Baclofen là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và những lưu ý

Baclofen là thuốc gì? Thuốc được bác sĩ chỉ định dùng trong các trường hợp bệnh lý nào? Dùng thế nào là đúng và những điều gì cần phải lưu ý khi sử dụng? Hãy cùng YouMed tìm hiểu và phân tích Baclofen qua bài viết dưới đây!

Tên thành phần hoạt chất: Baclofen.

Tên một số biệt dược chứa hoạt chất trên: Baclosal, Bamifen; Maxcino; Pharmaclofen; Prindax; Yylofen,…

1. Baclofen là thuốc gì?

Baclofen thuộc nhóm thuốc giãn cơ vân. Thuốc được bào chế dưới dạng:

  • Viên nén
Thuốc Baclofen dạng viên nén
Thuốc Baclofen dạng viên nén
  • Dung dịch tiêm truyền trong màng não tủy
Thuốc Baclofen dạng dung dịch tiêm truyền trong màng não tủy
Thuốc Baclofen dạng dung dịch tiêm truyền trong màng não tủy

2. Công dụng của thuốc Baclofen

Thuốc Baclofen chỉ định trong một số trường hợp:

  • Điều trị chứng co cứng và các di chứng thứ phát thuộc các rối loạn mạn tính nghiêm trọng. Có thể kế đến như là bệnh xơ cứng rải rác và các dạng khác của tổn thương tủy sống.
  • Điều trị chứng co cứng nghiêm trọng nguồn gốc tủy sống ở bệnh nhân không đáp ứng đầy đủ với liệu pháp uống bằng cách tiêm truyền trong màng não tủy (intrathecal). Và điều trị chứng co cứng khó trị thứ phát của các rối loạn mạn tính nghiêm trọng như bệnh xơ cứng rải rác và các dạng khác của bệnh cột sống. Như u cột sống, thiếu máu cục bộ tủy sống, viêm tủy ngang, thoái hoá đốt sống cổ, và bệnh tủy sống thoái hoá.

Bạn nên nhớ đây là loại thuốc bán theo đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

3. Trường hợp không nên dùng Baclofen

Thuốc Baclofen được chống chỉ định đối với bệnh nhân có tiền sử quá mẫn cảm với thuốc hoặc bất cứ thành phần nào có trong thuốc.

4. Hướng dẫn dùng thuốc Baclofen

4.1. Liều dùng

Thuốc Baclofen là thuốc được chỉ định theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ. Liều lượng cần được điều chỉnh linh hoạt và phù hợp với độ tuổi và triệu chứng bệnh. Tùy theo từng đối tượng sử dụng mà liều dùng của thuốc sẽ có sự khác nhau. Đừng quên liều trình bày dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, bạn không được tự ý dùng mà không qua sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Đối với đường uống

Liều ban đầu của thuốc baclofen là 15 mg mỗi ngày, được chia dùng 3 lần, tăng dần lên tuỳ đáp ứng. Một chế độ điều chỉnh liều được đề xuất là mỗi lần 5 mg, ngày 3 lần, dùng trong 3 ngày, tăng lên 10 mg/lần, ngày 3 lần, trong 3 ngày. Sau đó dùng như vậy tới khi đạt liều 20 mg ngày 3 lần hoặc tới khi đạt tác dụng điều trị như mong muốn. Không khuyến cáo các liều trên 80 – 100 mg mỗi ngày.

Nếu không thấy lợi ích rõ ràng trong vòng 6 tuần đầu đạt liều lượng tối đa, thì ngừng dùng thuốc dần dần.

Đối với tiêm truyền liên tục trong màng não tủy:

Bắt đầu các liều thử nghiệm ở mức 25 – 50 microgam cho trong ít nhất 1 phút. Và tăng thêm 25 microgam ở các khoảng cách không dưới 24 giờ cho tới khi đạt liều 100 microgam hoặc đạt đáp ứng dương tính trong khoảng 4 – 8 giờ. Bệnh nhân không đáp ứng với liều thử nghiệm 100 microgam được coi là không thích hợp với liệu pháp truyền trong màng não tủy.

Đối với bệnh nhân có đáp ứng dương tính kéo dài hơn 8 – 12 giờ đồng hồ thì dùng liều bằng liều thử nghiệm để tiêm truyền trong 24 giờ. Nếu đáp ứng với liều thử nghiệm kéo dài 8 – 12 giờ đồng hồ hoặc ít hơn thì dùng liều gấp đôi liều thử nghiệm. Có thể điều chỉnh liều hàng ngày nếu điều đó cần thiết. Liều duy trì có thể là từ khoảng 12 microgam đến 2 mg/ ngày, ở bệnh nhân có co cứng nguồn gốc tủy sống. Với đa số người được duy trì thỏa đáng ở 300 – 800 microgam mỗi ngày.

Ở người bệnh có co cứng nguồn gốc não, liều duy trì là khoảng từ 22 microgam đến 1,4 mg mỗi ngày, với trung bình là 276 microgam mỗi ngày ở 12 tháng và 307 microgam mỗi ngày trong 24 tháng.

4.2. Cách dùng

Cách dùng thuốc Baclofen:

Có thể dùng uống bằng cách chia nhiều lần (3 lần/ngày) trong hoặc sau bữa ăn. Đối với đường tiêm truyền cần được thực hiện bởi các nhân viên y tế. Tránh ngừng thuốc một cách quá đột ngột do nguy cơ gây triệu chứng cai thuốc.

