độ ăn uống hợp lý:

  • Uống nhiều nước kết hợp xoa bóp nhẹ.
  • Ăn nhiều loại thực phẩm: sữa đậu nành, gạo, khoai tây, cá, rau xanh, trái cây, củ quả giàu chất xơ, giàu Kali.
  • Hạn chế ăn nem chua, tiết canh, rau sống, gỏi các loại, lòng heo… tránh nhiễm khuẩn đường ruột.
  • Hạn chế cà phê, rượu bia, thuốc lá, những đồ ăn chiên nóng khó tiêu.
  • Nên ăn thức ăn dễ tiêu, chia nhiều bữa nhỏ, ăn ít vào buổi tối.
  • Cần đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng, 1g chất đạm, 30 – 35 kcal cho mỗi 1kg cân nặng mỗi ngày. Đồng thời giảm chất béo, tăng cung cấp nước, vitamin và muối khoáng.
  • Khám sàng lọc định kỳ phát hiện sớm các nguy cơ có thể gây bệnh nguy hiểm.