Ruột thừa: Liệu có “thừa” như người ta vẫn nói?

Ruột thừa, hay dân gian vẫn hay gọi là ruột tịt, là một cấu trúc của ống tiêu hóa. Nó nằm tại vị trí nối giữa ruột non và ruột già. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn cho rằng đây là một cấu trúc dư thừa, “tàn tích” từ sau giai đoạn phôi thai. Tuy nhiên, với bài viết này, YouMed sẽ giúp bạn hiểu được những vai trò bất ngờ của nó. Cùng tìm hiểu nhé!

1. Ruột thừa là gì?

Ruột thừa là một bộ phận thuộc ống tiêu hóa của con người. Gốc ruột thừa đổ vào manh tràng khoảng 3 cm dưới góc hồi manh tràng. Nó có hình dáng như một ngón tay. Ở người trưởng thành dài khoảng 3 – 13 cm, đường kính lòng khoảng 0,5 – 1 cm.

Phần gốc của ruột thừa luôn nằm ở một vị trí hằng định so với manh tràng. Phần đầu thay đổi ở từng người khác nhau. Nó di chuyển một cách tự do trong ổ bụng và thay đổi tùy theo từng người từng trường hợp khác nhau. Phần đầu thường thấy nằm ở vị trí tại bụng dưới bên phải. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể nằm ở nhiều vị trí khác. Ví dụ như giữa ổ bụng, vùng dưới gan phải, nằm giữa các quai ruột non. Hoặc hiếm hơn là nằm bên trái bụng dưới (trường hợp những người đảo ngược phủ tạng).

ruột thừa
Ruột thừa là một cấu trúc của ống tiêu hóa nằm tại vị trí nối giữa ruột non và ruột già.

Có thể hiểu một cách đơn giản, ruột thừa dính với phần đầu đại tràng. Nó cách vị trí nối giữa ruột non và ruột già xuống phía dưới 2 – 3cm. Có gốc tại điểm hội tụ của 3 dải cơ dọc trên ruột già.

2. Chức năng của ruột thừa

Ruột thừa là bộ phận ít được quan tâm trước đây. Do đó, trong thời gian dài chức năng của nó không được hiểu rõ. Trong nhiều năm, các nhà khoa học cho rằng ruột thừa có rất ít chức năng.

Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, nó có vai trò nhất định, thậm chí quan trọng trong hệ tiêu hóa.

Theo Giáo sư Loren G. Martin – Giáo sư Sinh lý học Trường Đại học Bang Oklahoma, Hoa Kỳ “ruột thừa có vai trò quan trọng đối với bào thai và trẻ em. Các tế bào nội tiết của ruột thừa bắt đầu xuất hiện vào khoảng tuần thứ 11 của thai kỳ. Nó sản xuất ra các amine có hoạt tính sinh học và các hormone gốc peptid. Những hoạt chất này được cho rằng có vai trò quan trọng trong các cơ chế kiểm soát sinh học.

Ở người trưởng thành, chức năng chính của ruột thừa là miễn dịch.

Mô bạch huyết bắt đầu tích lũy trong ruột thừa một thời gian ngắn sau khi sanh. Các mô này phát triển mạnh dần và đạt tới ngưỡng cực đại vào khoảng năm 20-30 tuổi. Sau đó giảm dần và thực tế hầu như không còn tồn tại khi bước qua tuổi 60. Nó hoạt động như một cơ quan bạch huyết. Và hỗ trợ quá trình trưởng thành của tế bào lympho B và quá trình sản xuất globulin miễn dịch (IgA).

Các nhà nghiên cứu cũng chứng minh được rằng nó có vai trò trong việc sản xuất ra những phân tử hướng động các lympho bào tới những cơ quan khác nhau.

Trong bối cảnh này, ruột thừa tạo điều kiện cho các bạch cầu hoạt động. Nó tạo điều kiện cho bạch cầu tiếp xúc với các kháng nguyên, vật lạ hiện diện trong lòng ruột. Thế nên, có thể ruột thừa đã hạn chế bớt các phản ứng miễn dịch có khả năng gây hại tiềm ẩn trong khi thúc đẩy cơ chế miễn dịch tại chỗ. Nó giống như các cấu trúc nhỏ li ti gọi là các mảng Peyer.

Các mảng này nằm rải rác trong đường tiêu hóa. Chúng bắt giữ các kháng nguyên từ lòng ruột và tạo phản ứng. Cơ chế miễn dịch tại chỗ này có vai trò quyết định trong đáp ứng miễn dịch sinh lý của cơ thể. Và cũng như trong việc kiểm soát các kháng nguyên là thực phẩm, thuốc và virus.”

Nguồn dự trữ các lợi khuẩn cần thiết cho hệ tiêu hóa.

