Rượu ba kích: Thực sự là “thần dược” phái mạnh?

Từ xa xưa, ba kích nói chung và rượu ba kích nói riêng khá quen thuộc và được sử dụng rộng rãi trong Đông y. Bởi vì, chúng không chỉ có khả năng bồi bổ sức khỏe mà còn có giá trị cao trong điều trị bệnh. Vậy liệu rượu ba kích có thực sự là “thần dược” của phái mạnh? Cùng YouMed khám phá về vấn đề này nhé.

Ba kích là gì?

  • Tên gọi khác: Ba kích thiên, ruột dà, diệp liễu thảo, nhàu thuốc…
  • Tên khoa học: Morinda officinalis.
  • Họ khoa học: Thuộc chi Nhàu, họ Cà phê- Rubiaceae
  • Bộ phận thường được dùng làm vị thuốc là phần rễ (củ).

1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Đặc điểm sinh trưởng

Theo nhiều tài liều, ba kích là loài thực vật có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện nay, cây phân bố rải rác khắp thế giới, đặc biệt ở nhũng nơi có độ cao trung bình 100m so với mực nước biển. Tại Việt Nam, ba kích phổ biến ở miền núi và trung du phía Bắc như Lạng Sơn, Hà Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc,…Với mục địch chủ yếu là dùng làm dược liệu và ngâm rượu thuốc.

Thu hoạch

Hàng năm, mùa hoa nở của cây khoảng tháng 5-6. Còn mùa quả vào khoảng tháng 7-10.

Bộ phận có giá trị dược lý cao và thường được sử dụng là rễ cây. Tuy nhiên, phải đợi khoảng 3 năm sau khi trồng thì mới có thể thu hoạch vụ đầu tiên.

Thời điểm thu hoạch thích hợp là vào khoảng tháng 10. Lúc này, ta đào rộng xung quanh cây để lấy được toàn bộ phần rễ. Nếu rễ to, cùi dày, khỏe là loại tốt.

Ba kích là dược liệu quý, có nhiều giá trị cho sức khỏe.
Ba kích là dược liệu quý, có nhiều giá trị cho sức khỏe

2. Mô tả toàn cây ba kích

Thuộc loại thân thảo, mảnh, bao phủ bởi nhiều lông mịn. Cây có thể mọc leo thành từng bụi trong rừng.

Lá đơn, nguyên, mọc đối, sắc xanh khi non. Theo thời gian già đi, lá dần có màu trắng mốc và nâu tím khi khô. Phiến lá hình bầu dục, cứng, phía đuôi có hình tròn hoặc hình tim.

Hoa có kích thước nhỏ, mọc thành tán ở đầu cành. Lúc non hoa mang sắc trắng, về sau chuyển vàng dần. Đài hoa hình chén gồm những lá đài nhỏ, kích thước không đều nhau. Còn tràng hoa dính liền nhau ở dưới, tạo thành ống ngắn.

Quả hình cầu, phủ lông tơ mỏng, khi chín mang sắc đỏ.

Phần rễ (củ) có vỏ ngoài màu nâu hoặc hồng nhạt và vân dọc, dễ bóc. Kích thước dạng trụ tròn, độ dài không cố định với đường kính trung bình khoảng 1 cm. Chất phần rễ khá cứng, dày,

Bên trong có thịt sắc hồng, trắng hoặc tím, giữa có lõi nâu vàng. Vị ngọt nhẹ, hơi chát và hầu như không có mùi.

3. Phân biệt các loại ba kích, loại nào tốt hơn?

Như đã trình bày, bộ phận có giá trị dược lý cao nhất của ba kích là rễ (củ). Thế nhưng, hiện nay, trên thị trường, ba kích có khá nhiều loại khác nhau. Vậy chúng được phân loại ra sao và sử dụng loại nào tốt hơn? Dưới đây, là các loại phổ biến mà bạn có thể gặp:

Ba kích trắng

Loại này có phần vỏ màu vàng nhạt và thịt bên trong là màu trắng. Khi ngâm với rượu gần như sẽ không đổi màu mà giữ sắc trong/đục của rượu ban đầu. Hầu như loại này ít được ưa chuộng hơn bởi hiệu quả không bằng ba kích tím. Tuy nhiên, bởi giá thành rẻ hơn và khá dễ tìm (chiếm hơn 80% trong tự nhiên) nên hiện tại không ít người vẫn đang sử dụng.

