Sâm cau: Dược liệu dành cho sức khỏe phái mạnh

Sâm cau được đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc sử dụng từ rất lâu đời trong việc hỗ trợ sức khỏe phái mạnh. Ngày nay, các nước trên thế giới đang phân tích thêm những tác dụng khác của dược liệu này. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.

Sâm cau là gì?

Tên khoa học

  • Còn có tên khác là ngải cau, cồ nốc lan, nam sáng ton, soọng ca, thài léng, tiên mao.
  • Tên khoa học Curculigo orchioides Gaertn
  • Họ Thủy tiên Amaryllidaceae
  • Một số vùng dân số ít người ở nước ta dùng rễ cây này làm thuốc bổ cho nên mới gọi là sâm, lá có hình dạng giống lá cau cho nên có tên là sâm cau.

Mô tả thực vật

  • Sâm cau có thân cỏ cao khoảng 40cm hoặc hơn, thân ngầm dạng hình trụ dài. Lá hình mác hẹp hai đầu nhọn, dài từ 15 đến 40cm, rộng từ 12 đến 35 mm, cuống có thể dài 10cm, có hình dạng giống lá cau.
  • Hoa màu vàng, mọc thành cụm, không cuống trên một trục ngắn, nằm trong bẹ lá. Quả nang, thuôn dài từ 12 đến 15mm, khoảng 1 – 4 hạt phình ở đầu, phía dưới có phần phụ hình liềm.
  • Phần thân rễ chính dạng củ, cắm sâu xuống đất. Củ thường chia đốt rõ ràng, vỏ màu nâu đen, có 1 rễ chính và nhiều rễ phụ bám xung quanh, không phân nhánh.
  • Ta cần lưu ý hình dạng củ, lá để tránh nhầm lẫn với những rễ cây khác.
Tránh nhầm lẫn sâm cau với những rễ cây khác
Tránh nhầm lẫn sâm cau với những rễ cây khác

Phân bố, thu hái

  • Đây là loại cây ưa ẩm, ưa sáng và chịu bóng ít, thường mọc trên những nơi đất màu mỡ trong thung lũng, chân núi hoặc ven nương rẫy.
  • Cây sinh trưởng tốt trong mùa mưa ẩm.
  • Sâm cau mọc phổ biến ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta như Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang…đến Tây Nguyên. Còn thấy mọc cả ở Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Philippin,…

Tác dụng của Sâm cau

Thành phần hóa học của sâm cau

Trong cây chứa các thành phần hóa học khác nhau như chất nhầy, glycoside phenolic, saponin và các hợp chất béo.

Tác dụng dược lý theo Y học hiện đại

  • Ở Ấn Độ, Sâm cau là một trong những dược liệu sử dụng phổ biến. Người ta sử dụng trong các vấn đề như sinh lý nam giới, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ gan, chống oxy hóa, chống ung thư và giảm đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.
  • Chất Curculigin A trong cây giúp kích thích ham muốn tình dục, tăng tần suất, thời gian quan hệ, sinh tinh. Saponin làm tăng sản xuất nội tiết tố nam testosterone, chống co thắt, làm thư giãn cơ, tăng cường hoạt động của tế bào Leydig của tinh hoàn sản xuất ra testosterone trong cơ thể làm tăng nồng độ testosterone một cách tự nhiên. Đồng thời giúp chống lại những bất thường về tinh trùng như: tinh trùng yếu, chưa hoàn thiện, kém chuyển động v.v…
  • Cyclophosphamide (CPA) là một chất alkyl hóa được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiều loại khối u ác tính ở người, nhưng lại có tác dụng phụ trên gan, thận, niệu quản gây ra bởi các chất chuyển hóa độc hại của thuốc. Chiết xuất từ cây được phát hiện có hiệu quả trong việc cải thiện các tác dụng phụ do CPA gây ra.
  • Sâm cau rất giàu chất phytochemical như flavonoid và polyphenol. Flavonoid và polyphenol được chứng minh là có tác dụng bảo vệ thần kinh.

Tác dụng dược lý theo Y học cổ truyền

  • Sâm cau được đồng bào miền núi phía Bắc sử dụng để chữa đau lưng, thần kinh suy nhược, liệt dương.
  • Ngoài ra, người ta còn chữa ho, trĩ, vàng da, đi cầu lỏng, đau bụng, lậu. Dùng ngoài để trị ghẻ lở.

Cách sử dụng Sâm cau

Người ta đào rễ mang về rửa sạch, thái mỏng phơi hoặc sấy khô làm thuốc.

Các bài thuốc từ Sâm cau

  • Liều dùng: Mỗi ngày uống 6 – 12 gram dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
  • Dùng ngoài: rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, thấm vào gạc sạch, đắp lên nơi bị ghẻ lở trong 1 giờ.
  • Ngâm rượu: dùng sâm cau thái mỏng, sao vàng 50 gram, rượu trắng 650ml. Ngâm trong vòng 1 tuần hoặc hơn. Mỗi ngày uống hai lần, vào trước bữa ăn chính, mỗi lần 1 ly nhỏ. Có tác dụng chữa đau lưng, thần kinh suy nhược, liệt dương.

Kiêng kỵ

  • Sâm cau nếu dùng liều cao trong thời gian dài sẽ gây cường dương mạnh, dẫn tới hao tổn tinh lực.
  • Những người có thể trạng âm hư hỏa vượng (người gầy, da khô, lòng bàn tay bàn chân ấm, thường sốt nhẹ vào buổi chiều, ra mồ hôi trộm, đại tiện táo, tiểu tiện vàng đỏ, nóng bứt rứt trong người, phiền muộn…) nên kiêng dùng.

Sâm cau là một vị thuốc có nhiều lợi ích trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên, ta cần lưu ý, phân biệt, tránh mua nhầm. Ngoài ra, quý bạn đọc cần tham vấn ý kiến bác sĩ để sử dụng dược liệu hiệu quả nhất.