Tầng sinh môn là gì? Các tổn thương tầng sinh môn thường gặp

Một cấu trúc giải phẫu của con người là tầng sinh môn, có ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, một thời gian dài, thường chỉ có phái nữ được quan tâm nhiều hơn cả về tầng sinh môn mà nam giới hầu như không được để tâm. Thậm chí có nhầm lẫn cho rằng tầng sinh môn chỉ là cấu trúc giải phẫu riêng biệt ở phái nữ. Vậy tầng sinh môn là gì? Cấu tạo và có vai trò gì trong cuộc sống con người? Xin mời các bạn tìm hiểu qua bài viết dưới đây của bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu.

Thông tin chung về tầng sinh môn

Vị trí và phân chia cấu trúc giải phẫu

Tầng sinh môn thường được định nghĩa là vùng bề mặt ở cả nam và nữ giữa xương mu và xương cụt. Tầng sinh môn nằm dưới phần sâu nhất của đáy chậu, nằm giữa hai chân. Đó là một khu vực hình kim cương bao gồm các cấu trúc nằm giữa xương mu và xương cụt,bao gồm phần đáy chậu và các cấu trúc xung quanh.

Đối với nữ còn bao gồm cả âm đạo. Đối với nam, nó bao gồm phần bìu và có thể bao gồm cả dương vật tùy cách phân loại khác nhau của từng ngành và thời kì khác nhau.  Các định nghĩa của nó có khác nhau: nó chỉ có thể đề cập đến các cấu trúc bề ngoài trong khu vực này hoặc nó có thể được sử dụng để bao gồm cả các cấu trúc bề ngoài và sâu. Đáy chậu tương ứng với đầu ra của khung chậu.

  • Có thể dùng mặt phẳng ngang dọc để phân chia không gian tầng sinh môn thành hai khối hình tam giác. Bao gồm tam giác niệu dục ở phía trước, chứa bìu và dương vật ở nam hoặc âm đạo ở nữ. Phần tam giác phía sau chứa hậu môn.
Cấu tạo tầng sinh môn ở nam giới
Cấu tạo tầng sinh môn ở nam giới

Tam giác niệu dục

Từ nông đến sâu:

  • Mạc đáy chậu nông: nằm ở mặt nông của các tạng cương, bờ sau dính liền với mạc hoành niệu dục dưới.
  • Mạc hoành niệu dục dưới: nằm ở mặt nông của hoành niệu dục. Hai mặt trên bờ sau dính với nhau mở ra phía trước giới hạn một khoảng gọi là khoang đáy chậu nông. Phần này chứa phần sau của tạng cương, cơ hành xốp, cơ ngồi hang, cơ ngang đáy chậu nông, mạch máu, thần kinh bìu.
  • Khoang đáy chậu sâu: cấu tạo chủ yếu bởi hoành niệu dục mà mặt trên và dưới được che phủ bởi mạc hoành niệu dục trên và dưới gồm có hai cơ:
  • Cơ thắt niệu đạo: nguyên uỷ ở mặt trong ngành dưới xương mu, bám tận ở đường giữa.
  • Cơ ngang đáy chậu sâu: nguyên uỷ từ ngành xương ngồi, bám tận trung tâm gân đáy chậu, trong cơ này có tuyến hành niệu đạo.

Ở nữ giới

Tương tự như nam giới, tuy nhiên có âm đạo đi qua, tách cơ hành xốp và cơ này trở thành cơ khít âm đạo. Đồng thời làm yếu đi khá nhiều cơ ngang sâu đáy chậu. Hành xốp trở thành tiền đình nằm ở phía dưới của thành âm đạo là một tạng cương và tuyến hành niệu đạo trở thành tuyến tiền đình lớn. Đây cũng có thẻ là cấu trúc phù hợp với chức năng sinh sản ở nữ giới.

Trung tâm gân đáy chậu

  • Nằm ở trung điểm đường nối hậu môn âm đạo. Hầu hết các cơ đều bám ở đây được xem là chìa khoá để mở toang đáy chậu, đặc biệt quan trọng ở nữ giới có nhiệm vụ nâng đỡ gián tiếp tử cung. Phần này hay bị tổn thương khi sinh.
  • Để biết điểm đó ở đâu, bạn sờ tay vào phần bên dưới. Có một vệt sẹo chạy dài từ hậu môn đến phần dưới cơ quan sinh dục. Trên đường ấy có một nút sẹo lớn, tròn, đường kính khoảng 0.5 cm. Đây là điểm nút đáy chậu hay nói cách khác là trung tâm của đáy chậu.

Tam giác hậu môn

Có một cơ là cơ thắt ngoài hậu môn gồm có ba phần:

  • Phần sâu bọc xung quanh phần trên ống hậu môn.
  • Phần giữa đi từ xương cụt, bọc hai bên ống hậu môn để bám tận vào trung tâm gân đáy chậu.
  • Phần dưới đi vòng quanh lỗ hậu môn.

Hố ngồi trực tràng: Trên một thiết đồ đứng dọc có hình tam giác. Ðáy là da, thành trong là cơ nâng hậu môn, thành ngoài là cơ bịt trong và mạc cơ bịt trong, phía sau thông với hố bên kia ở sau hậu môn, phía trước có một ngách chen giữa hoành niệu dục và cơ nâng hậu môn. Trong hố có chứa mạch máu, thần kinh trực tràng dưới, mỡ nên rất bị nhiễm trùng.

Hoành chậu hông

Là lớp sâu nhất có hai cơ là cơ nâng hậu môn và  cơ cụt.

Cơ nâng hậu môn

Tạo nên một sàn cơ ở đáy chậu, qua đó có các lỗ để cho niệu đạo, hậu môn, âm đạo ở nữ giới đi qua. Người ta chia cơ này thành 3 phần là phần mu trực tràng, phần mu cụt, phần chậu cụt.

Cơ cụt

Có thể là cơ hoặc một tấm gân căng từ xương ngồi đến xương cụt và xương cùng.

Giải phẫu học tầng sinh môn ở nữ
Giải phẫu học tầng sinh môn ở nữ

Tổn thương hệ niệu dục

Tương ứng với tầng sinh môn, phần tam giác niệu dục ở phía trước có những tổn thương đặc trưng.

Chấn thương niệu đạo

1. Thông tin chung

  • Đây là một cấp cứu ngoại khoa trong thời bình cũng như thời chiến, gặp chủ yếu ở nam giới, phụ nữ rất hiếm gặp.
  • Chấn thương niệu đạo sau thường là biến chứng do vỡ xương chậu và được coi như là một đa chấn thương.
  • Có tỉ lệ tổn thương phối hợp cao: từ 30 – 50%.
  • Có tỉ lệ sốc chiếm từ 50-70% các trường hợp do đau, mất máu và tổn thương phối hợp dẫn đến.
  • Tuổi thường gặp từ 20-50 (đó là lứa tuổi chủ yếu tham gia giao thông và các hoạt động lao động).
  • Việc điều trị không đúng qui cách và kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nặng và phức tạp cả về tiết niệu lẫn sinh dục. Di chứng thường gặp là hẹp niệu đạo và vô sinh II.
  • Nguyên nhân thường gặp: tai nạn giao thông chiếm vị trí số 1, sau tai nạn giao thông là tai nạn lao động và các tai nạn sinh hoạt khác. Gần đây còn gặp trong các tai nạn điều trị nội soi tiết niệu.

2. Cơ chế chấn thương

Cơ chế chấn thương niệu đạo trước

  • Lực chấn thương tác động trực tiếp vào niệu đạo và gây thương tổn.
  • Niệu đạo dương vật di động ít bị tổn thương, thường chỉ xảy ra khi bị kẹp giữa hai vật cứng hoặc bị bẻ đột ngột khi đang cương.
  • Niệu đạo bìu và niệu đạo tầng sinh môn thường bị chấn thương khi bệnh nhân ngã ngồi xoạc chân trên vật cứng. Khi đó niệu đạo bị kẹp giữa hai vật cứng ở dưới và xương mu ở trên.

Cơ chế chấn thương niệu đạo sau

  • Niệu đạo sau bị tổn thương chủ yếu do cơ chế chấn thương gián tiếp và là biến chứng của vỡ xương chậu đưa lại (niệu đạo sau chui qua cân đáy chậu giữa bị dằng giật khi xương chậu bị tổn thương, di lệch khung chậu càng lớn tổn thương càng nặng).
  • Một số trường hợp khác chấn thương niệu đạo sau xảy ra do tai biến nong niệu đạo và nội soi tiết niệu (cơ chế trực tiếp).

3. Vết thương niệu đạo

Do vật sắc nhọn

  • Vũ khí lạnh: lưỡi lê.
  • Các vật dụng trong sinh hoạt như dao, cọc tre, đầu bút chì, đầu sắt nhọn trong các phương tiện giao thông.
  • Tổn thương thường đơn giản, lỗ vào thường ở ngay vùng tầng sinh môn, hiếm khi từ nơi xa tới như từ trực tràng xuyên đến, gặp trong thời bình, thường do tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động, hoặc ghen tuông cắt dương vật trong đó có niệu đạo.

Do hoả khí (vũ khí nổ hay vũ khí nóng)

  • Đạn thẳng (hay gặp) thường có sức công phá lớn do vận tốc cao, lỗ ra thường lớn hơn lỗ vào.
  • Mảnh pháo, bom mìn, lựu đạn: thường nhiều vết thương.
  • Tổn thương rất phức tạp, nhiều tổn thương phối hợp, còn tổn thương vùng xung quanh như: hoại tử nằm sát ống vết thương, vùng chấn động bị hoại tử thứ phát.

Do các tai nạn trong điều trị

  • Thủ thuật nong soi trong tiết niệu làm thô bạo.
  • Phẫu thuật trực tràng, âm đạo gây nên.

Chấn thương, vết thương dương vật

1. Chấn thương dương vật

Dương vật là tạng di động, được cấu tạo gồm hai vật hang và vật xốp, trong vật xốp có niệu đạo dương vật. Vật hang dính vào phía sau với ngành ngồi mu. Dương vật có hệ thống mạch máu rất phong phú nên khi tổn thương chảy nhiều máu.

Chấn thương dương vật gặp trong:

  • Tai nạn sinh hoạt: bẻ dương vật khi đang cương, dương vật bị kẹp giữa 2 vật cứng.
  • Tai nạn giao thông.
  • Tai nạn lao động.

2. Vết thương dương vật

Vết thương dương vật ít gặp:

Do vật sắc nhọn

  • Vũ khí lạnh: lưỡi lê, kiếm
  • Các vật dụng trong sinh hoạt như dao, khoá quần. Đánh ghen, cắt chặt dương vật.
  • Tổn thương thường đơn giản hơn loại do vũ khí nổ
  • Loại này hay gặp trong thời bình hơn, thường do mâu thuẫn dẫn tới thù ghen tuông, hay tai nạn trong lao động sản xuất và huấn luyện
  • Do động vật cắn như: lợn, chó.
  • Do các vòng đeo vào gốc dương vật:
  • Trẻ em lấy vòng kim loại đeo vào gốc dương vật rối quên, khi dương vật cương cứa rách dương vật. Hoặc ở người trưởng thành có các hành vi tình dục với đồ vật cũng gây tổn tương dương vật.

Do hoả khí (vũ khí nổ hay vũ khí nóng)

Đạn thẳng (hay gặp) thường có sức công phá lớn do vận tốc cao, lỗ ra thường lớn hơn lỗ vào.

Mảnh pháo, bom mìn, lựu đạn: thường nhiều vết thương, Ít gặp, nếu gặp thì tổn thương rất phức tạp vì: Có nhiều tổn thương phối  hợp. Ngoài tác dụng trên đường ống vết thương còn tổn thương vùng xung quanh đó là:

  • Vùng hoại tử nằm sát ống vết thương.
  • Vùng chấn động bị hoại tử thứ phát.