Ba kích tím

Quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy sự khác nhau rõ ràng của ba kích tím với loại trên. Bởi vỏ sắc sậm hơn và phần thịt bên trong có màu tím hay ánh tím. Sau một thời gian ngâm rượu sẽ tạo ra dung dịch sắc tím đẹp mắt và có giá trị cao. Theo dân gian, loại này có nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe hơn, nên chúng khá được ưa thích. Thế nhưng, trong tự nhiên, loại này chỉ chiếm dưới 20% nên giá thành sẽ theo đó mà mắc hơn.

Theo dân gian, ba kích tím có giá trị dược lý cao hơn loại ba kích trắng.
Theo dân gian, ba kích tím có giá trị dược lý cao hơn loại ba kích trắng

Cách ngâm rượu ba kích

Thực tế, có nhiều cách để sử dụng và bào chế dược liệu ba kích. Trong đó, đơn giản và hữu ích hơn cả đó chính là rượu ba kích, nghĩa là đem vị thuốc ngâm vào dung môi rượu thích hợp để uống.

1. Chuẩn bị và sơ chế

Ba kích

Dùng phần củ ba kích sau khi thu hoạch và đã loại bỏ rễ con xung quanh. Sau đó đem đi phơi hoặc sấy khô, để kéo dài thời gian bảo quản.

Đặc biệt, theo dân gian, trước khi ngâm nên loại bỏ phần lõi gỗ ở giữa củ. Nguyên nhân bởi chúng khá khô và dai và hầu như không có dược tính hay chất dinh dưỡng có lợi nào. Đồng thời do có vị chát nên dễ ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị rượu thành phẩm. Có khá nhiều cách để rút lõi ba kích như:

  • Dùng tay hay dao cắt dọc củ làm 2 phần rồi kéo lõi về 2 phía dễ dàng.
  • Hoặc đập dập nhẹ phần củ, như vậy thì phần thịt và lõi sẽ tự tách rời nhau ra.
  • Hoặc trong công nghiệp, để tăng năng suất, người ta dùng phương pháp hấp nóng, làm dược liệu mềm ra. Như vậy vừa tiết kiệm được công sức mà vẫn có lượng thành phẩm cao.

Tiếp theo đem cắt thành từng đoạn ngắn khoảng 5 cm, có thể sao qua lửa nhỏ để tăng thêm mùi thơm.

Rượu

Nên chọn rượu nếp trắng hay rượu gạo trong khoảng 40-45 độ. Càng nguyên chất và để lâu ngày càng tốt.

Dụng cụ đựng rượu

Nên chọn dạng bình trong suốt như bình thủy tinh để vừa theo dõi dễ dàng sự thay đổi màu rượu đồng thời đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Không nên sử dụng dạng bình nhựa hoặc kim loại bởi sẽ có thể tạo ra các chất có hại.

2. Cách ngâm rượu ba kích

Trong dân gian đã ghi nhận tỉ lệ tương đối giữa các chất để tạo ra sản phẩm rượu ba kích, với hương vị ngon là:

  • 1 kg ba kích tươi với 5 lít rượu.
  • 1 kg ba kích khô với 8 lít rượu.

Đầu tiên tráng bình bằng rượu rồi cho ba kích vào bên trong bình chứa. Tiếp tục đổ rượu vào theo tỉ lệ rồi đậy kín nắp bình, sao cho rượu hạn chế bay hơi.

Bên cạnh việc chỉ ngâm duy nhất ba kích với rượu, nhân dân ta còn kết hợp chung với các vị dược liệu khác để nâng cao hiệu quả trị bệnh như: dâm dương hoắc, bạch tật lê, sa sâm, câu kỷ tử, đỗ trọng…

3. Hương vị, màu sắc rượu

Tùy thuộc vào loại ba kích sử dụng mà, sau khoảng thời gian (nửa tháng) thì dung dịch sẽ chuyển màu. Nếu là loại ba kích tím thì dung dịch rượu sẽ có sắc tím đậm đặc trưng, ngược lại nếu là loại trắng thì hỗn hợp hầu như không đổi màu ban đầu hoặc có ánh tím nhẹ.

Hầu hết những thực khách khi thưởng thức rượu ba kích đều đánh giá khá cao hương vị của loại rượu này. Chúng phảng phất hương thơm đặc trưng từ tinh dầu của ba kích hòa với mùi rượu ngon, vị ngọt, dễ sử dụng.

4. Bao lâu thì có thể sử dụng rượu ba kích?

Có thể nói rằng, với bất cứ loại rượu nào khi được ngâm càng lâu thì càng bổ dưỡng và hương vị càng thơm ngon. Một số tài liệu ghi nhận, sau 1 tháng ngâm là ta có thể thưởng thức chúng. Tuy nhiên, tốt nhất nên giữ khoảng 3 tháng để rượu đạt chất lượng.

5. Rượu ba kích bảo quản như thế nào?

Rượu là vừa là dung môi, chất dẫn thuốc vừa có khả năng bảo quản tuyệt vời. Chính vì vậy, hầu như không cần sử dụng phương pháp bảo quản rượu ba kích đặc biệt nào. Cần chọn bình chứa tốt và bền, đặt nơi thoáng mát, khô ráo là có thể sử dụng lâu dài.

Thành phần hóa học của rượu ba kích

Theo các tài liệu, ba kích có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:

  • Đường (fructose, glucose, sucrose), nhựa, tinh dầu, acid hữu cơ…
  • Anthraquinon, choline, quercetin, luteolin, antraglycozid, các sterol (β-sitosterol, oxositosterol).
  • Các vitamin B1, vitamin C.
  • Muối vô cơ của K, Na, Mg, Cu, Fe…và các hợp chất iridoid.

Tác dụng Y học của rượu ba kích

Hỗ trợ chức năng sinh lý cho phái mạnh

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, hoạt chất anthraglycosid, sắt, kẽm… từ ba kích thực sự có hiệu quả đối với sức khỏe sinh lý nam giới. Dù không giúp làm tăng số lượng tinh trùng và thay đổi tinh dịch đồ, nhưng chúng chứa thành phần có khả năng bảo vệ DNA của tinh trùng không bị phá hủy trước các yếu tố bất lợi.

Vì vậy, vị thuốc thích hợp cho các trường hợp cần hỗ trợ rối loạn cương dương hay suy nhược thể lực. Tuy nhiên, các trường hợp tinh dịch ít, không có tinh trùng khi xuất tinh, sử dụng ba kích chưa thấy hiệu quả.

Rượu ba kích có khả năng hỗ trợ sinh lý nam giới, cải thiện các rối loạn cương dương
Rượu ba kích có khả năng hỗ trợ sinh lý nam giới, cải thiện các rối loạn cương dương

Tác dụng hệ nội tiết và tăng sự dẻo dai

Một số nghiên cứu ghi nhận trên chuột nhắt cho thấy rằng vị thuốc làm tăng sức dẻo dai cũng như thúc đẩy quá trình sản sinh androgen-một hormone điều chỉnh sự phát triển và duy trì đặc tính nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người về vấn đề này vẫn còn hạn chế, cần được mở rộng thêm.

Kháng viêm, giảm sưng

Theo Trung dược học, thí nghiệm trên chuột cho thấy rằng ba kích có khả năng chống viêm rõ rệt. Ngoài ra, vitamin C trong dược liệu còn hỗ trợ chống oxy hóa, tạo ra collagen và các mô liên kết mới, từ đó vết thương nhanh lành hơn.

Hỗ trợ hệ miễn dịch, mạnh cơ thể

Nhờ chứa nhiều vitamin và các khoáng chất mà dược liệu hỗ trợ tạo hàng rào bảo vệ cơ thể với các yếu tố bất lợi khác từ môi trường bên ngoài. Điều này đã được ghi nhận trong các thí nghiệm trên chuột, ba kích tăng sức mạnh, độ dẻo dai và tăng sức đề kháng với độc chất. Bên cạnh đó, vitamin B1 có trong vị thuốc giúp cơ thể mạnh mẽ hơn, tràn đầy năng lượng cho các hoạt động.

