Táo ta: Vừa là trái cây để ăn vừa là một vị thuốc quý

Táo ta là một loại trái cây ngon nhiều chất bổ dưỡng nhưng ít ai biết rằng nó còn là một vị thuốc quý chữa rất nhiều bệnh. Hạt táo ta hay gọi là toan táo nhân là vị thuốc được sử dụng rất nhiều để chữa các bệnh như mất ngủ, ra mồ hôi trôm, suy nhược thần kinh,…Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của vị thuốc này

Táo ta là gì?

Danh pháp

Tên thường gọi: Táo chua, táo nhục, mắc tảo (Tày)

Tên khoa học: Zizyphus mauritiana Lamk

Họ: Táo ta (Rhamnaceae)

Mô tả cây

Là cây cao thân gỗ cao 6 – 8m, thân có vỏ nứt nẻ. Cành mọc ngang, cành non có hình trụ có lớp lông mềm và dày, cành già có màu xám đen nhạt và nhẵn, có gai mọc đơn độc thẳng, hoặc những cặp gai ngắn và cong.

Lá mọc kiểu so le, có hình bầu dục hoặc trái xoan kích thước từ 2,5 – 7 cm, rộng từ 1,5 đến 5,5 cm. Mặt trên của lá nhẵn có màu xanh lục sẫm, mặt dưới có lông dày màu hung nhạt, là mép khía răng cưa có 3 gân ở gốc, nổi rõ ở mặt dưới, cuống dài 7 đến 10mm.

Có cụm hoa là 1 xim mọc ở kẽ lá, màu trắng nhạt, đài 5 hình tam giác, có lông ở mặt ngoài, nhẵn ở mặt trong. Tràng 5 cánh hoa có hình bầu dục, mép gập vào trong, bầu 2 ô mỗi ô có 1 noãn, nhị 5.

Quả Táo ta thuộc quả hạch, hình cầu, vỏ nhẵn, khi chín có màu vàng nhạt đến màu đỏ nâu, cùi quả dày và có nhiều nạc,hạt cứng xù xì.

Vào tháng 6 đến tháng 8 là mùa ra hoa ra quả.

Hiện nay cây đã được trồng nhiều nơi ở nước ta và có đa dạng về kích thước về hình dạng quả và lá.

Cây táo ta
Quả táo ta hình cầu, vỏ nhẵn, khi chín hơi vàng

Phân bố, thu hái

Táo ta có nguồn gốc sống từ vùng nhiệt đới ở Châu Phi, về sau cây được trồng rộng rãi ở nhiều nước có khí hậu nhiệt đới khác như các nước vùng Đông Nam Á, khối Ả Rập đến Ấn Độ.

Ở Việt Nam táo ta được trồng nhiều nơi và mọc hoang dại, hiện nay có các giống lai tạo ghép được trồng ở phía Nam và phía Bắc.

Là cây ưa sáng và ưa ẩm, ở miền Bắc hay có hiện tượng rụng lá vào mùa đông. Táo ta sinh trưởng mạnh vào mùa có nhiều mưa ẩm. Những cây mọc hoang dại tự nhiên có khả năng chịu được khô hạn cao.

Cây ra quả hoa quả hằng năm lượng nhiều, tỷ lệ hạt nảy mầm cao, cây có khả năng tái sinh chồi mới sau khi bị chặt đốn.

Thành phần hóa học

Trong 100g phần thịt ăn được của Táo ta mọc ở Ấn Độ và Thái Lan có nước chiếm theo thứ tự là 86g và 71,5g, protein 0,8g và 0,7g, chất béo 0,1 và 1,7g, carbonhydrat 12,8g và 23,7g, Ca đều 30mg, P 30 và 30mg, Vitamin A 70 và 50 đơn vị quốc tế, VitaminC 50 – 150mg và 23g.

Trong lá táo có chứa rutin, quexetin.

Betulin, betulic acid, jujuboside, jujubogenin, ebelin lactone, một số saponin, Vitamin C và nhiều loại vitamin khác.

Cách sử dụng Táo ta

Thường lấy quả ăn. Vào tháng 2 đến tháng 3 hái quả về bỏ thịt lấy hạch xay giã ra được nhân đem phơi sấy khô hoặc sao đen gọi là  toan táo nhân lấy làm thuốc.