5. Tác dụng phụ của thuốc Baclofen

cần chú ý các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Baclofen
Người dùng cần chú ý các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Baclofen

Tác dụng phụ của thuốc Baclofen có thể gặp phải là:

  • Thần kinh trung ương: Ngủ gà, choáng váng, chóng mặt, mất ngủ, rối loạn tâm thần, nói líu nhíu, mất điều hoà, giảm trương lực, mệt mỏi, lú lẫn, nhức đầu.
  • Thần kinh – cơ: Yếu và đau cơ.
  • Tim mạch: Giảm huyết áp.
  • Da: Ban.
  • Tiêu hoá: Buồn nôn, táo bón.
  • Sinh dục – tiết niệu: Đa niệu.

Nên thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

6. Tương tác thuốc khi dùng Baclofen

Không nên sử dụng thuốc Baclofen đồng thời cùng với:

  • Rượu và các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương do có thể làm tăng các tác dụng trên thần kinh trung ương của baclofen
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng do gia tăng sự yếu cơ
  • Thuốc hạ áp do làm tăng tác dụng hạ áp quá mức
  • Ibuprofen và các thuốc độc trên thận khác

7. Lưu ý khi dùng thuốc Baclofen

Một vài lưu ý khi dùng thuốc như:

  • Bệnh nhân loét dạ dày – tá tràng phải thận trọng khi dùng thuốc Baclofen.
  • Bệnh nhân có các chứng loạn tâm thần, tâm thần phân liệt hay lú lẫn phải được điều trị thận trọng hơn và dưới sự giám sát cẩn thận.
  • Nếu truyền baclofen trong màng não tủy, phải ngừng việc dùng đồng thời các thuốc khác chống co thắt uống, kể cả baclofen uống và cũng phải theo dõi bệnh nhân cẩn thận. Tránh việc giảm liều hoặc ngừng đột ngột thuốc chống co thắt dùng đồng thời.
  • Ngừng đột ngột liệu pháp baclofen uống, bất luận nguyên nhân nào, sẽ dẫn đến gặp các ảo giác và co giật. Sự dừng đột ngột các liệu pháp baclofen truyền trong màng não tủy sẽ dẫn đến co giật, thay đổi trạng thái tâm thần, sốt cao, sự co cứng trầm trọng trở lại và sự cứng đơ cơ; trong các trường hợp hiếm, đã tiến triển tới tiêu cơ vân, suy nhiều cơ quan, và tử vong.
  • Thật thận trọng nếu người dùng là trẻ em: Chưa xác định được tính an toàn của liệu pháp baclofen uống hoặc truyền trong màng não tủy ở trẻ em dưới 12 hoặc 4 tuổi.

8. Những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc Baclofen

8.1. Phụ nữ có thai và đang cho con bú

Không có nghiên cứu đầy đủ, cụ thể và có kiểm chứng về việc sử dụng thuốc baclofen ở phụ nữ mang thai. Bạn chỉ nên dùng thuốc này khi lợi ích thu được cao hơn hẳn nguy cơ có thể xảy ra đối với sức khỏe mẹ và bé.

Baclofen được phân bố trong sữa người sau khi uống; không biết thuốc có phân bố vào sữa sau khi truyền trong màng não tủy hay không. Phụ nữ dùng baclofen không nên cho con bú.

Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ thật kỹ trước khi dùng thuốc.

8.2. Người lái tàu xe hay vận hành máy móc

Baclofen có thể làm giảm sự tỉnh táo, tránh các hoạt động như vận hành máy móc hoặc lái xe
Baclofen có thể làm giảm sự tỉnh táo, tránh các hoạt động như vận hành máy móc hoặc lái xe

9. Xử lý khi dùng quá liều thuốc Baclofen

Triệu chứng

  • Uống: Nôn, mất phản xạ, ngủ gà, giảm trương lực cơ, tiết nước bọt nhiều, rối loạn điều tiết thị giác, hôn mê, ức chế hô hấp, lên cơn động kinh.
  • Tiêm truyền trong màng não tủy: Hôn mê (do dùng quá liều nặng), thường phục hồi sau khi được ngừng tiêm truyền. Các biểu hiện ít nghiêm trọng hơn có thể kể đến: Ngủ gà, choáng váng, chóng mặt, ức chế hô hấp, lên cơn động kinh, mất ý thức dẫn đến tình trạng hôn mê.

Khi gặp phải các dấu hiệu kể trên, bạn nên ngừng dùng thuốc ngay và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa xử lý kịp thời.

10. Xử lý khi quên một liều thuốc Baclofen

Nếu bạn lỡ quên dùng một liều thuốc, hãy dùng lại càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời gian quá gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp như kế hoạch. Tuyệt đối không dùng gấp đôi liều đã quy định.

11. Cách bảo quản thuốc Baclofen

Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng trực tiếp.

Lưu ý: Để xa tầm tay trẻ em và đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Qua bài viết này, YouMed đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi Thuốc Baclofen là gì, công dụng, cách sử dụng và những điều cần chú ý. Việc sử dụng thuốc cần phải có sự hướng dẫn và chỉ định từ bác sĩ điều trị. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có xảy ra bất cứ tác dụng nào không mong muốn thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết tốt nhất!