Phục thần – Phục linh: Là 1 hay 2 vị thuốc?

Phục linh là vị thuốc bổ, thuốc lợi tiểu, dùng trong bệnh thuỷ thũng. Còn Phục thần là thuốc có tác dụng an thần. Hai vị thuốc này tuy công dụng có phần khác nhau nhưng đều có nguồn gốc chung. Phục linh là thể quả nấm đã phơi hay sấy khô của nấm Phục linh, mọc ký sinh trên rễ một số loài thông. Loại có phần lõi rễ bên trong là Phục thần.

Phục thần – phục linh tuy hai mà một, tuy một mà hai. Cụ thể công dụng và cách dùng cũng như tác dụng dược lý của hai vị thuốc này như thế nào sẽ được YouMed chia sẻ trong bài viết sau.

1. Mô tả

Phục linhPhục thần đều có nguồn gốc từ thể quả nấm đã phơi hay sấy khô của nấm Phục linh. Tên khoa học của loài nấm này là Poria cocos (Schw.) Wolf, thuộc họ Nấm lỗ (Polyporaceae), mọc ký sinh trên rễ một số loài thông.

Hình dạng của thể quả nấm Phục linh
Hình dạng của thể quả nấm Phục linh

1.1. Thể quả nấm Phục linh

Quả có hình cầu, hình thoi, hình cầu dẹt hoặc hình khối không đều, lớn, nhỏ không đồng nhất. Mặt ngoài màu nâu đến nâu đen, có nhiều vết nhăn rõ và lồi lõm. Thể nặng, rắn chắc. Mặt bẻ sần sùi và có vết nứt, lớp viền ngoài màu nâu nhạt. Phần trong màu trắng, số ít có màu hồng nhạt. Có loại bên trong còn mấy đoạn rễ thông là Phục thần. Nấm Phục linh không mùi, vị nhạt, cắn dính răng.

Phục linh hiện phải nhập của Trung quốc. Loại tốt nhất mọc ở Vân Nam gọi là Vân linh. Phục linh ở Quảng Đông có thể không tốt bằng ở Vân nam. Năm 1977, người ta phát hiện thấy Phục linh có ở vùng Đà Lạt (Lâm Đồng).

1.2. Dược liệu từ Phục linh

  • Phục linh bì: Là lớp ngoài Phục linh tách ra, lớn, nhỏ không đồng nhất. Mặt ngoài từ nâu đến nâu đen, mặt trong màu trắng hoặc nâu nhạt. Chất tương đối xốp, hơi có tính đàn hồi.
  • Phục linh khối: Sau khi tách lớp ngoài, phần còn lại được thái, cắt thành phiến hay miếng, lớn nhỏ không đồng nhất, màu trắng, hồng nhạt hoặc nâu nhạt.
Phục linh khối
Phục linh khối
  • Xích phục linh: Là lớp thứ hai sau lớp ngoài, hơi hồng hoặc nâu nhạt.
  • Bạch phục linh: Là phần bên trong, màu trắng.
  • Phục thần: Là phần nấm Phục linh ôm đoạn rễ thông bên trong.
Phục thần
Phục thần

2. Thu hái và bào chế

2.1. Thu hái

Thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9. Loại bỏ đất cát, chất đống cho ra mồ hôi rồi rải ra chỗ thoáng gió cho se bề mặt. Tiếp tục chất đống, ủ vài lần cho đến khi khô nước và bề mặt nhăn nheo. Phơi ở chỗ mát đến khô.

2.2. Bào chế

Trước khi dùng, ngâm Phục linh vào nước, rửa sạch, đồ thêm cho mềm, gọt vỏ, thái miếng hoặc thái lát lúc đang mềm và phơi hoặc sấy khô. Hoặc khi Phục linh còn tươi, thái miếng và phơi ở chỗ mát nơi thoáng gió đến khô. Tuỳ theo các phần, hình thái và màu sắc của Phục linh mà có tên gọi khác nhau: Bạch phục linh, Phục linh bì, Xích phục linh, Phục linh khối, Phục linh phiến.

3. Thành phần hoá học

Nấm Phục linh chứa hai nhóm hóa chất chính, phần triterpene và phần polysacarit. Các hợp chất nhỏ khác cũng đã được mô tả, bao gồm steroid, axit amin, choline, histidine và muối kali. 

4. Tác dụng dược lý

  • Hoạt động chống viêm: Chiết xuất của nấm Phục linh có tác dụng đối với viêm da tiếp xúc, bệnh vẩy nến và viêm phù tai cấp tính.
  • Điều hòa miễn dịch: Chiết xuất từ Nấm phục linh làm thay đổi hoạt động của chức năng miễn dịch thông qua sự điều hòa động của các phân tử thông tin như cytokine.
  • Chống ung thư: Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tác động chống tế bào ung thư của Phục linh lên tế bào khối u sarcoma, tế bào khối u ung thư biểu mô dạ dày, tế bào ung thư phổi và tế bào ung thư tiền liệt tuyến.
  • Hạ đường huyết: Phục linh làm giảm đường huyết trong mô hình động vật của đái tháo đường không phụ thuộc insulin.
  • Một vài nghiên cứu khác về tác dụng chống thải ghép, chống ký sinh trùng, chống virus viêm gan B của nấm Phục linh cũng đã cho thấy hiệu quả.
Phục thần và Phục linh là vị thuốc có nhiều công dụng hữu hiệu
Đây là vị thuốc có nhiều công dụng hữu hiệu

5. Công dụng và liều dùng

5.1. Công dụng

Phục linh có công dụng  lợi tiểu, làm giảm phù, giúp ích cho hệ tiêu hoá. Chủ trị: Phù thũng kèm tiểu ít mà nóng đỏ, kém ăn, phân lỏng, tiêu chảy.

Phục thần có công dụng an thần. Chủ trị: Mất ngủ, hồi hộp đánh trống ngực.

5.2. Liều dùng

Cả 2 vị thuốc đều dùng từ 9g đến 15g mỗi ngày, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

6. Đơn thuốc kinh nghiệm

6.1. Bệnh phù thũng 

Phục linh 10g, Mộc thông 5g, Tang bạch bì 10g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

6.2. Tiểu ít, phù

Dùng bài Ngũ linh tán (Thương hàn luận): Bạch linh, Bạch truật, Trư linh đều 10g, Trạch tả 12g, Quế chi 4g, tất cả tán bột mịn trộn đều. Mỗi lần uống 10g, ngày 2 – 3 lần hoặc sắc uống. 

>> Ngoài ra bạn có thể tìm hiểu thêm Mộc thông: Vị thuốc có công dụng lợi tiểu

6.3. Trị tiêu chảy

Bài Hương sa lục quân (Hòa tễ cục phương): Đảng sâm, Bạch truật, Bạch linh đều 10g, Chích thảo 3g, Trần bì, Bán hạ, Gừng chế đều 5g, Mộc hương, Sa nhân đều 4g. Tất cả tán bột mịn trộn với nước Gừng táo làm thành viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi lần uống 4 – 8g, tùy tuổi.

Hoặc bài Sâm linh Bạch truật tán (Hòa tễ cục phương): Đảng sâm (hoặc Nhân sâm), Bạch linh, Bạch truật, Hoài sơn, sao Đậu ván trắng, Hạt sen, Ý dĩ nhân đều 80g, Cát cánh, Sa nhân, Trần bì, Chích thảo đều 40g, trộn với nước sắc Gừng táo vừa đủ làm thành thuốc bột hoặc viên với hồ bột gạo tẻ. Mỗi lần uống 4 – 8g, ngày 3 lần.

6.4. Mất ngủ

Phục linh, Phục thần, Đảng sâm, Xương bồ, Viễn chí, Long nhãn nhục, lượng bằng nhau, tán bột mịn Chu sa làm áo luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 10 – 20g vào chiều và tối trước lúc ngủ.

7. Kiêng kỵ

  • Người bị âm hư mà không thấp nhiệt thì không nên dùng.

Phục thần và Phục linh là 2 vị thuốc có nguồn gốc từ loài nấm Phục linh. Phục thần có công dụng an thần. Phục linh có công dụng lợi tiểu, hỗ trợ tiêu hoá. 

Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc!