Giải mã công dụng chữa bệnh của Bạch quả

Bạch quả là một trong những loài cây sống lâu năm nhất. Cây được biết đến nhờ công dụng đáng kinh ngạc mà chúng mang lại cho sức khỏe con người và những giá trị dinh dưỡng của nó. Ginkgo Biloba, chế phẩm từ Bạch quả, đã trở thành thực phẩm chức năng được sử dụng nhiều nhất. Có thể xem đây là loài cây “linh thiêng” cho sức khỏe người cao tuổi. Bài viết này sẽ mang đến các bạn nhiều thông tin hữu ích về loài cây đặc biệt này.

1. Lịch sử của cây Bạch quả

Bạch quả còn có tên gọi khác là Ngân hạnh, Rẽ quạt, Áp cước tử hay Công tôn thụ… Tên khoa học là Ginkgo biloba L.. Thuộc họ Bạch quả Ginkgoaceae.

Đây là loài cây rất hiếm có lịch sử hàng nghìn năm được biết rất sớm trong lịch sử loài người.

Cây được coi là một hóa thạch sống của người Viking. Theo Vườn thực vật Missouri, Bạch quả là thành viên duy nhất của một nhóm thực vật cổ đại được cho là đã sinh sống trên trái đất cách đây 150 triệu năm. Nó đã gần như tuyệt tích trong một sự kiện tuyệt chủng lớn sau kỷ băng hà. May mắn, một ít cây đã còn sống sót ở Trung Quốc.

Theo truyền thuyết, các nhà sư Trung Quốc và Tây Tạng đã nhận thấy giá trị của loài cây quý hiếm này và bắt đầu nhân giống nó. Ở châu Á, cây đã trở thành biểu tượng của trường thọ và giác ngộ. Người Trung Quốc cổ đại trồng cây để tiêu thụ và sử dụng làm thuốc. Họ dùng Bạch quả để làm giảm các triệu chứng hen suyễn. Hạt dùng để ăn với mục đích tăng cường sức khỏe.

Một số cây được tìm thấy ở Trung Quốc đã hơn 2.500 năm tuổi. Cây có thể cao hơn 130 feet (tương đương 39.624m) và có thể sống hơn 1.000 năm.

Ở phương Tây, vào cuối những năm 1600, Engelbert Kaempfer là người châu Âu đầu tiên phát hiện ra loài cây “linh thiêng” này. Đến năm 1771, Linnaeus đã đặt tên cho cây là Ginkgo Biloba.

Năm 1784, loài cây này được đưa sang Mỹ đến khu vườn của William Hamilton.

Bạch quả
Bạch quả – Ngân hạnh

2. Mô tả dược liệu

Cây to, cao 20 – 30m, tán lá sum sê. Thân hình trụ, phân cành nhiều, gần như mọc vòng. Trên cành có những cành nhánh ngắn, mang lá có cuống. Phiến lá hình quạt, mép lá phía trên tròn, nhẵn, phần giữa hơi lõm, chia phiến lá thành 2 thùy. Gân lá phân nhánh theo hướng rẽ đôi. Quả hạch, kích thước bằng quả mận, thịt màu vàng, có mùi bơ khét rất khó chịu.

Lá thường được dùng làm thuốc. Sau khi thu hoạch, lá được đem phơi hay sấy khô làm thuốc.

Hạt thu hoạch từ quả chín, loại bỏ thịt ngoài, rửa sạch, phơi khô. Khi dùng, đập giập, loại bỏ vỏ cứng, lấy nhân, bóc bỏ màng ngoài. Rửa sạch, đồ hoặc nhúng vào nước sôi, rồi sấy ở nhiệt độ thấp đến khô. Hạt được dùng sống hoặc sao vàng. Hạt có độc, nên cẩn thận khi dùng.

3. Thành phần chứa trong Bạch quả

Thành phần hóa học đáng chú ý trong lá Bạch quả: 22% – 27% flavone glycoside (ginkgetin, bilobetin và sciadopitysin); terpene lactones (ginkgolides và diterpenes); bilobalide và các axit Ginkgolic.

Hầu hết chiết xuất từ cây Bạch quả đều ở dạng EGb 761. EGb 761 được chuẩn hóa để bao gồm 6% terpenoid và 24% flavonoid glycoside.

4. Công dụng của Bạch quả

Theo y học dân gian, Bạch quả có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn. Dùng để trị giun, viêm phế quản, viêm mũi mạn tính, đau buốt chân tay do lạnh, viêm khớp và phù.

Theo y học hiện đại, lá khô Bạch quả dùng điều trị triệu chứng thiểu năng tuần hoàn não mức độ nhẹ và vừa, suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, trầm cảm, chóng mặt, ù tai và nhức đầu. Cao Bạch quả giúp giảm triệu chứng đau cách hồi trong bệnh động mạch ngoại biên, bệnh Raynaud, hội chứng sau viêm tĩnh mạch và ù tai, chóng mặt do mạch máu hoặc thoái hóa.

5. Cách dùng – Liều dùng Bạch quả

Các chế phẩm Bạch quả được chế biến làm thực phẩm chức năng Ginkgo biloba. Lá khô của cây có thể được sử dụng để pha trà. Liều 3 – 10g/ngày, chia làm 3 lần mỗi ngày.

