Những điều cần biết về thuốc dạ dày Kagasdine (omeprazol)

Kagasdine (omeprazol) là thuốc gì? Thuốc Kagasdine (omeprazol) được dùng trong những trường hợp nào? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu thật kỹ về thuốc Kagasdine (omeprazol) trong bài viết được phân tích dưới đây nhé!

Thành phần hoạt chất: omeprazol.

Thuốc có thành phần tương tự: Agimepzol; AG-Ome; Akatwo; Amnopra; Ampharco Omeprazole; Atimezol; Ausmezol; Baromezole; Bestaprazole; Biolamezole; Braficozol; Cadimezol; Dudencer; Durosec; Eselan; Eurometac; Faskit 40; Futanol; Gastroprazon; Getzome; Gitazot; Glomezol;…

Kagasdine là thuốc gì?

Thành phần hoạt chất omeprazol là một benzimidazol đã gắn các nhóm thế, có cấu trúc và tác dụng tương tự như pantoprazol, lansoprazol, esomeprazol.

Thuốc Kagasdine (omeprazol) hoạt động bằng cách ức chế sự bài tiết acid của dạ dày do ức chế hệ enzym hydro/kali adenosin triphosphatase còn gọi là bơm proton ở tế bào thành của dạ dày.

Ngoài ra, Omeprazol có thể kìm hãm được vi khuẩn Helicobacter pylori ở người bệnh viêm loét tá tràng và/hoặc viêm thực quản trào ngược bị nhiễm vi khuẩn này.

Việc phối hợp omeprazol với một số thuốc kháng khuẩn như clarithromycin, amoxicilin có thể tiệt trừ H. pylori kèm theo liền ổ loét và thuyên giảm bệnh lâu dài.

thuốc kagasdine
Thuốc Kagasdine (omeprazol)

Thuốc Kagasdine giá bao nhiêu?

  • Dạng bào chế: Viên nang.
  • Quy cách đóng gói: Hộp 2 vỉ x 10 viên.
  • Giá thuốc Kagasdine 20mg: 15.000 VNĐ/hộp.

Lưu ý: Mức giá chỉ mang tính chất tham khảo. Có thể thay đổi tuỳ thời điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp.

Bạn có thể tìm mua loại thuốc này tại nhiều nhà thuốc trên toàn quốc. Tuy nhiên, nên chọn mua ở những nơi uy tín để đảm bảo chất lượng và nhận được sự tư vấn cụ thể từ bác sĩ/dược sĩ.

Tác dụng của thuốc Kagasdine

Thuốc Kagasdine (omeprazol) trị bệnh gì? Đối với thuốc Kagasdine được chỉ định dùng trong những bệnh lý như sau:

  • Dùng trong tình trạng khó tiêu do tăng tiết acid.
  • Điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Các trường hợp mắc bệnh loét dạ dày – tá tràng.
  • Ngoài ra, Kagasdine được dùng điều trị hội chứng Zollinger – Ellison.
  • Không những vậy, thuốc còn giúp dự phòng loét do stress, loét do thuốc chống viêm không steroid.

Trường hợp không nên dùng thuốc Kagasdine

Dị ứng với omeprazol hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong công thức của thuốc.

Hướng dẫn dùng thuốc Kagasdine 

1. Cách dùng

  • Thuốc Kagasdine (omeprazol) được bào chế ở dạng viên uống. Do đó, phải nuốt trọn viên, không bẻ, nhai hoặc nghiền.
  • Phải uống thuốc lúc đói, có thể dùng trước khi ăn 1 giờ.

2. Liều dùng

Để giảm bớt chứng khó tiêu liên quan đến acid

Uống omeprazol hàng ngày với liều 10 – 20 mg trong từ 2 – 4 tuần.

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

  • Liều thường dùng: 20 mg omeprazol/ lần trong 4 tuần.
  • Sau đó thêm 4 – 8 tuần nữa nếu vẫn chưa lành hẳn.
  • Trường hợp viêm thực quản khó điều trị, có thể dùng liều hàng ngày là 40 mg.

Duy trì điều trị viêm thực quản sau khi lành là 20 mg/ lần/ ngày và với trường hợp trào ngược acid là 10 mg/ ngày.

Loét dạ dày – tá tràng

  • Uống hàng ngày một liều 20 – 40 mg trong trường hợp nặng.
  • Nếu loét tá tràng, điều trị tiếp tục trong 4 tuần, còn với loét dạ dày là 8 tuần.

Loại bỏ H. pylori trong bệnh loét dạ dày – tá tràng

  • Có thể phối hợp omeprazol với các thuốc kháng khuẩn trong phác đồ 3 – 4 thuốc.
  • Phác đồ trị liệu ba thuốc bao gồm omeprazol 20 mgx 2 lần/ ngày hoặc 40 mg/ lần/ ngày, phối hợp với amoxicilin 1 g và clarithromycin 500 mg, cả hai thuốc uống 2 lần/ ngày.
  • Trường hợp phác đồ 3 thuốc hiệu quả, thêm bismuth vào phác đồ. Những phác đồ này uống trong 1 tuần. Riêng omeprazol có thể tiếp tục thêm 4 – 8 tuần nữa.

Lưu ý, liều thuốc Kagasdine (omeprazol) chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, phải tuân thủ chính xác liều lượng mà bác sĩ đã chỉ định theo từng trường hợp cụ thể. Tuyệt đối không được tự ý tăng giảm liều lượng hoặc dùng sai chỉ định để hạn chế xảy ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Tác dụng phụ của thuốc Kagasdine

  • Nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt.
  • Tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, chướng bụng.
  • Mất ngủ, rối loạn cảm giác, mệt mỏi.
  • Mày đay, ngứa. nổi ban.
  • Tăng transaminase nhất thời.
  • Đổ mồ hôi, phù ngoại biên, quá mẫn bao gồm phù mạch, sốc phản vệ.
  • Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm toàn bộ các dòng tế bào máu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu tán huyết tự miễn.
  • Lú lẫn có hồi phục, kích động, trầm cảm, ảo giác ở người bệnh cao tuổi và đặc biệt ở người bệnh nặng, rối loạn thính giác.
  • Gây vú to ở đàn ông.
  • Viêm dạ dày, nhiễm nấm Candida, khô miệng.
  • Viêm gan kèm vàng da hoặc không vàng da, bệnh não – gan ở người suy gan.
  • Co thắt phế quản.
  • Đau khớp, đau cơ.
  • Viêm thận kẽ.
  • Ngoài ra, các chất ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do tác dụng ức chế tiết acid dịch vị.
Tác dụng phụ của thuốc Kagasdine có thể gây chóng mặt buồn ngủ
Tác dụng phụ của thuốc Kagasdine có thể gây chóng mặt buồn ngủ

Tương tác thuốc khi dùng Kagasdine

  • Ciclosporin trong máu.
  • Diazepam.
  • Phenytoin.
  • Warfarin.
  • Dicoumarol.
  • Nifedipin.
  • Clarithromycin.

Lưu ý khi dùng Kagasdine

  • Lưu ý, trước khi cho người bệnh bị loét dạ dày dùng omeprazol, phải loại trừ khả năng bị u ác tính.
  • Không cần thiết phải điều chỉnh liều lượng trên đối tượng là người cao tuổi.
  • Đối với người suy thận, hiệu quả của omeprazol thay đổi không đáng kể.

Tuy nhiên, đối với người bệnh bị suy gan, sự đào thải của thuốc chậm lại. Do đó, dùng liều 20 mg omeprazol mỗi ngày thường là đủ cho những người bệnh này.

Ngoài ra, việc sử dụng các chất ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (Salmonella, Campylobacter).

Đối tượng đặc biệt sử dụng thuốc

Phụ nữ mang thai

Một số nghiên cứu trên động vật không thấy omeprazol có khả năng gây dị dạng và gây độc hại cho bào thai. Trên lâm sàng, cho tới nay vẫn chưa thấy có tác động có hại nào cho thai.

Tuy nhiên thời gian theo dõi chưa đủ để loại trừ mọi nguy cơ để quyết định được việc dùng thuốc liệu có an toàn trên đối tượng này hay không. Do đó, cần cân nhắc thật thận trọng trước khi quyết định dùng thuốc Kagasdine ở đối tượng này.

Phụ nữ cho con bú

Omeprazol có phân bố trong sữa mẹ. Do đó, nên cân nhắc ngừng thuốc hoặc ngừng cho con bú khi dùng thuốc điều trị.

Lái xe và vận hành máy móc

Thuốc Kagasdine gây tác dụng phụ lên thần kinh trung ương như buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt… Do đó, cần thận trọng khi dùng sản phẩm này trên đối tượng lái xe và vận hành máy móc để đảm bảo an toàn trong công việc.

Xử trí khi quá liều Kagasdine

Liều uống đến 160 mg/ lần, liều tiêm tĩnh mạch 80 mg/ lần, liều tiêm tĩnh mạch 200 mg/ ngày và liều 520 mg/ 3 ngày vẫn cho thấy dung nạp tốt.

Trong y văn, đã có thông báo về 2 trường hợp quá liều omeprazol.

Các biểu hiện lâm sàng khi quá liều chủ yếu:

  • Buồn ngủ.
  • Nhức đầu.
  • Tim đập nhanh.

Tuy nhiên, cả hai bệnh nhân đều hồi phục, không có biến cố gì và cũng không phải dùng bất kì phương pháp điều trị đặc biệt nào.

Xử trí khi quên một liều Kagasdine

  • Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều.
  • Nếu liều đã quên kề với liều kế tiếp. Bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.
  • Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.

Cách bảo quản thuốc

  • Để thuốc dạ dày Kagasdine tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc ở những nơi ẩm ướt.
  • Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là <30 ºC.

Bên trên là những thông tin sử dụng thuốc Kagasdine trong điều trị chứng khó tiêu do acid, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản,… Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường để có thể được xử trí và hỗ trợ kịp thời nhé!