Đơn buốt: Vị thuốc quý chữa rắn cắn từ Đông y

Cây Đơn buốt có tên khoa học là Bidens pilosa L.Tên khác là Đơn kim, Xuyến chi, Quỷ châm thảo, Manh tràng thảo, Song nha lông,… Cây thuộc Họ Cúc (Asteraceae). Đơn buốt có vị đắng, nhạt, hơi the, tính mát, vào 2 kinh: can, thận, có tác dụng thanh nhiệt, mát máu, tiêu độc, sát trùng.

1. Tổng quan về cây Đơn buốt

1.1. Mô tả dược liệu

Cây thảo, sống hàng năm, cao 0,5-1m. Thân cành cứng, nhẵn, có khía.

Lá mọc đối có 3 lá chét hình mác hoặc trái xoan, dài 2-4cm, rộng 1-2cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép có răng cưa, hai mặt nhẵn.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành đầu đơn độc hoặc đôi một ; đầu gần hình cầu, rộng 0,6cm-1,5cm ; lá bấc thuôn, dạng vảy, có lông, những hoa ở ngoài bất thụ, xếp thành 1 hàng, hình lưỡi màu trắng ; những hoa ở trong hữu thụ, hình ống màu vàng ; cánh hoa bất thụ xẻ 3 thùy nhỏ ở đầu, nhị 4-5, thắt lại ở gốc và có tai ngắn, bầu của hoa bất thụ tiêu giảm, trái lại, ỏ hoa hữu thụ, bầu to lên gấp 2-3 lần.

Quả bế, hình kim, có 3 cạnh không đều, khi chín màu đen.

Mùa hoa quả: tháng 3-5 và tháng 8-10.

Cây Đơn buốt
Cây Đơn buốt là cây thảo, sống hàng năm

1.2. Phân bố, sinh thái

Chi Bidens L. phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, có ít loài ở vùng cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, có 4-5 loài, Đơn buốt là loài thường gặp nhất.

Đơn buốt thuộc loài cây mọc nhanh, ưa sáng và ưa ẩm, sinh trưởng nhanh trong mùa hè; sau ra hoa quả nhiều rồi tàn lụi vào giữa mùa thu.

1.3. Bộ phận dùng

Phần trên mặt đất và lá, thu hái vào mùa hạ. Dùng tươi hay phơi khô.

1.4. Hoạt chất

Tinh dầu: Lá chứa tinh dầu gồm germacren D, limonen, camphor.

Phần trên mặt đất: acid linoleic, acid cafeic. Ngoài ra còn có phytyl heptanoal.

2. Tác dụng dược lý của Cây Đơn buốt

Đơn buốt có tác dụng dự phòng quá mẫn ở chuột lang, ngăn cản phản ứng quá mẫn trên da chuột nhắt trắng, trên ruột chuột lang và ruột thỏ cô lập, có tác dụng chống viêm trên mô hình gây phù bằng formalin và dextran.

Cao chiết với methanol từ lá có tác dụng ức chế in vitro đối với các vi sinh vật: Bacillus subtilis, Candida albicans, Staphylococcus aureus,… Cao nước tươi có tác dụng ức chế in vitro các vi khuẩn khác như: Proteus vulgaris, Pseudomonas aeruginosa,… Những polyacetylen có trong cúc áo có tác dụng diệt nấm và diệt khuẩn; các flavonoid có tác dụng chống viêm và chống nhiễm khuẩn.

Cây Đơn buốt
Cây Đơn buốt có thể dùng để chữa lỵ, tiêu chảy, viêm ruột

Ngoài ra, Đơn buốt còn có tác dụng chống đái tháo đường trên thực nghiệm.

Cao dược liệu còn có hoạt tính chống sốt rét cả in vitroin vivo. Cao cồn Đơn buốt có thể gây ức chế 90% Plasmodium falciparum in vitro.

Nghiên cứu cơ chế tác dụng chống viêm của Đơn buốt thấy cao cồn ức chế mạnh sự tổng hợp prostagladin trong thử nghiệm in vitro đối với các chất ức chế cyclooxygenase. Cao methanol của thảo dược còn có hoạt tính bảo vệ chống phóng xạ đối với tủy xương. Đơn buốt còn có tác dụng điều hòa miễn dịch, chống loét và làm giảm huyết áp.

3. Công dụng của Cây Đơn buốt

Theo Đông y, Đơn buốt có vị đắng, nhạt, hơi the, tính mát, vào 2 kinh: can, thận, có tác dụng thanh nhiệt, mát máu, tiêu độc, sát trùng.

Đơn buốt được dùng chữa viêm họng, sưng họng phát sốt, viêm ruột, tiêu chảy, lỵ, viêm thận cấp, dị ứng, mày đay, bệnh ngoài da mẩn ngứa nóng đỏ, nhức răng, đau mắt, vết thương sưng đau, rắn cắn và sâu bọ độc cắn. Ngày dùng 16-20g cây khô, hoặc 60-80g cây tươi, sắc uống.

Để chữa rắn cắn, mề đay nổi mẩn, bị thương, dùng lá cúc áo giã nhỏ xát và đắp vào chỗ đau, kết hợp uống thuốc sắc. Cúc áo cũng thường dùng ngoài nấu nước tắm (100-200g nấu với 4-5 lít nước) bã xát kĩ để trị mẩn ngứa.

4. Ứng dụng của Đơn buốt trong điều trị

Theo kinh nghiệm dân gian ở Trung quốc: Đơn buốt được dùng để chữa lỵ, tiêu chảy, viêm ruột, họng sưng đau, nấc, ngộ độc. Ngày uống 4 – 16g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, không kể liều lượng, chữa bọ cạp, nhện độc, rắn cắn.

hoa Đơn buốt
Đơn buốt là vị thuốc quý chữa rắn hay các loài sâu bọ độc cắn

>> Xem thêm: Cỏ lào: vị thuốc chữa tiêu chảy, kiết kỵ

Ở Philippine, lá thảo dược được dùng làm rau ăn hàng ngày có tác dụng phòng bướu cổ. Ở Malaysia, nước hãm có tác dụng trị ho. Ở Mexico, Đơn buốt chủ trị đái tháo đường và các rối loạn thần kinh, làm thuốc bổ thần kinh để trị trầm cảm và mệt mỏi trí não, dưới dạng chè. Ở Braxin, lá cây thuốc được dùng trị vết thương, vết loét và sưng các tuyến.

Ở Nigeria, dịch ép hoặc nước sắc lá Đơn buốt dùng trị viêm ruột kết và tiêu chảy, dịch ép tươi của toàn cây trị đau tai, chảy máu và các phản ứng viêm. Ở Ruanda, lá dược liệu được dùng sát khuẩn trị viêm phổi. Ở Papua, nụ hoa nghiền nát dùng ngoài để rút mủ khỏi các nhọt, cồn thuốc từ hoa và lá ngậm, trị đau răng.

>> Xem thêm: Cây Ba chẽ: Loài thực vật chữa rắn cắn

Cây đơn buốt được ứng dụng rất nhiều trong y học dân gian ở các nước để làm giảm đau. Nước sắc, nước hãm hoặc dịch ép lá chữa ho, đau thắt ngực, nhức đầu, sốt, đái tháo đường,… Cũng như các dược liệu khác, Quý độc giả cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng điều trị để mang lại hiệu quả cao nhất.