Khổ qua rừng: Dược liệu có tác dụng giảm đường huyết

Khổ qua rừng hiện nay được sử dụng như một loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam, hỗ trợ trong giảm đường huyết, giảm mỡ máu. Bên cạnh đó, cây còn có những tác dụng có lợi cho sức khỏe khác. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây

Khổ qua rừng là gì?

Tên khoa học

  • Còn có tên khác mướp đắng rừng
  • Tên khoa học: Momordica charantia
  • Họ Bầu bí Cucurbitaceae

Mô tả thực vật

Khổ qua rừng là một loài cây nhỏ có hoa trong họ Bầu bí. Cây khổ qua là loài dây leo bằng tua cuốn thân thảo sống hàng năm, chu kỳ sống 3-4 tháng.

Thân có cạnh, dây có thể bò 2-3 mét.

Lá mọc so le,  dài từ 5 đến 10cm, rộng 4-8cm, phiến lá chia làm 5 đến 7 thuỳ, hình trứng, mép khía răng. Mặt dưới lá màu nhạt hơn mặt trên, gân lá có lông ngắn.

Hoa đực và hoa cái mọc riêng ở nách lá, có cuống dài. Cánh hoa màu trắng.

Quả dạng hình thoi, dài 8-10cm, mặt ngoài có nhiều u lồi. Quả chưa chín có màu vàng xanh, khi chín màu vàng hồng.

Cây có tác dụng tốt hơn các giống khổ qua trồng.

khổ qua rừng
Các bộ phận của Khổ qua rừng đều có thể làm dược liệu

Phân bố, thu hái

Khổ qua rừng là loại cây mọc hoang ở nơi rậm rạp, phân bố ở nhiều nơi như châu Úc, Phi và Á. Nước ta, nó chủ yếu mọc tự nhiên ở Đông Nam và Nam Bộ.

Tất cả những phần như lá non, lá già, quả và kể cả dây leo đều sử dụng được nên thời gian thu hoạch thường kéo dài.

Tác dụng dược lý

Thành phần hóa học

Khổ qua rừng là một loại thực vật giàu chất dinh dưỡng: vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, vitamin C, vitamin A, vitamin E, vitamin B1, B2, B3, B9 (folate).

Đây là một nguồn cung cấp chất xơ tốt. Bên cạnh đó, trong quả giàu khoáng chất bao gồm kali, canxi, kẽm, magie, phốt pho và sắt.

Giá trị y học của cây là do chất chống oxy hóa cao như phenol, flavonoid, isoflavone, tecpen, anthraquinones và glucosinolate. Tất cả đều tạo nên vị đắng.

Tác dụng dược lý theo Y học hiện đại

  • Đái tháo đường là một trong những bệnh phổ biến nhất ở các nước phát triển và đang phát triển, gia tăng nhanh chóng trên thế giới. Các thành phần chính của khổ qua rừng có tác dụng chống đái tháo đường là triterpen, protein, steroid, alkaloid, các hợp chất vô cơ, lipid và phenolic, v.v… tác động lên hoạt động giải phóng insulin đáng kể trong tế bào. Từ đó, làm giảm đường huyết ở người mắc đái tháo đường.

Khổ qua rừng làm giảm đường huyết
Khổ qua rừng làm giảm đường huyết
  • Stress oxy hóa và viêm là những quá trình sinh lý bệnh liên quan chặt chẽ, kích hoạt lẫn nhau, gây nên các bệnh lý mạn tính. Các chất chiết xuất của cây giúp điều chỉnh tình trạng viêm, chống oxy hóa. Vì thế, việc bổ sung khổ qua rừng trong dinh dưỡng là vô cùng hữu ích cho sức khỏe.
  • Bên cạnh đó, khả năng chống viêm của khổ qua rừng còn thể hiện trên bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối. Kết quả có những cải thiện đáng kể về mức độ thoái hóa khớp, mức độ giảm đau, trọng lượng cơ thể, chỉ số khối cơ thể BMI và đường huyết lúc đói trong 3 tháng.

Tác dụng dược lý theo Y học cổ truyền

Vị đắng, tính hàn.

Thanh nhiệt, trừ thấp nhiệt, không độc.

Dùng ngoài để chữa rôm sảy, ngứa ở trẻ em

Cách sử dụng Khổ qua rừng

Dùng toàn cây có thể dùng ở dạng tươi hay khô đều được.

Sau khi thu hái, cần phân loại, làm sạch, cắt khúc và phơi chúng ra nắng hoặc sấy nhẹ.

Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc.

Các bài thuốc từ Khổ qua rừng

Khổ qua rừng có thể dùng trong nấu ăn: xào, canh, v.v…

Dùng làm nước tắm: nấu cả thân, lá, dây leo 1 nắm.

Liều dùng từ 60 – 85 gram dược liệu tươi, hoặc 6 – 10 gram dược liệu khô. Dạng thuốc sắc hoặc hãm trà uống.

Lưu ý

  • Người dị ứng với các cây khác thuộc họ Bầu bí nên tránh dùng.
  • Phụ nữ đang có kế hoạch sinh sản, đang mang thai nên thận trọng vì khổ qua rừng làm giảm mạnh khả năng sinh sản, gây phá thai ở động vật.
  • Cần cẩn trọng khi sử dụng ở trẻ nhỏ do tác dụng làm giảm đường huyết.

Khổ qua rừng là loại thuốc, thực phẩm phổ biến trong các gia đình hiện nay. Tuy nhiên, cần cẩn trọng trong cách dùng, liều lượng và đối tượng người dùng để tránh những tác dụng phụ không đáng có. Quý bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia.