Vì sao bạn bị đau đầu về chiều?
Nội dung bài viết
Những cơn đau đầu về chiều khiến nhiều người luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng cuộc sống. Vậy nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu về chiều là gì? Có những giải pháp nào để phòng ngừa các cơn đau này?
1. Đau đầu về chiều là gì?
Đau đầu về chiều về cơ bản cũng giống như một cơn đau đầu thông thường, có thể xảy ra ở một phần hoặc toàn bộ vùng đầu. Điểm khác biệt duy nhất chính là bệnh nhân sẽ cảm thấy đau đầu vào buổi chiều. Các cơn đau này thường không nghiêm trọng và sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Tuy nhiên có một số trường hợp hiếm gặp, cơn đau trở nên dữ dội hoặc kéo dài hơn. Đôi khi, các cơn đau đi kèm với một số triệu chứng khác. Khi có các triệu chứng dưới đây, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám:
- Đau đầu dữ dội, cảm giác khác với những cơn đau trước đây.
- Cơn đau xuất hiện thường xuyên hoặc trở nên trầm trọng hơn.
- Cứng cổ.
- Chóng mặt, bị mất thăng bằng, té ngã.
- Suy giảm thị lực, nhìn mờ, song thị.
- Co giật.
- Giọng khàn, khó nói, nói ngọng.
- Tê hoặc yếu ở tay hoặc chân.
- Nôn dữ dội mà không rõ lý do.
- Mất ý thức.
- Cơn đau đầu xảy ra sau chấn thương.
- Cơn đau xuất hiện kèm theo sốt, lú lẫn, co giật.
- Sử dụng thuốc giảm đau không mang lại tác dụng.
- Vị trí đau thay đổi.
2. Nguyên nhân gây đau đầu về chiều là gì?
Nhiều bệnh nhân thắc mắc đau đầu về chiều là do nguyên nhân gì? Thực tế, có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng hay đau đầu về chiều, bao gồm:
- Mất nước: Đau đầu về chiều có thể là do cơ thể bị thiếu nước. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể có thêm các triệu chứng khác như mệt mỏi, khô miệng, khát nước, nước tiểu sẫm màu, chóng mặt, cáu gắt,...
- Đau đầu do căng thẳng: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau đầu về chiều, thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Người bệnh thường cảm thấy đầu như bị căng ra và đau nhiều ở 2 bên do cơn đau bắt nguồn từ các cơ vùng cổ, vai lan lên vùng đầu.
- Đau đầu chùm: Đây là một nguyên nhân hiếm gặp và thường gây ra những cơn đau dữ dội quanh mắt, ở một bên đầu và theo từng đợt, kéo dài từ vài tuần đến vài tháng rồi thuyên giảm nhưng có thể tái phát đột ngột.
- Hạ áp lực nội sọ tự phát: Còn được gọi là đau đầu do áp suất thấp. Tình trạng này rất hiếm gặp và chỉ ảnh hưởng đến 1 trên 50.000 người. Phụ nữ có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao gấp đôi nam giới. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, ù tai, chóng mặt, thay đổi thính giác, nhìn mờ, tê mặt và ngứa ran cánh tay.
- Suy giảm tuần hoàn máu não: Suy giảm tuần hoàn máu não cũng khiến nhiều người hay đau đầu về chiều. Đó là do lưu lượng máu đến não giảm, gây đau đầu dữ dội kèm tình trạng yếu hoặc tê ở chi.
- Dấu hiệu của bệnh lý: Các cơn đau đầu về chiều cũng có thể dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng như đột quỵ, tụ máu trong sọ, u não hoặc phình động mạch.
3. Điều trị đau đầu về chiều như thế nào?
Người bệnh có thể giảm đau đầu về chiều bằng những cách sau:
- Sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol, aspirin, ibuprofen, naproxen hoặc một số loại thuốc giảm đau kết hợp paracetamol với caffeine. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để tránh các tác dụng không mong muốn.
- Sử dụng các thuốc kê đơn trong điều trị bệnh lý như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh để ngăn ngừa cơn đau đầu. Đối với những loại thuốc này, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và không nên tự ý ngưng thuốc.
- Chườm lạnh: Để giảm các cơn đau đầu về chiều, người bệnh có thể chườm 1 túi đá lạnh lên vùng đầu hoặc cổ trong khoảng 15 phút mỗi lần. Bệnh nhân nên lót khăn sạch để giảm độ lạnh khi nước đá tiếp xúc trực tiếp với da.
- Chườm nóng: Nếu bệnh nhân bị đau đầu do cơ bị căng cứng, có thể chườm nóng bằng túi chườm. Cần cẩn thận nhiệt độ nước nóng trong túi để tránh bỏng.
- Massage: Massage nhẹ vùng đầu cũng là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhằm giảm các cơn đau đầu về chiều.
- Châm cứu: Đây là một phương pháp châm cứu khá hữu hiệu đối với người bệnh thường đau đầu do căng thẳng. Tác dụng của phương pháp châm cứu sẽ kéo dài ít nhất trong 6 tháng.
4. Những biện pháp nào giúp phòng ngừa đau đầu về chiều?
Để phòng ngừa những cơn đau đầu về chiều, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp bao gồm:
- Tránh các yếu tố có thể khởi phát cơn đau đầu buổi chiều.
- Thay đổi tư thế làm việc. Tránh ngồi ở tư thế lưng cong khòm hoặc ngước nhìn quá lâu vì rất dễ gây đau nhức cổ, vai gáy.
- Thường xuyên nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ học hoặc làm việc. Thỉnh thoảng nên đứng dậy, thực hiện một vài động tác kéo giãn cơ bắp.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước mỗi ngày.
- Hạn chế rượu bia, các chất kích thích.
- Ngủ đủ giấc.
- Hạn chế dùng thức uống chứa caffeine vào buổi chiều tối.
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, tập luyện yoga, thiền.
Tóm lại, đau đầu về chiều có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu cơn đau kéo dài dai dẳng và ngày càng nghiêm trọng, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để thăm khám tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để được giảm ngay 15% phí khám khi đặt hẹn khám lần đầu trên toàn hệ thống Vinmec (áp dụng từ 17/10 - 31/12/2022). Quý khách cũng có thể quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn tư vấn từ xa qua video với các bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
-
Thạc sĩ,Bác sĩ Trần Quốc Khánh
Khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức -
Phó giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng
Khoa Thần Kinh - Bệnh viện Lão khoa Trung ương -
Giáo sư, Bác sĩ Hà Văn Quyết
Khoa Tiêu hóa & Gan Mật - Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt -
Giáo Sư, Bác sĩ Ngô Văn Toàn
Khoa Cơ Xương Khớp - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức -
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Long
Trung tâm tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Bạch Mai