Bạch chỉ: Vị thuốc thơm nồng chữa cảm mạo nhức đầu

Trong kho tàng dược liệu, có muôn vàn cây cỏ hoa lá, mỗi loài mang một vẻ đẹp, công dụng riêng biệt nhau. Một trong số đó, có loại cây hoa trắng, rễ củ vỏ ngoài màu vàng, bên trong màu trắng, mùi thơm nồng đặc trưng, tính thuốc ấm áp, hay tiêu viêm, chữa cảm mạo nhức đầu, tên của nó là Bạch chỉ. Tuy nhiên cần phân biệt để không nhầm lẫn với Bạch chỉ nam (loại cây này thuộc họ Đậu Fabaceae), còn Bạch chỉ chúng ta nói đến hôm nay là cây Bạch chỉ bắc (thuộc họ Hoa tán Apiaceae). Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về vị thuốc này nhé.

1. Mô tả đặc điểm cây Bạch chỉ

Bạch chỉ (tên khoa học Angelica dahurica), thuộc họ Hoa tán (Apiaceaea). Người ta thường gọi nó là Hương Bạch Chỉ (hay Phong hương, Hàng Bạch chỉ tức Bạch chỉ Hàng Châu). Có loại Bạch chỉ khác ít dùng hơn là Xuyên Bạch chỉ (tức Bạch chỉ Tứ Xuyên, tên khoa học là Angelica anomala, hình dáng gần giống loài trên nhưng thân cây ốm hơn, cao 2 – 3m, lá chét có cuống dài khoảng 3cm. Sở dĩ nó ít được dùng hơn vì trong củ của nó có hoạt chất angelicotoxin, một chất gây hưng phấn với liều thấp nhưng ở liều cao nó sẽ làm mạch đập chậm, tăng huyết áp, hơi thở kéo dài, nôn mửa, thậm chí là co giật và tê liệt toàn thân. Bài viết hôm nay chúng ta sẽ mô tả về cây Hương Bạch chỉ (Angelica dahurica).

Cây Bạch chỉ bắc
Cây Bạch chỉ bắc

1.1. Thân cây

Đây là loại cây thân thảo, sống lâu năm, chiều cao khoảng 1 – 1,5m. Thân trụ rỗng, không phân nhánh, đường kính tầm 2 – 3cm, mặt ngoài thân màu tím hồng hay màu xanh lục ánh sắc tía. Phần thân dưới nhẵn nhụi, phần trên có lông tơ ngắn. Rễ cây phình to thành củ, mọc thẳng, thỉnh thoảng có phân nhánh.

1.2. Lá

Lá to, cuống dài khoảng 4 – 20cm, phát triển thành bẹ rộng, ôm lấy thân. Phiến lá xẻ 2 – 3 lần, hình lông chim, màu xanh. Thùy hình trứng dài 2 – 6cm, rộng 1 – 3cm. Hai bên mép lá hình răng cưa, đường gân phía mặt trên được bao phủ một lớp lông tơ mềm, còn 2 lá thì không có lông.

1.3. Hoa và quả

Hoa Bạch chỉ màu trắng, mọc thành cụm ở đầu cành hoặc kẽ lá, cuống chung dài 4 – 8cm, cuống tán dài 1cm. Hoa mẫu 5, cánh hoa có khía, hình trứng ngược. Bầu nhụy có thể nhẵn hoặc chứa lông tơ.

Quả bế đôi dẹt, chiều dài khoảng 6mm, hình bầu dục hoặc hơi tròn.

Mùa hoa vào khoảng tháng 5 – 7, ra quả vào tầm tháng 8 – 9. Cả rễ, thân, lá đều có tinh dầu, mùi thơm đặc trưng.

Hoa bạch chỉ màu trắng
Hoa bạch chỉ màu trắng mọc thành cụm

2. Phân bố

Cây ưa mọc bìa rừng, nơi có độ cao 500 – 1000m so với mực nước biển, hoặc các vùng thung lũng, đồng cỏ, ven suối.

Trên thế giới, cây có nhiều ở các nước Nhật Bản, Triều Tiên, đông bắc Trung Quốc,…

Tại Việt Nam, cây được di thực và trồng tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hưng Yên,…

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

3.1. Bộ phận dùng

Dược liệu Bạch chỉ người ta hay dùng là phần rễ của cây. Nó có hình trụ, đầu trên hơi vuông, bên trên to xuống dưới nhỏ dần lại. Mặt ngoài rễ màu vàng hay hơi nhạt, có nhiều nốt nhỏ lồi lên, nằm ngang, xếp thành 4 hàng dọc theo thân rễ. Bề ngang rễ cứng, bẻ không xơ. Ruột rễ màu trắng ngà, có nhiều chất bột, phía ngoài xốp. Có tầng sinh gỗ dạng vòng tròn, gỗ chiếm 1/2 – 1/3 bán kính. Thuốc có mùi thơm hơi hắc, vị hơi cay.

3.2. Thu hái, bào chế

Vào mùa thu, khi lá úa vàng, tiết trời khô ráo, người ta sẽ đào lấy rễ Bạch chỉ, bỏ thân và rễ con.

Khi hái về, nó sẽ được phân loại to nhỏ, sau đó rửa sạch, ngâm qua rồi ủ cho mềm, thái lát dày, phơi khô trong bóng râm hay sấy nhẹ đến khô (theo “Dược điển Việt Nam 2002”).

3.3. Bảo quản

Thuốc cất giữ nơi khô ráo, đậy kín, tránh nóng và có thể bảo quản bằng vôi sống.

4. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

4.1. Thành phần hóa học

Trong Bạch chỉ có tinh dầu, giàu Hydrocarbon và đặc biệt chứa các hợp chất lacton vòng lớn. Ngoài ra vị thuốc này còn có nhiều Coumarin loại đơn giản, loại Furanoid,…

4.2. Một số tác dụng dược lý của Bạch chỉ

  • Tác dụng kháng khuẩn: Thí nghiệm cho thấy, Bạch chỉ có  tác dụng kháng khuẩn đối với các loại Shigella và Salmonella (theo “Trung dược học”), ức chế trực khuẩn ly, thương hàn, vi khuẩn G +  (theo “Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược“).
  • Tác dụng giảm đau: Tiêm dung dịch Acid Acetic 6%o vào xoang bụng chuột nhắt trắng, sau đó dùng Bạch chỉ với liều lượng 10g/kg thấy có tác dụng giảm đau rõ rệt (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam). Ngoài ra nó còn làm giảm đau đầu do cảm cúm, đau đầu sau sanh, đau lợi răng, đau thần kinh mặt (theo “Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược”).
  • Tác dụng chống viêm: gây viêm thực nghiệm bằng Kaolin trên chuột cống trắng, dùng Bạch chỉ với liều lượng 10g/kg có tác dụng chống viêm.
  • Tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh:  Angelicotoxin, một hoạt chất chiết từ Bạch chỉ, dùng với liều nhỏ, có tác dụng kích thích trung khu vận mạch, tủy sống, gây tăng huyết áp, mạch chậm, hô hấp hưng phấn, các phản xạ được tăng cường, ngoài ra việc kích thích tiết nước bọt. Dùng với liều quá lớn gây co giật và cuối cùng dẫn đến tê liệt (theo “Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam”).
Dược liệu Bạch chỉ tính ấm có công dụng giải cảm, tiêu viêm
Dược liệu Bạch chỉ tính ấm có công dụng giải cảm, tiêu viêm

5. Công dụng của Bạch chỉ

Bạch chỉ là vị thuốc tính ấm, vị cay, người ta thường dùng nó để:

  • Trừ phong, hàn, thấp, hoạt huyết tiêu mủ, giảm đau, lên da non, chữa ung nhọt, nhức đầu, đi đại tiện ra huyết (Đông dược học thiết yếu).
  • Trừ phong hàn, chữa đau, giải độc. Trị viêm xoang mũi, đau đầu, đau răng, đau vùng trước trán, chữa khí hư ở phụ nữ, chữa mụn nhọt, ghẻ lở, ngứa ngoài da, rắn cắn, bỏng do nóng (theoTrung dược đại từ điển”).

>> Tham khảo thêm bài viết: Cây Cứt lợn: Thực hư vị thuốc trị viêm xoang hiệu quả

6. Một số bài thuốc dân gian

Phương thuốc làm người ta nở thịt, chóng lên da non, lấp đầy chỗ mụn trống

Bạch chỉ, Hoàng kỳ, Cam thảo, Địa hoàng, Mạch môn, Ngũ vị tử. Sắc nước uống.

Bài thuốc chữa chứng phong nhiệt đau răng

Bạch chỉ, Ngô thù du, hai vị bằng lượng nhau, ngâm nước súc miệng, rồi nhổ rãi đi. (theo “Y lâm tập yếu phương”)

Phương chữa chứng thiên chính đầu thống

Bạch chỉ sao 100gr, Xuyên khung sao, Cam thảo sao, Xuyên ô đầu, Bán sinh, Bán thục mỗi thứ 40gr, tán thành bột. Mỗi lần chỉ dùng 4gr, thang nấu bằng nước nấu Bạc hà, Tế tân, sắc nước làm thang mà uống. (Theo “Đàm giả ông khí hiệu”)

Bài viết trên đây mong rằng sẽ cung cấp thêm những thông tin bổ ích cho bạn đọc về một vị thuốc Đông y. Nhưng lúc nào dùng, dùng thế nào cho hiệu quả, người đọc cần có sự thăm khám và ý kiến từ thầy thuốc. Không nên tự ý sử dụng có thể đưa tới những hậu quả không mong muốn. Rất mong nhận được những phản hồi cũng như sự đồng hành của các bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!