Tác dụng phụ của thuốc giảm cân có thể ảnh hưởng lên cơ thể

Thuốc giảm cân trên thị trường hiện nay có muôn hình vạn trạng. Mỗi loại thuốc đều có cơ chế tác dụng khác nhau để giảm mỡ thừa. Tuy nhiên, hiệu quả trên lâm sàng của thuốc chưa được chứng minh cụ thể.  Đồng thời, đã có xuất hiện trường hợp gặp phải những tác dụng phụ của thuốc giảm cân. Hãy cùng Youmed tìm hiểu về vấn đề này nhé!

1. Cơ chế theo từng loại của thuốc giảm cân

lam-dep
Thuốc có tác dụng giảm cân

Các loại thuốc giảm cân đều hoạt động theo cơ chế tác động trực tiếp vào hệ tiêu hóa để giảm sự hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Đồng thời, thuốc còn gây cảm giác không muốn ăn cho người sử dụng, do đó sẽ làm giảm năng lượng đưa vào trong cơ thể, từ đó làm giảm cân.

Bên cạnh việc thuốc làm hạn chế cảm giác thèm ăn, một số loại khác còn có khả năng ức chế men lipase tiêu hóa chất béo. Do đó, chất béo không hấp thu vào máu, thải mỡ thừa ra ngoài cơ thể theo đường tiêu hóa. Ngoài ra, bạn cũng có thể sẽ gặp một số tác dụng phụ của thuốc giảm cân trong thời gian sử dụng chúng.

Dưới đây là cơ chế cụ thể của một số thuốc giảm cân:

1.1. Thuốc làm no, lấp đầy ống tiêu hóa với chất độn

Thuốc chứa các chất như: Sterculia, Methycellulose… Khi uống vào, thuốc làm đầy bụng, do đó làm giảm cảm giác đói, người dùng thuốc không có cảm giác muốn ăn nữa.

Thuốc chống chỉ định trong trường hợp chứng to kết tràng, chứng hẹp đường tiêu hóa.

1.2. Thuốc làm gia tăng biến dưỡng

Đây là nội tiết tố của tuyến giáp (thyroxin) nhằm gia tăng biến dưỡng ở tế bào. Thuốc chỉ công hiệu trong trường hợp bệnh nhân béo phì do thiếu thyroxin. Sử dụng thuốc thật cẩn thận do có nguy cơ gây ức chế chức năng tuyến giáp, có hại cho tim (do thuốc làm tăng nhịp tim).

1.3. Thuốc gây chán ăn

Thuốc này có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương làm giảm cảm giác đói bụng. Đó là các thuốc chứa hoạt chất amphetamin hoặc các dẫn chất tương tự của nó như benzedrine, isoméride, adifax, pondéral, phenamin, mirapront N, didrex, anorex, tepanil,…

Người dùng thuốc khi ăn cảm thấy mất ngon và không muốn ăn, do không đủ dinh dưỡng nên sẽ gầy đi.

Thuốc chống chỉ định ở bệnh nhân mắc glaucome khép góc, bệnh tim mạch, cao huyết áp.

Thuốc được bác sĩ chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn (không dùng thuốc quá 4 tuần) đối với người bị bệnh béo phì mức độ trung bình hoặc nặng và khi chế độ ăn kiêng áp dụng không có hiệu quả. Việc sử dụng thuốc phải được theo dõi kỹ tại bệnh viện.

1.4. Thuốc giảm hấp thụ chất béo

Đây là thuốc ức chế hoạt tính của men lipase ở ruột, vì vậy sẽ làm giảm sự hấp thu chất béo từ ruột vào trong máu.

1.5. Thuốc giảm cân Đông y

Các thuốc giảm cân Đông y thường chứa những dược liệu gây nhuận tràng, lợi tiểu. Bạn cần thận trọng với các thuốc Đông y gia truyền không rõ nguồn gốc.

2. Những tác dụng phụ của thuốc giảm cân

Thành phần thuốc giảm cân thường có hoạt chất chống trầm cảm, giải lo âu và các chất kích thích. Sự kết hợp này dễ dàng khiến bạn trở nên “nghiện” nếu uống nhiều trong thời gian dài. Khi không dùng thuốc nữa, người sử dụng sẽ có tâm trạng chán nản và muốn tự tử. Một số tác dụng phụ của thuốc giảm cân mà bạn có thể gặp phải như:

2.1. Vấn đề về tim mạch

lam-dep
Thuốc giảm cân ảnh hưởng đến tim mạch

Các thuốc gây giảm cảm giác chán ăn thường chứa những chất kích thích thần kinh. Những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp và bệnh lý tăng nhãn áp tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc này vì có thể dẫn đến tình trạng suy tim, mù mắt,…

Một số tác dụng phụ của thuốc giảm cân bạn có thể gặp phải khi sử dụng như::

  • Đánh trống ngực
  • Huyết áp cao
  • Thở nhanh
  • Đau tim
  • Đột quỵ
  • Co giật

Trước khi bị FDA cấm sử dụng vào năm 2004, nhiều thuốc giảm cân còn có chứa chất ephedra. Đây là một chất kích thích có nguồn gốc từ thảo dược, cực kỳ nguy hiểm khi sử dụng. Nó có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ và thậm chí tử vong. Hiện nay, dù đã bị cấm nhưng rất nhiều loại thuốc giảm cân kém chất lượng trên thị trường vẫn chứa thành phần này. Do đó, khi bạn có ý định sử dụng thuốc giảm cân, cần chọn lựa loại thuốc có nguồn gốc và xuất xứ thật rõ ràng.

2.2. Gây nghiện

Đây được coi là một trong những tác dụng phụ của thuốc giảm cân ít người biết để đề phòng khi sử dụng. Nguyên nhân thường nằm ở thành phần hoạt chất amphetamine. Nhiều loại thuốc giảm cân có chứa hoặc có nguồn gốc từ thành phần này đều đi kèm với những hướng dẫn nghiêm ngặt về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.

Nếu lạm dụng trong thời gian dài, bạn không chỉ phụ thuộc vào nó mà còn bắt đầu cần uống nhiều hơn để đạt được hiệu quả như trước đây. Một số người bị “nghiện” thuốc giảm cân còn có thể tìm và sử dụng các chất kích thích mạnh hơn, nguy hiểm hơn như methamphetamine hay cocaine.

2.3. Chứng mất ngủ

tac-dung-phu-cua-thuoc-giam-can
Thuốc giảm cân gây rối loạn giấc ngủ

Các chất kích thích có trong một số loại thuốc giảm cân có thể giúp cung cấp nhiều năng lượng cho bạn và làm gia tăng quá trình trao đổi chất. Tuy nhiên, cũng giống như khi bạn uống quá nhiều cà phê hoặc thuốc tăng lực, việc sử dụng thuốc giảm cân có thể dẫn đến các vấn đề về rối loạn giấc ngủ.

Năng lượng tăng cao và tim đập nhanh có thể khiến bạn cảm thấy kích thích, từ đó khó đi vào giấc ngủ và ngủ không sâu. Chứng mất ngủ này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ra các vấn đề như:

  • Sự uể oải vào ban ngày
  • Cảm giác khó chịu, chán nản và cáu kỉnh
  • Tăng cảm giác ngon miệng và làm bạn muốn ăn nhiều hơn
  • Mong muốn sử dụng thêm thuốc giảm cân để nhanh chóng đạt hiệu quả

2.4. Vấn đề về hệ tiêu hóa

Đây là tác dụng phụ của thuốc giảm cân thường thấy. Lý do là vì một số loại thuốc giảm cân hoạt động bằng cách ngăn chặn hoặc giảm thiểu tối đa sự hấp thu chất béo vào cơ thể. Từ đó làm thay đổi quá trình tiêu hóa, gây ra một loạt các tác dụng phụ như:

  • Cảm giác đầy hơi, chướng bụng
  • Đại tiện không tự chủ
  • Táo bón
  • Co thắt dạ dày
  • Bệnh tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Nôn

2.5. Ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt

Trong cơ thể nữ giới, chất béo có tầm ảnh hưởng ít hay nhiều đến sự điều hòa kinh nguyệt. Việc uống thuốc giảm cân có ảnh hưởng đến kinh nguyệt như:

  • Chậm kinh hoặc tắc kinh: Việc dùng kéo dài thuốc giảm cân và không theo liều lượng nhất định dễ làm thay đổi nội tiết tố cơ thể, làm rối loạn kinh nguyệt điển hình là chứng chậm kinh hoặc tắc kinh.
  • Vô kinh kéo dài: Thuốc giảm cân làm ảnh hưởng tới sự cân bằng những hóc-môn trong cơ thể, đặc biệt là progesterone và estrogen. Điều này dễ dẫn đến chứng vô kinh kéo dài.
  • Rong kinh: Một số thuốc giảm cân có tác dụng như thuốc xổ, thuốc nhuận tràng, gây tiêu tiểu nhiều, làm cơ thể mất nước để giảm cân. Một khi cơ thể mất nước quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt (như rong kinh).

3. Khuyến cáo của Bác sĩ về việc uống thuốc giảm cân

Trước tình trạng thị trường các sản phẩm giảm cân đang tràn lan, rất khó kiểm soát như ở Việt Nam, khi quyết định sử dụng bất kỳ một loại sản phẩm giảm cân nào, trước hết bạn cần tìm hiểm thật kỹ các thông tin quan trọng của thuốc như:

  • Thành phần, cơ chế tác dụng
  • Nhà sản xuất – phân phối
  • Có được Bộ Y tế cấp phép lưu hành chưa
  • Số đăng ký lưu hành
  • Lời khuyên dùng của các chuyên gia – bác sĩ uy tín

Chúng ta nên hạn chế giảm cân bằng thuốc mà nên thay bằng các hình thức khác an toàn hơn như

  • Chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý
  • Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao đều đặn

Nếu có lựa chọn dùng thuốc để giảm cân, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa, không nên tự mua thuốc theo tư vấn trên mạng.

Qua bài viết này, YouMed đã giúp bạn hiểu thêm các tác dụng phụ của thuốc giảm cân. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về sức khỏe, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết tốt nhất!

DS. Nguyễn Hoàng Bảo Duy