Tìm hiểu về hệ tiết niệu của cơ thể

Hệ thống tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Nhiệm vụ của hệ thống tiết niệu là loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể, điều hòa lượng máu và huyết áp, kiểm soát lượng chất điện giải, các chất chuyển hóa và điều chỉnh pH máu. Đường tiết niệu là hệ thống thoát nước của cơ thể để loại bỏ nước tiểu cuối cùng. Hệ thống tiết niệu nam và nữ rất giống nhau, chỉ khác nhau về chiều dài của niệu đạo.

1. Cấu trúc hệ tiết niệu

Hệ thống tiết niệu đề cập đến các cấu trúc sản xuất và vận chuyển nước tiểu đến điểm bài tiết.

1.1. Thận

Nước tiểu được hình thành trong thận thông qua quá trình lọc máu. Nước tiểu sau đó được đưa qua niệu quản đến bàng quang, nơi nó nước tiểu được lưu trữ. Trong khi đi tiểu, nước tiểu được truyền từ bàng quang qua niệu đạo ra bên ngoài cơ thể. Khoảng 800 – 2.000 ml nước tiểu thường được sản xuất mỗi ngày ở một người khỏe mạnh. Lượng nước tiểu này thay đổi tùy theo lượng chất lỏng nhập vào và chức năng thận.

Trong hệ thống tiết niệu có hai quả thận nằm ở ổ bụng, sau phúc mạc, nằm ở hai bên trái và phải. Sự hình thành nước tiểu bắt đầu trong đơn vị chức năng của thận, gọi là nephron. Nước tiểu sau đó chảy qua các nephron, thông qua một hệ thống các ống hội tụ được gọi là ống thu thập. Từ đây, nước tiểu tiếp tục chảy từ bể thận vào niệu quản, vận chuyển nước tiểu vào bàng quang và lưu trữ ở đó.

Xem thêm: Tuyến thượng thận: Cấu tạo và chức năng.

1.2. Bàng quang

Bàng quang là một cơ quan rỗng, hình quả bóng nằm trong khung chậu. Nó được treo tại chỗ bởi dây chằng gắn liền với các cơ quan khác và xương chậu. Chúng lưu trữ nước tiểu cho đến khi não báo hiệu bàng quang rằng người đó đã sẵn sàng để làm trống nó. Một bàng quang bình thường, khỏe mạnh có thể chứa tới gần nửa lít nước tiểu thoải mái trong hai đến năm giờ. Để ngăn chặn rò rỉ nước tiểu, các cơ cơ vòng đóng chặt xung quanh lỗ mở của bàng quang vào niệu đạo.

Xem thêm: Lộ bàng quang và những điều cần biết.

1.3. Niệu đạo

  • Ở nam giới, niệu đạo bắt đầu ở lỗ niệu đạo bên trong bàng quang, tiếp tục thông qua lỗ niệu đạo bên ngoài, và sau đó trở thành niệu đạo tuyến tiền liệt, niệu đạo màng và niệu đạo xốp. Niệu đạo nữ ngắn hơn nhiều, bắt đầu từ cổ bàng quang và chấm dứt ở tiền đình âm đạo.
  • Ở nữ giới, niệu đạo dài khoảng 3,8 đến 5,1 cm và nằm giữa âm vật và âm đạo. Ở nam giới, nó dài khoảng 20 cm, chạy theo chiều dài của dương vật và mở ra ở cuối dương vật – lỗ sáo. Niệu đạo nam được sử dụng để loại bỏ nước tiểu cũng như tinh dịch trong quá trình xuất tinh.
hệ tiết niệu
Cấu trúc của hệ tiết niệu trong cơ thể người.

2. Chức năng

Các chức năng chính của hệ thống tiết niệu và các thành phần của nó là:

  • Điều chỉnh lượng máu và thành phần trong máu (ví dụ: natri, kali và canxi).
  • Điều hòa huyết áp.
  • Cân bằng nội môi pH của máu.
  • Thận góp phần tạo ra các tế bào hồng cầu.
  • Giúp tổng hợp calcitriol (dạng hoạt động của Vitamin D).
  • Lưu trữ chất thải của cơ thể (chủ yếu là urê và axit uric) và các sản phẩm khác và loại bỏ khỏi cơ thể.