Liều dùng tiêu chuẩn của dịch chiết Bạch quả EGb 761 được sử dụng trong hầu hết các nghiên cứu và được các nhà sản xuất khuyến nghị: 40mg, 3 lần mỗi ngày, hoặc 80mg, 2 lần mỗi ngày.

Hạt: không nên dùng quá 8 đến 10 hạt nấu chín mỗi ngày cho người trưởng thành và chế phẩm này không được khuyến cáo sử dụng lâu dài.

6. Các nghiên cứu về tác dụng của Bạch quả

6.1. Suy giảm trí nhớ

Về mặt điều trị chứng mất trí hiện tại, dữ liệu đã mâu thuẫn về hiệu quả của chiết xuất Ginkgo biloba (EGb).

Đa số nghiên cứu đã đề xuất các tác dụng bảo vệ thần kinh của chiết xuất Ginkgo biloba. Việc sử dụng lâu dài dịch chiết này giúp cải thiện trí nhớ ngắn hạn và an toàn. Nó hoạt động như một chất loại bỏ gốc tự do và bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương oxy hóa và chết tế bào, đã được quan sát thấy trong bệnh thiếu máu não và bệnh Alzheimer.

6.2. Bảo vệ tim mạch

Tác dụng bảo vệ tim mạch của Bạch quả đã được nghiên cứu rộng. Bạch quả có vai trò điều chỉnh sự trao đổi chất, giãn mạch, ổn định mỡ máu và tiêu sợi huyết. Nó giúp hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa bệnh lý tim mạch như và các yếu tố nguy cơ tim mạch.

6.3. Rối loạn tâm thần

Các nghiên cứu đã xem xét vai trò của Bạch quả trong điều trị trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác. Bạch quả giúp làm giảm triệu chứng trầm cảm, cải thiện chức năng nhận thức, rối loạn vận động chậm và giảm lo âu.

6.4. Rối loạn chức năng tình dục

Nhiều nghiên cứu nhỏ đã cho thấy vai trò của Bạch quả trong điều trị rối loạn chức năng tình dục.

Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên trên 108 bệnh nhân cho thấy một chất bổ sung dinh dưỡng có chứa L-arginine, nhân sâm, bạch quả, damiana, vitamin tổng hợp và khoáng chất, giúp tăng mức độ ham muốn tình dục ở phụ nữ tiền mãn kinh, tiền mãn kinh và phụ nữ sau mãn kinh so với giả dược.

6.5. Chóng mặt

Chiết xuất Bạch quả giúp tăng tuần hoàn não. Từ đó, nó có thể làm giảm cường độ, tần suất và thời gian bị chóng mặt do thiểu năng tuần hoàn não.

>> Xem thêm:

Đau nửa đầu Migraines (ở trẻ em)

Đau nửa đầu Migraines (ở người lớn)

6.6. Ù tai

Mặc dù, từ lâu, Bạch quả được cho là có tác dụng tốt trong cải thiện chứng ù tai. Nhưng một số nghiên cứu cho kết quả ngược lại. Cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để chứng minh tác dụng này của Bạch quả.

6.7. Tăng nhãn áp

Một nghiên cứu đánh giá năm 2019 đã cho thấy flavonoid có trong Bạch quả giúp làm tăng lưu lượng máu ở mắt và có khả năng ngăn chặn quá trình mất trường thị giác ở bệnh nhân tăng nhãn áp.

6.8. Chống lão hóa

Hợp chất falvonoic có trong Bạch quả có vai trò như một hợp chất chống oxy hóa mạnh. Do đó, nó có thể giúp cơ thể cải thiện được tình trạng lão hóa nhanh và giúp chống lại tác hại của hóa chất chất phóng xạ độc hại.

6.9. Cải thiện tình trạng tê nhức chân tay

Nhờ tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, Bạch quả có tác dụng trong việc điều trị bệnh tê cóng tay chân, và giúp cho máu lưu thông được dễ dàng đến tay chân cũng như các bộ phận khác trong cơ thể.

7. Lưu ý khi sử dụng Bạch quả

  • Nhìn chung, Bạch quả an toàn và  được dung nạp tốt. Liều khuyến cáo tối đa cho chiết xuất EGb 761 là 240mg/ngày. Tác dụng phụ nhẹ bao gồm đau đầu, tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa, táo bón, dị ứng da.
  • Thận trọng khi sử dụng Bạch quả ở những bệnh nhân bị rối loạn chảy máu hoặc những người dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chống tiểu cầu hoặc liệu pháp chống đông máu.
  • Cần thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ mang thai, cho con bú hoặc trẻ sơ sinh.
  • Bệnh nhân trầm cảm nên được sự đồng ý của bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Ngoài tác dụng cải thiện trí nhớ được biết từ lâu nay. Hiện nay, các nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều lợi ích của Bạch quả đối với sức khỏe con người. Các bằng chứng cũng cho thấy việc lạm dụng vị thuốc này có thể đem lại những tác dụng phụ. Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. Youmed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!