Hệ thống ống tiêu hóa có lớp màng vi khuẩn cộng sinh. Các loại vi khuẩn này nắm vai trò thiết yếu trong việc tổng hợp vitamin, lên men thức ăn. Lượng vi khuẩn sẽ giảm dần từ ruột thừa trở đi. Có thể thấy, đây là nguồn dự trữ các lợi khuẩn cần thiết cho hệ tiêu hóa. Bằng cách đó, trong trường hợp tiêu chảy, hệ tiêu hóa bị thất thoát một lượng lớn lợi khuẩn. Ruột thừa sẽ ngay lập tức “chi viện” các lợi khuẩn. Điều là cực kỳ quan trọng để giúp lập lại trật tự ổn định đường ruột.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng việc vai trò này không còn quan trọng như trước nữa. Theo họ, tại thời điểm này, khi vấn đề vệ sinh được chú trọng thì việc dự trữ các vi khuẩn có lợi là không cần thiết. Họ cũng đưa ra luận điểm rằng việc loại bỏ ruột thừa không có các bằng chứng tác động tiêu cực rõ rệt.

ruột thừa 1
Ruôt thừa đóng những vai trò quan trọng bất ngờ đối với cơ thể.

3. Các bệnh lý thường gặp

Mặc dù đóng vai trò quan trọng nhưng ruột thừa lại rất dễ bị viêm nhiễm. Các bệnh lý thường gặp là:

Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn phát triển quá mức kiểm soát khiến nó chứa đầy mủ và có nguy cơ vỡ ra. Ngoài ra, nó cũng có thể bị tắc do sỏi, giun, hạt chanh, hạt ớt, dị vật chèn vô do các mô bạch huyết phì đại hoặc do một số lý do khác. 

>> Đọc thêm:

Nhận biết sớm dấu hiệu viêm ruột thừa

Bạn làm gì khi bị viêm ruột thừa cấp lúc đang mang thai?

ruột thừa bị viêm
Viêm ruột thừa là bệnh lý ruột thừa thường gặp nhất.

U nhầy ruột thừa

U nhầy ruột thừa là tình trạng tích tụ chất nhầy bên trong lòng ruột. Hầu hết do có sự tắc nghẽn ở gốc. Có thể là khối u lành tính hoặc ác tính. Nó được chia thành 4 loại chính là u nhầy đơn thuần, tăng sản nhầy, u nang tuyến nhầy, ung thư nang tuyến nhầy.

Đa phần các trường hợp mắc u nhầy thường không có triệu chứng đặc trưng. Chỉ 50% mới xuất hiện các biểu hiện như:

  • Đau bụng phải và khối vùng bụng.
  • Buồn nôn, nôn, sụt cân.
  • Thay đổi thói quen đi cầu.
  • Thiếu máu, đi cầu ra máu hoặc tiểu ra máu.

Khi bệnh nhân được chẩn đoán là u nhầy ruột thừa thì việc điều trị lúc này rất cần thiết. Vì nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Phương pháp thường được đề nghị là cắt trọn khối nhầy.

Khối u nhầy ruột thừa đã được phẫu thuật cắt bỏ
Khối u nhầy ruột thừa đã được phẫu thuật cắt bỏ.

4. Khi nào thì cần phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa?

Trong các trường hợp sau, phẫu thuật là bắt buộc:

  • Viêm ruột thừa.
  • Viêm phúc mạc ruột thừa.

Ngoài ra, trong một số bệnh lý sau, có thể có chỉ định cắt ruột thừa như:

  • Đám quánh ruột thừa: sau điều trị trị nội khoa ổn định 8-12 tuần. Thời điểm này có thể tiến hành phẫu thuật.
  • Áp xe ruột thừa: Đối với áp xe kích thước nhỏ, có thể tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Đối với áp xe kích thước lớn, cần dẫn lưu mủ và điều trị kháng sinh trước. Sau đó 3 tháng, có thể tiến hành phẫu thuật cắt.
  • U nhầy ruột thừa: chỉ định tùy vào bản chất và kích thước khối u.
  • Cắt ruột thừa dự phòng: hiện nay chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về việc này.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ ruột xoay bất toàn. Phẫu thuật dự phòng thường được chỉ định khi phẫu thuật điều trị ruột xoay bất toàn ở trẻ em. Vì ở các trẻ này, ruột thừa ở vị trí bất thường (bên trái bụng dưới). Điều này dễ gây nhầm lẫn cho các bác sĩ trong việc thăm khám trên lâm sàng khi trẻ có viêm ruột thừa cấp.

phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa
Phẫu thuật cắt ruột thừa là một phương pháp xâm lấn. Vì vậy, cần có những chỉ định cụ thể của bác sĩ chuyên khoa mới có thể tiến hành.

Ruột thừa, nghe tưởng như dư thừa nhưng lại không hề như cái tên gọi. Hy vọng qua bài viết này, YouMed đã giúp bạn hiểu được những chức năng quan trọng của ruột thừa và khi nào cần phẫu thuật cắt ruột thừa. Hãy cùng YouMed tìm hiểu các bài viết khác về ruột thừa, bạn nhé!