2.1. Hình thành nước tiểu

Lượng nước tiểu trung bình ở người trưởng thành là khoảng 1 – 2 lít mỗi ngày, tùy thuộc vào tình trạng hydrat hóa, mức độ hoạt động, yếu tố môi trường, cân nặng và sức khỏe của từng người. Sản xuất quá nhiều hoặc quá ít nước tiểu đòi hỏi sự kiểm tra về các bệnh lý cơ thể. Đa niệu là tình trạng sản xuất nước tiểu quá mức (> 2,5 L/ngày). Thiểu niệu khi < 400 mL nước tiểu được tạo ra, và vô niệu khi <100 mL nước tiểu mỗi ngày.

Bước đầu tiên trong quá trình hình thành nước tiểu là quá trình lọc máu ở thận. Ở một người khỏe mạnh, thận nhận được từ 12 đến 30% cung lượng tim, trung bình khoảng 20% ​​hoặc 1,25 L/phút.

Đơn vị cấu trúc và chức năng cơ bản của thận là nephron. Chức năng chính của nó là điều chỉnh nồng độ của nước và các chất hòa tan như natri bằng cách lọc máu, tái hấp thu những chất cần thiết và bài tiết phần còn lại dưới dạng nước tiểu.

Trong phần đầu tiên của nephron, màng lọc Bowman lọc máu từ hệ thống tuần hoàn vào ống. Sự chênh lệch áp suất thủy tĩnh và thẩm thấu tạo điều kiện cho quá trình lọc qua màng xảy ra. Dịch lọc bao gồm nước, các phân tử nhỏ và các ion dễ dàng đi qua màng lọc. Tuy nhiên, các phân tử lớn hơn như protein và tế bào máu bị ngăn không cho đi qua màng lọc. Lượng dịch lọc được tạo ra mỗi phút được gọi là độ lọc cầu thận hoặc GFR và lên tới 180 lít mỗi ngày. Khoảng 99% dịch lọc này được tái hấp thu khi nó đi qua nephron và 1% còn lại trở thành nước tiểu.

hệ tiết niệu
Quá trình tạo nước tiểu.

Hệ thống tiết niệu được điều hòa bởi hệ thống nội tiết bởi các hormone như hormone chống bài niệu, aldosterone và hormone tuyến cận giáp.

2.2. Điều hòa thể tích máu

Hệ thống tiết niệu chịu ảnh hưởng của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ thống nội tiết.

Aldosterone đóng vai trò trung tâm trong việc điều hòa huyết áp thông qua tác dụng của nó đối với thận. Nó hoạt động trên các ống lượn xa và làm tăng sự tái hấp thu natri từ dịch lọc của cầu thận. Tái hấp thu natri dẫn đến giữ nước, làm tăng huyết áp và lượng máu. Hormon chống bài niệu (ADH), là một loại hormone sinh lý thần kinh được tìm thấy ở hầu hết các động vật có vú. Hai chức năng chính của nó là giữ nước trong cơ thể và co mạch. Vasopressin điều chỉnh sự giữ nước của cơ thể bằng cách tăng tái hấp thu nước trong các ống dẫn của ống thận.

2.3. Quá trình đi tiểu

Đi tiểu là việc đẩy nước tiểu từ bàng quang qua niệu đạo ra bên ngoài cơ thể. Ở người khỏe mạnh và nhiều động vật khác, quá trình đi tiểu nằm dưới sự kiểm soát tự nguyện. Ở trẻ sơ sinh, một số người cao tuổi và những người bị chấn thương thần kinh, đi tiểu có thể xảy ra như một phản xạ không tự nguyện.

Xem thêm: Sự thật về nước tiểu của bạn.

3. Các bệnh lý hệ tiết niệu

Bệnh tiết niệu có thể liên quan đến rối loạn chức năng bẩm sinh hoặc mắc phải của hệ thống tiết niệu. Ví dụ, tắc nghẽn đường tiết niệu là một bệnh tiết niệu có thể gây bí tiểu.

Các bệnh về mô thận thường được điều trị bởi các bác sĩ thận, trong khi các bệnh về đường tiết niệu được điều trị bởi các bác sĩ tiết niệu. Bác sĩ phụ khoa cũng có thể điều trị chứng tiểu không tự chủ của phụ nữ.

3.1. Sỏi thận

Những khối canxi oxalate có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu. Sỏi thận hình thành khi hóa chất trong nước tiểu cô đặc đủ để tạo thành một khối rắn. Chúng có thể gây đau ở lưng và hai bên hông. Sỏi thận có thể được điều trị bằng các biện pháp xâm lấn tối thiểu, chẳng hạn như tán sỏi qua ngã niệu đạo. Phương pháp này làm tan rã sỏi thận bằng các sóng cao tần.

