Những tác dụng chữa bệnh từ Thạch lựu mà bạn nên biết

Cây lựu hay còn gọi là Thạch lựu được biết đến nhiều như một loại trái cây ngon miệng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết đến các giá trị trong y học của nó. Hãy cùng Youmed tìm hiểu về các tác dụng của Thạch lựu.

Thạch lựu là cây gì ?

Tên gọi

Tên khoa học: Punica granatum L . thuộc họ Lựu ( Punicaceae)

Tên gọi khác: Bạch lựu, Tháp lựu, lựu chùa Tháp

Mô tả Thạch lựu

Cây lựu thuộc loại thực vật thân gỗ nhỏ, cao chừng 3-4m, có khi có gai. Lá lựu dài, mềm, mỏng, lá đơn. Hoa lựu thường nở vào mùa hạ có màu đỏ tươi hoặc màu trắng, hoa mọc riêng lẻ hoặc từng sim, mỗi sim độ 3 hoa.

Quả lựu to, ăn được, thuộc loại quả mọng, phía đầu quả còn tồn tại  4-5 lá đài. Vỏ dày, bên ngoài sắc lục, khi chín lại có màu vàng đỏ lốm đốm. Trong quả có 8 ngăn xếp thành 2 tầng, tầng trên có 5 ngăn tầng dưới có 3 ngăn. Các ngăn được phân cách bởi các màng mỏng, bên trong chứa rất nhiều hạt, số lượng hạt có thể thay đổi từ 200 đến khoảng 1400 hạt.  Hạt lựu hình 5 cạnh, nhiều nước, sắc hồng trắng.

Quả lựu là loại quả mọng, có nhiều hạt
Quả lựu là loại quả mọng, có nhiều hạt

Phân bố

Lựu có khả năng chịu hạn tốt và chịu sương giá vừa phải. Vì vậy nó thường được trồng ở những vùng khô hạn với khí hậu mưa mùa đông hoặc mưa mùa hè như Địa Trung Hải. Ở nước ta, cây lựu được trồng khắp nơi để làm cảnh cũng như dùng để lấy quả. Cây được trồng bằng cách giâm cành.

Bộ phận dùng, thu hái Thạch lựu

Trong YHCT, thường sử dụng vỏ quả lựu để làm thuốc và gọi là thạch lựu bì. Tuy nhiên vỏ thân, vỏ rễ, hoa, thịt quả cũng được dùng tùy theo mục đích sử dụng

Thu hái vỏ rễ, vỏ thân quanh năm. Hoa quả thu hái vào tháng 6-7

Thạch lựu bì có tác dụng cầm tiêu chảy
Vỏ quả lựu có tác dụng cầm tiêu chảy

Thành phần hóa học

Vỏ rễ chứa hàm lượng tanin cao (2%), 0,5-0,7% alkaloid toàn phần trong đó có pelletierin, isopelletierin, metyl pelletierin và pseudopelletierin. Isopelletierin là alkaloid có các hoạt tính trị giun cao. Vỏ thân cũng chứa pelletierin và các alkaloid khác nhưng hàm lượng thấp hơn, còn có acid betulic và 3 chất base khác. Vỏ quả chứa nhiều polyphenol, tannin cô đặc, catechin, prodelphinidin, granatin, acid beturic, acid ursolic và isoquercetin.

Dịch quả chứa acid citric, acid malic, các chất đường, glucose, fructose, maltose. Trong dịch quả còn có nhiều tannin và chất màu. Màu đỏ của nước ép là do các  anthocyanin và các glycoside.

Tính vị, quy kinh

Vị chua, sáp, tính ôn. Quy kinh Vị, Đại trường

Theo sách Dược tính bản thảo: “ vị chua, không độc”

Theo sách Bản thảo cương mục: “ chua, sáp, ôn, không độc”

Theo sách Lôi công bào chế dược tính giải: “nhập 2 kinh Đại tràng, Thận”

Tác dụng của Thạch lựu

Theo y học cổ truyền

Thuốc có tác dụng sáp trường chỉ tả, sát trùng.

Vỏ quả thường dùng để điều trị các chứng tả lỵ lâu ngày,  ra huyết, băng đới, lòi dom, trị giun đũa, sán. Vỏ rễ và vỏ thân dùng trị giun và các loại sán dây ở người. Thịt  quả giúp trợ tiêu hóa, dịch quả tươi giúp hạ nhiệt giải khát.

Theo sách Trấn nam bản thảo: “trị tiêu chảy lâu ngày, sao nướng với đường cát ăn, trị lỵ có máu mủ, đại tràng chảy máu”

Theo sách Bản thảo cương mục: “chỉ tả lỵ, hạ huyết, thoát giang, băng trung đái hạ”

Theo sách Bản thảo thập di: “trị hồi trùng sắc uống”.

Theo dược lý hiện đại

Tác dụng cầm tiêu chảy

Theo các nghiên cứu dược lý hiện đại, tannin trong lựu có tác dụng làm săn da và sát khuẩn mạnh vì vậy có tác dụng cầm tiêu chảy.

Tác dụng chống kí sinh trùng

Chất peletierin và isopeletierin có tác dụng mạnh với giun móc. Chất peletierin trong vỏ rễ, vỏ thân có tác dụng độc với sán, gây tê liệt với ếch, kích thích cơ trơn và cơ vân. Với người, liều peletierin từ 0,5 -0,6g có thể gây chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, người mệt lả…. Thường phối với tannin để tránh tác dụng phụ này.

Tác dụng kháng khuẩn

Trên in vitro, thuốc có tác dụng tiêu diệt  một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, phẩy khuẩn gây thổ tả, trực khuẩn kiết lỵ, lao và nhiều loại nấm. Ngoài ra, dịch chiết từ Thạch lựu còn cho thấy tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn và nấm  gây viêm miêng trong các bệnh nha chu hoặc có liên quan đến nấm Candida.

Tác dụng chống oxy hóa

Những phát hiện gần đây cho thấy vai trò của stress oxy hóa tạo ra các chất chuyển hóa độc hại có thể khởi phát và thúc đẩy ung thư. Các nghiên cứu thực nghiệm chứng minh các hoạt động chống oxy hóa từ các hợp chất trong dịch ép từ hạt và vỏ quả thạch lựu có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt, ung thư biểu mô tuyến trực tràng, ung thư vú, ung thư phổi thông qua nhiều con đường tín hiệu khác nhau.

Tác dụng kháng viêm

Thạch lựu có tác dụng chống viêm theo con đường ức chế sự biểu hiện men cyclooxygenase (COX) và lipooxygenase (LOX), là những chất trung gian gây viêm. Đã có nghiên cứu được báo cáo về khả năng này của Thạch lựu đối với các tình trạng viêm xương khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm đại tràng.

Tác dụng hạ lipid máu

Thạch lựu cũng  đã được chứng minh là có tác dụng chống xơ vữa động mạch, làm giảm sự hấp thu lipid vào tim và hệ tuần hoàn. Một con đường khác để làm giảm mức cholesterol trong máu  là giảm hấp thụ và tăng bài tiết cholesterol qua phân cũng được tìm thấy ở thạch lựu.

Ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch

 Đã có nghiên cứu chứng minh rằng  Thạch lựu có tác dụng chống tăng huyết áp thoog qua con đường ức chế men chuyển angiotensin II trong huyết thanh (ACE) . Từ đó làm giảm huyết áp tâm thu, giảm nguy cơ gây thiếu máu cục bộ cơ tim và cải thiện tưới máu ở tim.

Một số tác dụng khác

Thạch lựu còn có tác dụng bảo vệ da tránh khỏi những tổn thương do tia UV gây ra. Chống các rối loạn cương dương, làm tăng mật độ tế bào sinh tinh trùng. Bảo vệ tế bào thần kinh trong tình trạng thiếu oxy máu não và phòng ngừa bệnh lý Alzheimer.

Một số bài thuốc kinh nghiệm

Trị tả lỵ lâu ngày không khỏi: biến chứng sa trực tràng

  • Thạch lựu bì 15g sắc lấy nước gia với đường đỏ lượng vừa đủ, uống lúc nóng
  • Hoàng liên thang: thạch lựu bì , A dao (hòa uống), đương quy 10g, hoàng liên 5g, hoàng bá 5g, can khương 5g, cam thảo 4g sắc uống

Trị bỏng lửa

  • Thạch lựu bì 500g cho nước sắc còn 250ml lọc qua vải, sau đó nhúng thuốc vào gạo vô trùng rồi đắp vào chỗ bỏng. Phương pháp đã được ứng dụng ở các ca bỏng độ I, II.

Trị giun đũa, giun kim

  • Binh lang tán: Binh lang 15g, Thạch lựu bì 5g, sắc nước uống trị được giun chỉ
  • Thạch lựu bì 10g, Sử quân tử 15g, Bình lang 10g, Quán chúng 10g sắc uống trị giun kim

Trị sán

  • Pha 60g vỏ lựu khô với 750g nước cất. Ngâm trong 6 giờ, sắc còn 500ml gạn và lọc. Uống thuốc vào buổi sáng, chia làm 2-3 lần, mỗi lần các nhau 30 phút. Sau 2 giờ kể từ lúc uống liều cuối thì uống thêm 1 liều thuốc tẩy xổ. Khi uống thuốc cần nằm nghỉ ngơi ( theo dược thư Pháp)
  • Vỏ rễ lựu 4g, Đại hoàng 4g, Binh lang 4g, nước 750ml. Sắc còn 300ml. Tối hôm trước nhịn đói, sáng hôm sau chia thuốc thàng 2-3 phần uống. Khi uống thuốc cần nằm nghỉ. Khi đi tiêu cần nhúng hẳn mông vào chậu nước ấm cho sán ra hết

Cách sử dụng Thạch lựu

Chế biến, bảo quản

Sau khi đào rễ về rửa sạch bóc vỏ, lấy vỏ bỏ lõi, phơi hoặc sấy khô. Vỏ quả lấy khi còn tươi, bỏ màng trong thái mỏng, sấy khô. Khi dùng vỏ khô thì rửa sạch cạo bỏ màng trong, đồ cho mềm rồi thái mỏng, sao qua.

Bảo quản nơi khô ráo, không để lâu quá 2 năm.

Cách sử dụng

Liều thường dùng: uống 3-10g

Với chứng tả lỵ mới phát không dùng độc vị Thạch lựu mà nên phối hợp thêm nhiều vị khác.

Lưu ý khi dùng Thạch lựu

Không dùng cho người suy nhược, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai\

Kết luận

Thạch lựu là loại quả có nhiều công dụng. Các bộ phận của cây có nhiều tác dụng dược lý khác nhau. Bên cạnh tác dụng cầm tiêu chảy, chữa giun sán đã biết từ lâu. Các tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa sự phát triển các loại ung thư, ổn định lipid máu, kháng khuẩn, kháng viêm… của cây cũng đang rất được quan tâm. Trước khi sử dụng cây với mục đích làm thuốc điều trị cần tham vấn ý kiến bác sĩ để có thể sử dụng vị thuốc từ cây Thạch lựu hiệu quả và an toàn nhất.