Ở nữ giới

Tương tự như nam giới, nhưng nữ giới còn có vấn đề đặc biệt. Chấn tương niệu dục và tầng sinh môn xảy ra trong quá trình sinh nở. Khi đầu em bé chui qua âm đạo ra ngoài, nếu âm đạo nhỏ và hẹp có thể gây rách tầng sinh môn. Thậm chí vết rách có thể thẳng xuống phía sau rách vào cả trực tràng, gây biến chứng tam chứng bi thảm (rách cả niệu,dục và trực tràng). Do đó để tránh biến chứng nặng nề đó, người nữ hộ sinh thường chủ động cắt tầng sinh môn theo vết rạch chéo để hỗ trợ sinh nở, sau đó kiểm tra và khâu lại.

Tổn thương tam giác hậu môn

Gồm nhiều bệnh lý phức tạp ở vùng hậu môn trực tràng mà ở phạm vi bài viết chúng tôi xin phép giới thiệu một số tổn thương thường gặp nhất.

Lỗ dò ở trực tràng vào âm đạo
Lỗ dò ở trực tràng vào âm đạo

Dị tật hậu môn trực tràng

  • Dị tật hậu môn trực tràng xảy ra với tỉ lệ 1 trên 4000 tới 5000 trẻ sinh sống.
  • Dị tật hậu môn trực tràng gặp ở trẻ nam và nữ tương đương nhau. Tuy nhiên dị tật thể thấp chiếm 90% ở trẻ nữ còn trẻ nam chỉ 50%.
  • Bệnh thường kèm theo các dị tật bẩm sinh khác, chiếm đến 40-70% các trường hợp, trong đó dị tật đường tiết niệu hay gặp nhất.
  • Bệnh nguyên chưa rõ ràng, tuy nhiên có một số đột biến đảo đoạn được phát hiện.

Vết thương hậu môn trực tràng

Vết thương hậu môn trực tràng là tình trạng vùng hậu môn, trực tràng hoặc cả hậu môn và trực tràng bị tổn thương như đâm thủng, rách, dập nát.

Ngoài ra, tổn thương cũng có thể liên quan đến các cơ quan lân cận như sinh dục, tiết niệu,… Tùy vào nguyên nhân gây tổn thương, vết thương sẽ có hình thái khác nhau.

Có nhiều nguyên nhân gây ra thương tổn ở vùng hậu môn trực tràng như:

  • Tai nạn: Thường gặp là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn trong chiến tranh, tai nạn trong sinh hoạt, vết thương hậu môn trực tràng do vật nhọn (đá, đạn, mảnh gỗ, kim loại,…) đâm trực tiếp vào.
  • Thao tác y tế: Soi trực tràng, soi đại tràng hoặc tai biến sản khoa gây thủng vùng hậu môn trực tràng.

Nứt hậu môn

Tổn thương này là vết rách nhỏ ở niêm mạc ống hậu môn. Nứt hậu môn có thể xảy ra khi người bệnh đi phân cứng hoặc lớn trong quá trình đi tiêu. Nứt hậu môn cũng xảy ra khi có ngoại vật tác động lực lên hậu môn. Một số trường hợp vài người sử dụng đồ chơi tình dục hoặc dị vật khác nhét vào hậu môn gây nên tổn thương hậu môn này.

Các bệnh khác

  • Trĩ khá phổ biến trong giới văn phòng hiện nay, liên quan đến thói quen làm việc và ăn uống.
  • Áp xe hậu môn và dò hậu môn như là biến chứng sau áp xe vùng hậu môn. Biến chứng nhiễm trùng thường tái đi tái lại và khó lành.

Hy vọng bài viết có thể tóm tắt các hiểu biết về tầng sinh môn, đặt biệt là ở hai khía cạnh giải phẫu học. Hai tam giác hậu môn và niệu sinh dục có các vấn đề tổn thương và bệnh lý khá đặc trưng, việc điều trị thường lâu dài và khó điều trị vì liên quan đến lỗ tự nhiên và nguy cơ nhiễm trùng sau đó khá cao.