Liều dùng toan táo nhân thường 10 – 18g, có thể dùng tán bột, hòa với nước uống trước khi ngủ mỗi lần 1,3 – 3g. Toan táo nhân thường dùng phối với các vị thuốc khác trong bào thuốc.

Toan táo nhân vị thuốc chữa an thần mất ngủ
Toan táo nhân vị thuốc chữa an thần, mất ngủ

Tác dụng của Táo ta

Hạt táo ta là vị thuốc có rất nhiều công dụng được goi là toan táo nhân.

Tác dụng theo y học hiện đại

Có tác dụng an thần gây ngủ, suy nhược thần kinh, thành phần có tác dụng là saponin của táo nhân

Tác dụng giảm đau và hạ sốt, kháng với chứng co giật.

Thành phần hòa tan trong nước của táo nhân có tác dụng hưng phấn tử cung, vậy nên ở phụ nữ có thai nên thận trọng khi dung.

Thuốc có tác dụng hạ áp và chống các bệnh lý rối loạn nhịp tim.

Táo nhân phối hợp dùng với Ngũ vị tử có tác dụng chống choáng bỏng, và giảm phù nề vùng bị bỏng.

Tác dụng theo y học cổ truyền

Toan táo nhân có vị chua, ngọt tính bình. Quy kinh Can, Tâm, Tỳ

Chủ trị các bệnh lý huyết hư tâm phiền, dưỡng Can định tâm an thần mất ngủ, các chứng đổ mồ hôi ( đạo hãn và tự hãn).

Các bài thuốc từ Táo ta

Chữa các bệnh thần kinh suy nhược: Hay hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, ra nhiều mồ hôi, bứt rứt hồi hộp, bào thuốc có tác dụng dưỡng tâm an thần

  • Toan táo nhân thang: Táo nhân sao đen 15 – 20g, Bạch phục linh, Tri mẫu mỗi vị 12g, Xuyên khung, Cam thảo mỗi vị từ 6 – 8g sắc uống
  • Táo nhân sao 16g, chích Viễn chí, Thạch xương bồ mỗi vị đều 8g, Đảng sâm 12g, Phục linh12g, Cam thảo 4g. Trị hay quên, đêm ngủ mơ mộng mị nhiều, ăn uống kém mệt mỏi.

Chữa chứng hay hồi hộp, lo lắng bồn chồn, hoảng hốt, ngủ hay mê nói sảng

Toan táo nhân sao đen 6g, thảo quyết minh 12g, mạch môn 12g, sinh địa 12g, lông nhãn 12g, hạt sen 12g sắc nước uống hoặc làm hoàn viên để uống.

Trị chứng âm hư ra mồ hôi trộm

  • Táo nhân sao 20g, Phục linh, Đảng sâm mỗi vị 12g uống với nước cơm, sắc uống hoặc tán bột.
  • Táo nhân sao, can địa hoàng mỗi vị 20g, gạo tấm 20g, sắc uống trị bệnh lao phổi, mất ngủ đêm đổ mồ hôi trộm nhiều.

Chữa bệnh hen

Lấy lá táo sao vàng lượng khoảng 200 – 300g, đổ 3 bát nước vào sắc còn 1 bát, chia 2 lần uống trước bữa ăn 1 giờ, uống liên tục 1 tuần cho đến 2 tháng.

Chữa bệnh ho gà

Lá táo 300g, lá dâu 200g, lá chanh 300g đem phơi khô và tán thành bột mịn, luyện với mật ong làm thành hoàn bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 40 – 60 viên, chia làm 2 lần.

Táo ta ngoài được biết là một trái cây bổ dưỡng để ăn, nó còn được biết đến là một vị thuốc quý chữa rất nhiều bệnh. Đặc biệt là hạt của táo ta (toan táo nhân) dùng làm thuốc chữa các bệnh lý mất ngủ an thần rất hay. Tuy nhiên bạn cần phải tham vấn bác sĩ về chuyên môn và cách dùng để đạt hiệu quả cao. YouMed luôn đồng hành cùng bạn!