Hỗ trợ bệnh lý tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp, cũng như là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Giảm huyết áp là tác dụng vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu của ba kích. Thế nhưng, bước đầu đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan, khi nước sắc ba kích có khả năng làm giảm huyết áp trên chuột thí nghiệm (theo Trung dược học).

Mạnh gân cốt, hỗ trợ làm chậm quá trình loãng xương

Hợp chất choline và anthraquinone được cho là có khả năng hỗ trợ xương khớp mạnh mẽ. Cụ thể, các hoạt chất này làm chậm quá trình loãng xương, mạnh hệ xương khớp. Từ đó, các vấn đề đau khớp, tê bì chân tay… được cải thiện khá đáng kể.

Kích thích tiêu hóa, hỗ trợ tinh thần

Rượu ba kích nếu được sử dụng với liều lượng hợp lí sẽ tăng cường hệ tiêu hóa, kích thích ngon miệng hơn bởi chúng cung cấp chất vi sinh thông qua quá trình lên men. Bên cạnh đó, men rượu cũng làm cho con người hưng phấn và tinh thần mạnh mẽ hơn.

Tác dụng Y học cổ truyền

Ba kích

  • Tính vị: Vị cay, ngọt, tính ấm.
  • Quy kinh: Kinh Can, Thận.

Rượu

Theo Y học cổ truyền, rượu mang tính nhiệt, vị cay nóng, dẫn thuốc đến 12 đường kinh lạc, tạng phủ, tác dụng điều hòa khí huyết, thông kinh lạc,… Bên cạnh đó, rượu còn làm chất xúc tác, làm dung môi hòa tan các chất, kích thích tiêu hóa kém và làm chất bảo quản tự nhiên.

Có thể nói rằng, rượu ba kích là sự kết hợp tuyệt vời, với các công dụng như bổ Thận, tráng dương, ích tinh, ích khí, mạnh gân cốt, trừ phong thấp,… Chính vì vậy mà sản phẩm này phù hợp trên các đối tượng gặp vấn đề như di tinh, mộng tinh, liệt dương, xuất tinh sớm, ăn uống không ngon miệng, phụ nữ kinh nguyệt không đều…

Cách sử dụng rượu ba kích

Để có thể phát huy kết quả cao và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn thì rượu ba kích cần được sử dụng với liều lượng thích hợp.

Theo các tài liệu thì mỗi ngày dùng khoảng 4-10g ba kích độc vị. Riêng rượu ba kích thì chỉ nên dùng khoảng 2 lần/ngày, với khoảng 30 ml/lần, đặc biệt nên dùng sau bữa ăn.

Dù có hiệu quả tốt cho sức khỏe, ,nhưng không nên uống quá nhiều rượu ba kích.
Dù có hiệu quả tốt cho sức khỏe nhưng không nên uống quá nhiều rượu ba kích

Một số lưu ý khi sử dụng rượu ba kích

Dù tốt cho sức khỏe, thế nhưng một số đối tượng không nên sử dụng rượu ba kích. Cụ thể là:

  • Người dị ứng và mẫn cảm với bất kỳ thành phần, hoạt chất nào có trong thành phẩm.
  • Do ba kích chứa hoạt chất thức đẩy sự co bóp tử cung nên phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ nhỏ không nên sử dụng.
  • Người âm hư hỏa vượng, với các triệu chứng nóng trong người, táo bón, miệng khô khát nước, tiểu tiện không thông, suy nhược cơ thể nặng…
  • Các đối tượng có tổn thương thực thể ở các cơ quan như gan, thận…

Như vậy, không ai có thể phủ nhận những lợi ích tuyệt vời mà rượu ba kích đem lại cho sức khỏe con người nói chung và phái mạnh nói riêng. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, ta nên sử dụng rượu với liều lượng hợp lí và hãy tham khảo ý kiến của người có chuyên môn nếu có bất cứ thắc mắc nào nhé.