Xem thêm bài viết: Bạn có đang hoang mang vì sỏi thận?

bệnh lý hệ tiết niệu
Hình minh họa bệnh lý sỏi thận.

3.2. Suy thận

Là một tình trạng tạm thời (thường là cấp tính) hoặc có thể trở thành một tình trạng mãn tính dẫn đến việc thận không thể lọc chất thải từ máu. Các bệnh lý chẳng hạn như bệnh tiểu đường và tăng huyết áp, có thể gây ra bệnh thận mãn tính. Trường hợp cấp tính có thể được gây ra bởi chấn thương hoặc tổn thương khác, và có thể cải thiện theo thời gian với điều trị. Các bệnh lý thận có thể dẫn đến suy thận mãn tính, có thể phải điều trị lọc máu hoặc thậm chí ghép thận

3.3. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. Chúng có thể ảnh hưởng đến niệu đạo, bàng quang hoặc thậm chí là thận. Hầu hết các nhiễm trùng niệu chỉ liên quan đến niệu đạo và bàng quang, ở đường tiểu dưới. Tuy nhiên, nhiễm trùng tiểu có thể liên quan đến niệu quản và thận, ở đường tiểu trên. Mặc dù nhiễm trùng đường tiểu trên hiếm gặp hơn đường dưới, nhưng chúng thường bị nặng hơn khi nhiễm.

Trong khi nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến hơn ở phụ nữ, chúng cũng có thể xảy ra ở nam giới. Hầu hết nhiễm trùng tiểu là do vi khuẩn, nhưng một số nguyên nhân là do nấm và trong những trường hợp hiếm gặp là do virus. Nhiễm trùng tiểu là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở người.

Nhiễm trùng tiểu có các triệu chứng nào?

Các triệu chứng của nhiễm trùng tiểu phụ thuộc vào phần nào của đường tiết niệu bị nhiễm bệnh.

  • Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu dưới bao gồm:
    • Nóng rát khi đi tiểu.
    • Tăng tần suất đi tiểu mà không có nhiều nước tiểu.
    • Tiểu gấp.
    • Nước tiểu có máu.
    • Nước tiểu đục.
    • Có máu trong nước tiểu.
    • Nước tiểu có mùi mạnh.
    • Đau vùng chậu ở phụ nữ.
    • Đau vùng trực tràng ở nam giới.
bệnh lý hệ tiết niệu
Hình minh họa nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Nhiễm trùng đường tiểu trên ảnh hưởng đến thận, niệu quản. Đây có thể có khả năng đe dọa tính mạng nếu vi khuẩn di chuyển từ thận bị nhiễm bệnh vào máu. Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu trên bao gồm:
    • Đau ở lưng và hai bên hông.
    • Ớn lạnh.
    • Sốt.
    • Buồn nôn và nôn.
    • Điều trị nhiễm trùng tiểu.

Điều trị nhiễm trùng tiểu tùy thuộc vào nguyên nhân. Bác sĩ sẽ có thể xác định sinh vật nào gây nhiễm trùng từ kết quả xét nghiệm nước tiểu, máu.

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân là vi khuẩn. Nhiễm trùng niệu do vi khuẩn được điều trị bằng kháng sinh.

3.4. Bệnh tiểu đường

Bệnh lý này cũng có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi tiểu do bệnh thần kinh ngoại biên, xảy ra ở một số người có lượng đường trong máu được kiểm soát kém.

Xem thêm: Top 8 thực phẩm dành cho người tiểu đường mà bạn cần biết.

3.5. Tiểu không tự chủ

Tình trạng này có thể là kết quả của sự suy yếu của cơ sàn chậu gây ra bởi các yếu tố như mang thai, sinh nở, lão hóa và thừa cân. Các bài tập sàn chậu có thể giúp ích cho tình trạng này bằng cách củng cố sàn chậu. Cũng có thể có những lý do tiềm ẩn cho chứng tiểu không tự chủ. Ở trẻ em, tình trạng này được gọi là đái dầm.

3.6. Bệnh ung thư

Một số bệnh ung thư cũng nhắm vào hệ thống tiết niệu, bao gồm ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư niệu quản và ung thư niệu đạo. Do vai trò và vị trí của các cơ quan này, điều trị thường phức tạp.

Bài viết trên hy vọng đã cung cấp một số kiến thức bổ ích giúp bạn hiểu về hệ tiết niệu của cơ thể con người. Cùng theo dõi các bài viết sức khỏe tiếp theo từ YouMed nhé!

Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh