Sự thay đổi về nhiệt độ cơ thể ở người trưởng thành: sinh lý bệnh và cách xử trí!

Nhiệt độ cơ thể bình thường có thể thay đổi nhẹ trong ngày. Được kiểm soát bởi trung tâm điều hòa nhiệt nằm ở vùng dưới đồi trước. Cơ thể duy trì mức nhiệt độ ổn định là nhờ vào sự cân bằng quá trình sinh – tản nhiệt. Nhiệt sản sinh từ hoạt động trao đổi chất ở cơ, gan và tản nhiệt ở da, phổi. Sự cân bằng thân nhiệt là điều kiện quan trọng cho hoạt động bình thường của các enzyme chuyển hóa. Vì thế, theo dõi nhiệt độ cơ thể là điều chúng ta cần quan tâm.

Nhiệt độ cơ thể bình thường

Phạm vi bình thường cho nhiệt độ cơ thể là từ 36,5 °C – 37,5 °C.

Nhiệt độ cơ thể thường được đo ở vị trí nào?

Nhiệt độ cơ thể được đo ở 3 vị trí như sau:

  • Ở miệng: Nhiệt độ bình thường dao động khoảng 36,4 °C – 37,2 °C. (Nhiệt độ cơ thể bình thường đo ở miệng đạt mức cao nhất khoảng 37,7 °C vào lúc 16 giờ).
  • Trực tràng: Trong điều kiện bình thường cao hơn 0,2 – 0,6 °C so với đo nhiệt độ ở miệng.
  • Ở nách: Thấp hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể khoảng 0,5 – 1°C. Tuy dao động nhiều, nhưng lại là thuận tiện để theo dõi thân nhiệt bệnh nhân.

Bình thường từ sáng sớm đến chiều tối, nhiệt độ cơ thể tăng 0,5 °C.

Tìm hiểu về nhiệt độ cơ thể bình thường
Tìm hiểu về nhiệt độ cơ thể bình thường

Một số yếu tố ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể

Nhiệt độ cơ thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố điển hình bao gồm:

  • Tuổi tác: Người già vận động kém. Người có nhu cầu chuyển hoá và hấp thu thấp nên thân nhiệt thường thấp so với người trẻ.
  • Khi hoạt động, sau khi ăn: Nhiệt độ cơ thể tăng.
  • Nội tiết: Trong thời kỳ rụng trứng và suốt quá trình mang thai, thân nhiệt trung bình của phụ nữ thường tăng nhẹ.
  • Stress: Khi bị căng thẳng có thể làm tăng hoặc hạ nhiệt độ.
  • Nhiệt độ môi trường tác động đến thân nhiệt nhưng thay đổi không nhiều khoảng 0,5°C.
  • Một số thuốc ảnh hưởng khả năng bài tiết mồ hôi, gây giãn mạch.
  • Thời gian đo thân nhiệt: Nhiệt độ cơ thể thay đổi từ 0,5°C đến 1°C trong ngày. Nhiệt độ cơ thể thấp nhất vào lúc 6 giờ sáng và cao nhất vào 4 – 6 giờ chiều.
  • Vị trí đo nhiệt độ cơ thể: Kết quả có thể khác nhau tùy theo vị trí đo thân nhiệt.

Thay đổi bất thường nhiệt độ cơ thể

Thay đổi bất thường (rối loạn) nhiệt độ cơ thể là do mất cân bằng hai quá trình sinh và tản nhiệt. Sự mất cân bằng này có thể gây ra hai trạng thái: Thân nhiệt giảm và thân nhiệt tăng.

Nhiệt độ cơ thể thấp (hạ thân nhiệt)

Hạ thân nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể giảm thấp hơn so với bình thường (< 36,2 °C). Nếu chỉ có triệu chứng nhiệt độ cơ thể hạ thấp, điều này không quá lo ngại. Nhưng nếu hạ thân nhiệt kèm với ớn lạnh, run rẩy, khó thở hoặc nhầm lẫn, rối loạn nhận thức… thì có thể đây là dấu hiệu nghiêm trọng.

Nhiệt độ cơ thể thấp thường xảy ra do:

  • Thời tiết lạnh.
  • Sử dụng các chất gây nghiện: Rượu hoặc ma túy, bị sốc.
  • Một số rối loạn như bệnh tiểu đường hoặc tuyến giáp.
  • Một số trường hợp ví dụ như nhiễm trùng huyết, bệnh nhân có thể bị sốc, nhiệt độ hạ thấp.
Nhiệt độ cơ thể hạ thấp do nguyên nhân nào gây nên?
Nhiệt độ cơ thể hạ thấp do nguyên nhân nào gây nên?

Sốt làm thay đổi nhiệt độ cơ thể

Sốt là gì?

Khi sốt, “điểm điều nhiệt” ở vùng dưới đồi dịch chuyển từ bình thường thành mức sốt. Ở người trưởng thành, sốt khi nhiệt độ miệng > 38 °C, nhiệt độ trực tràng hoặc tai > 38,3°C. Khi sốt, sự co mạch diễn ra tạo cảm giác lạnh dễ nhận thấy ở bàn tay và bàn chân. Máu tập trung tại các cơ quan nội tạng, giảm sự mất nhiệt qua da, bệnh nhân cảm thấy lạnh.

Điểm điều nhiệt tăng lên bằng điểm nhiệt độ sốt để điều hòa quá trình sinh và tản nhiệt mức cao hơn bình thường. Theo đó, sốt làm tăng nhu cầu oxy, cứ tăng 1 độ trên 37 °C thì lượng oxy tiêu thụ tăng 13%.

Khi bị sốt, cơ thể bắt đầu run để tăng sinh nhiệt từ các cơ. Rùng mình là tình trạng xảy ra khi có sự gia tăng nhanh chóng khớp với điểm nhiệt cơn sốt mới.

Khi có hiện tượng đổ mồ hôi và giãn mạch, quá trình tản nhiệt diễn ra tăng tốc. Có thể do giảm nồng độ chất gây sốt hoặc dùng thuốc hạ sốt. Tiếp tục cho đến khi nhiệt độ trở về mức thấp hơn, điểm điều nhiệt được thiết lập xuống dưới.

Các chất gây sốt

  • Ngoại sinh: Vi sinh, vi khuẩn hoặc sản phẩm của chúng, virus, vi nấm…
  • Nội sinh: Các cytokine gây sốt (IL-1, IL-6, TNF). Cytokine là các protein nhỏ (10 – 20.000 Dalton) điều chỉnh các quá trình miễn dịch, viêm và tạo máu).

Sốt có thể xảy ra như một phản ứng với một số nguyên nhân sau:

  • Sự nhiễm trùng: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của sốt. Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể hoặc một bộ phận cơ thể.
  • Thuốc: Điển hình là kháng sinh, opioids, thuốc kháng histamine. Ngoài ra còn có nhiều loại khác làm tăng nhiệt độ cơ thể trực tiếp.
  • Chấn thương nặng: Có thể là những tình trạng đau tim, đột quỵ hoặc bỏng.
  • Các bệnh lý khác bao gồm: Viêm, viêm khớp, cường giáp. Bên cạnh đó, còn có một số loại ung thư nổi bật như bệnh bạch cầu và ung thư phổi.

Phân loại sốt

  • Sốt nhẹ: Khi nhiệt độ cơ thể từ 37 – 38°C.
  • Sốt vừa: Khi nhiệt độ cơ thể từ 38 – 39°C.
  • Sốt cao: Khi nhiệt độ cơ thể từ 39 – 40°C.
  • Sốt quá cao: Khi nhiệt độ cơ thể trên 40°C.
  • Sốt cao kéo dài.

Tăng thân nhiệt

Khác với sốt, thiết lập của trung tâm điều nhiệt khi tăng thân nhiệt vẫn ở mức bình thường. Tuy nhiên, nhiệt độ cơ thể tăng không kiểm soát. Tăng thân nhiệt có thể gây tử vong nhanh chóng và cách điều trị khác với sốt.

Một số nguyên nhân gây tăng thân nhiệt

  • Mất nước: Đây là nguyên nhân chính gây ra chứng tăng thân nhiệt.
  • Hội chứng đột quỵ do nhiệt.
  • Một số bệnh chuyển hoá: cường giáp.
  • Một số thuốc gây cản trở quá trình điều nhiệt: Atropine, “thuốc lắc” (3,4-methylenedioxymethamphetamine) tạo ra hiện tượng tăng thân nhiệt. Nguyên nhân do mất khả năng tản nhiệt (co mạch).

Phân loại đột quỵ

  • Đột quỵ nhiệt cổ điển: Gây ảnh hưởng đến bệnh nhân có các bệnh mãn tính tiềm ẩn (tim mạch, rối loạn thần kinh, tâm thần, béo phì, tuổi tác quá cao, chất kích thích…). Có thể xảy ra ngay lúc không làm gì nhiều. Hoặc cũng có thể khi trời nóng và cơ thể không thể tự làm mát, thậm chí ngừng đổ mồ hôi.
  • Đột quỵ do nhiệt quá mức: Thường xảy ra ở người trẻ tuổi, sức khoẻ yếu. Trong môi trường nhiệt độ và độ ẩm cao; khi đang làm việc hoặc tập thể dục gắng sức, cơ thể có thể đổ nhiều mồ hôi, mất nước gây suy nhược. Điều này khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên mức cao.

Triệu chứng tăng thân nhiệt

  • Nhịp tim nhanh xoang, thở nhanh, hạ huyết áp.
  • Mệt mỏi, hôn mê, buồn nôn, chóng mặt.
  • Nhầm lẫn, nói lắp, khó chịu, kích động.
  • Mê sảng, bất tỉnh, co giật, hôn mê.
  • Suy hô hấp cấp.
  • Da đỏ, nóng và khô, ngay cả dưới nách.

Bệnh nhân đột quỵ nhiệt có thể tử vong nếu không được điều trị y tế làm mát khẩn cấp. Nó gây mất nước nghiêm trọng. Đồng thời có thể khiến các cơ quan trong cơ thể ngừng hoạt động.

Rất khó để phân biệt tăng thân nhiệt và sốt. Một số đặc điểm có thể nhận biết như: Da nóng nhưng khô, bệnh nhân có sử dụng thuốc co mạch. Để chẩn đoán tăng thân nhiệt thường dựa vào sự tiếp xúc nhiệt trước đó.

Dụng cụ đo nhiệt độ cơ thể

Để biết được nhiệt độ cơ thể bình thường hay bất thường cần phải đo thân nhiệt. Đây là cách giúp phát hiện các trường hợp bất thường để xử trí kịp thời. Dùng nhiệt kế là phương pháp đơn giản, tiện lợi nhất.

Những loại nhiệt kế phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Nhiệt kế thủy ngân: Tiện dụng, giá rẻ, thời gian đặt trung bình 5 phút để đo chính xác. Tuy nhiên, nhược điểm là khá dễ vỡ gây nguy hiểm do chứa thủy ngân (Hg), nguy cơ lây nhiễm.
  • Nhiệt kế điện tử (tai): Đây là loại cho kết quả nhanh trong vài giây, không gây khó chịu cho người bệnh.
  • Nhiệt kế bằng hóa chất: Chỉ dùng một lần, thường dùng cho người bệnh cần cách ly. Thời gian trung bình 3 phút, khó đọc kết quả do phải quan sát màu sắc thay đổi.
  • Nhiệt kế hậu môn: Cho ra kết quả phản ánh nhiệt độ cơ thể chính xác nhất, thời gian chỉ khoảng 2 phút. Nhưng nhược điểm là khó sử dụng, không dùng cho người mắc bệnh đường tiêu hoá.
  • Nhiệt kế miệng: Phản ảnh nhiệt độ chính xác sau 3 phút, tiện dùng hơn nhiệt kế hậu môn.

 

 

Những loại nhiệt kế phổ biến hiện nay
Những loại nhiệt kế phổ biến hiện nay

Trong quá trình theo dõi nhiệt độ cơ thể nếu phát hiện nhiệt độ cơ thể có những thay đổi bất thường, kèm theo các triệu chứng tiêu cực thì cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Điều trị các trường hợp thay đổi thân nhiệt

Trị sốt

Một số bệnh sốt có các biểu hiện đặc trưng, như sốt rét và giảm bạch cầu theo chu kỳ. Tuỳ theo loại sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp khác nhau.

Những tác động có lợi khi nhiệt độ cao: Hỗ trợ tăng phản ứng miễn dịch, khả năng diệt khuẩn. Khi sốt nhẹ, không có các biểu hiện nặng, chưa cần thiết dùng thuốc hạ sốt để điều trị.

Hạ sốt bằng thuốc hạ sốt: Đây là cách làm giảm các triệu chứng toàn thân như nhức đầu, đau cơ, đau khớp. Hiện nay acetaminophen (paracetamol) là thuốc hạ sốt thường được sử dụng nhiều nhất do không có các tác dụng không mong muốn trên tiểu cầu và đường tiêu hoá. Trong một số trường hợp kết hợp NSAID (aspirin, ibuprofen) và acetaminophen có thể có hiệu quả hơn khi dùng đơn lẻ.

Trường hợp bệnh nhân không thể dùng đường uống, có thể dùng đường tiêm hoặc thuốc đặt trực tràng theo chỉ định của bác sĩ.

Bị sốt khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Những trường hợp bị sốt thuộc những đối tượng sau đây cần nhanh chóng đến tìm gặp bác sĩ bao gồm:

  • Có thai.
  • Vừa ra khỏi bệnh viện, phẫu thuật, tiểu phẫu, hoặc các thủ thuật y tế khác.
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng.
  • Đang hoá – xạ trị.
  • Đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch (chống thải ghép sau khi cấy ghép nội tạng).
  • Di chuyển giữa địa điểm khác nhau như người thường xuyên công tác.
  • Đang mắc một số bệnh: tiểu đường, bệnh tim, ung thư, lupus, hồng cầu hình liềm…
  • Bị côn trùng, bọ, chó cắn …
  • Cơn sốt kéo dài vài ngày và tiếp tục tái phát.
Bị sốt khi nào nên đến bệnh viện điều trị
Bị sốt khi nào nên đến bệnh viện điều trị

Điều trị tăng thân nhiệt

Cần lưu ý rằng, đối với trường hợp tăng thân nhiệt thì thuốc hạ sốt không có tác dụng làm giảm thân nhiệt trong trường hợp này.

Để nhanh chóng làm giảm nhiệt độ cơ thể, bạn có thể áp dụng phương pháp vật lý như:

  • Nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi vùng nhiệt độ cao đến nơi mát, thoáng khí.
  • Giảm nhiệt độ cơ thể nhanh chóng bằng cách làm mát, ẩm bằng nước (20 °C), không quá lạnh.
  • Tránh ngâm quá lâu vì có thể xảy ra hiện tượng mất nhiệt cơ thể do bay hơi.
  •  Không phủ chăn mát quá chặt vì sự co mạch quá mức có thể ngăn cản sự thoát nhiệt.
  • Kết hợp truyền dịch qua đường tĩnh mạch để chống mất nước.

Sự thay đổi nhiệt độ cơ thể bất thường là các dấu hiệu khởi phát của các bệnh lý. Hãy thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể của bạn và người thân, đặc biệt người già, trẻ em, người có sức khoẻ yếu để phòng ngừa các diễn tiến nặng của bệnh. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn nên nhanh chóng gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất kịp thời điều trị.