Rau diếp: vị thuốc đặc biệt đến từ loài cây thân thuộc

Trong đời sống của chúng ta, có lẽ ai cũng đã từng ít nhất một lần ăn rau sống. Và trong các loại rau sống đó, Rau diếp lại là một thứ rất quen thuộc, rất ngon lành. Hầu như trong các thực đơn tốt cho sức khỏe, rất thường thấy món rau này. Tuy nhiên, nó tốt cho sức khỏe như thế nào, thì chắc không phải ai cũng hiểu rõ. Vậy bài viết hôm nay ra đời, chính là để giải đáp thắc mắc đó cho quý bạn đọc. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các bạn!

Rau diếp là gì?

Rau diếp, còn được gọi là rau xà lách, Oa cự,…. Có tên khoa học Lactuca sativa L. var. longifolia Lamk., thuộc họ Cúc (Asteraceace).

Mô tả thực vật

Đây là loại thực vật thân thảo. Đời sống khá ngắn, chỉ kéo dài khoảng 1 – 2 năm. Thân của cây là hình trụ thẳng, thân thô, chất thịt dày, cao khoảng 25 – 60cm. Phiến lá hình trứng tròn ngược, dài 10 – 25cm. Lá mọc ra ngay từ gốc thân, càng lên trên càng nhỏ lại. Lá ở gốc có cuống, còn ở thân không có. Lá màu xanh thẫm, mềm nhẵn. Cụm hoa gồm nhiều đầu hoa hợp lại thành chùy kép, mỗi đầu có 10 – 24 hoa dạng lưỡi nhỏ màu vàng. Quả bế hình trái xoan dẹp, màu nâu, có mào lông trắng.

Cây Rau diếp
Cây Rau diếp

Phân bố

Rau diếp có nguồn gốc từ châu Âu. Nó được nhập vào trồng ở các tỉnh của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Các tỉnh ở miền Bắc với mùa đông khí hậu lạnh thích hợp trồng loại cây này hơn. Nó có thể được trồng xen với các loại rau ăn khác như Bắp cải, Su hào. Ở các tỉnh miền núi cao như Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng,… loại cây này có thể trồng quanh năm.

Bộ phận dùng

Để làm rau ăn hay làm thuốc, người ta sử dụng toàn bộ phần cây trên mặt đất, bỏ rễ. Đa phần cây được dùng dưới dạng tươi. Do rau đa phần được dùng sống, do đó khi thu hái về cần rửa thật sạch để loại trừ đất cát, các loại sán…

Tác dụng của Rau diếp

Thành phần hóa học có trong dược liệu

Trong 100g rau diếp, người ta nghiên cứu thấy có:

  • Năng lượng 14 k.cal,
  • Carbohydrate 2,9g
  • Protein 1,4g
  • Chất xơ 1,3g
  • Lipid 0,2g
  • Ngoài ra còn có các chất Natri, Kali, Canxi, Magie, Sắt và các vitamin A, K, B6, …

Tác dụng của vị thuốc rau diếp theo Y học hiện đại

Người ta thấy rằng, ăn rau diếp có một số lợi ích sau:

  • Tốt cho thị lực và làm đẹp da, nhờ vào hàm lượng vitamin A cao trong rau này
  • Cung cấp vitamin K làm tăng mật độ xương và bảo vệ nơ – ron thần kinh khỏi bị tổn thương
  • Tốt cho bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt
  • Tốt cho võng mạc
  • Cung cấp chất xơ
  • Phòng tránh một số bệnh như: loãng xương, thiếu máu, ung thư, Alzheimer, thoái hóa võng mạc,…

Rau diếp là một món ăn - vị thuốc rất tốt cho sức khỏe
Rau diếp là một món ăn – vị thuốc rất tốt cho sức khỏe

Tác dụng theo Y học cổ truyền

Trong Đông y, vị thuốc rau diếp, còn có tên Oa cự, nó có vị đắng, tính lạnh. Nó giúp:

  • Bổ gân cốt
  • Thông kinh mạch
  • Làm sáng mắt
  • Giúp an thần
  • Nhuận tràng
  • Chữa táo bón xuất huyết
  • Chữa tắc tia sữa
  • Trị tiểu tiện không thông, tiểu ra máu

Cách dùng dược liệu Rau diếp

Liều dùng một ngày từ 50 – 100gr. Có thể dùng dưới dạng ăn sống hoặc thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với các dạng thuốc khác

Một số bài thuốc từ Rau diếp

Bài thuốc chữa tiểu tiện không thông, tiểu ra máu

Lấy ngọn rau Diếp giã nát, nặn thành bánh rồi đắp lên rốn.

Bài thuốc chữa tắc tia sữa

Lấy 100g rau Diếp đem sắc lên, rồi thêm vào 1 chén rượu uống.

Bài thuốc chữa trĩ, lở loét, đại tiện xuất huyết

Rau diếp tươi rửa sạch 100g, Ngó sen tươi 70g, ép kiệt lấy nước, thêm Mật ong đủ ngọt, uống ngày 2 lần, dùng liên tục trong nhiều ngày. Kết hợp sắc nước, ngâm rửa chỗ bị bệnh.

Một số lưu ý khi sử dụng rau Diếp

Những đối tượng sau không nên ăn rau diếp

  • Người đang sử dụng thuốc làm đông máu có hàm lượng vitamin K cao, nếu dùng nhiều rau Diếp có thể dẫn tới tình trạng bị huyết khối
  • Phụ nữ có thai và mới sanh cũng không nên dùng rau này ăn sống vì rau này nếu rửa không kĩ sẽ có hàm lượng lớn vi khuẩn, kí sinh trùng,… gây hại cho mẹ và bé
  • Những người bị đau dạ dày và viêm đại tràng cũng không nên dùng, do rau sống có thể kích thích niêm mạc dạ dày và niêm mạc đại tràng.

Rau Diếp là một loại thực phẩm hết sức phổ biến và cũng rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên để phát huy hết tác dụng của nó, cần dùng đúng người, đúng bệnh. Tránh tình trạng tự ý sử dụng bừa bãi có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn.