Thuốc kháng sinh Penicillin: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Sự ra đời của thuốc kháng sinh Penicillin là một bước tiến vượt bậc của ngành y học thế giới. Từ đó mở ra một trang mới trong việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi sinh vật gây ra. Vậy, Penicillin là thuốc gì? Cách sử dụng ra sao và những điều cần lưu ý trong suốt quá trình dùng thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu và phân tích thuốc qua bài viết dưới đây!

1. Thuốc kháng sinh Penicillin là gì?

Thuốc kháng sinh Penicillin là một phân nhóm nhỏ thuộc nhóm beta-lactam. Thuốc thường được sử dụng trong trường hợp nhiễm khuẩn các vi sinh vật còn nhạy cảm. Các Penicillin bao gồm:

  • Các Penicillin phổ kháng khuẩn hẹp: Penicillin G, Penicillin V.
  • Các Penicillin phổ kháng khuẩn hẹp đồng thời có tác dụng lên tụ cầu (Penicillinase – kháng penicillins): Methicillin, Oxacillin, Cloxacillin, Dicloxacillin, Nafcillin.
  • Các Penicillin phổ kháng khuẩn trung bình: Ampicillin, Amoxicillin.
  • Các Penicillin phổ kháng khuẩn rộng đồng thời có tác dụng lên trực khuẩn mủ xanh: Carbenicillin, Ticarcillin, Mezlocillin, Piperacillin.

2. Công dụng của thuốc kháng sinh Penicillin

Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị mất ngủ
Thuốc kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn

Thuốc kháng sinh Penicillin có tác dụng ức chế sinh tổng hợp vách tế bào vi khuẩn, từ đó tiêu diệt chúng. Tùy vào phổ tác dụng của từng kháng sinh mà nó có thể dùng trong điều trị một số nhiễm trùng cụ thể. Ví dụ:

2.1. Penicillin G, Penicillin V

Thuốc kháng sinh Penicillin được chỉ định trong trường hợp nhiễm khuẩn còn nhạy cảm:

  • Điều trị bệnh giang mai, lậu, ghẻ
  • Một số nhiễm trùng đường mật
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu, da và các mô tế bào mềm do các streptococci còn nhạy cảm

2.2. Penicillinase – kháng penicillins

Những loại thuốc thuộc phân nhóm này được sử dụng chủ yếu cho Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) nhạy cảm methicillin sản xuất Penicillinase.

Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng để điều trị một số Streptococcus pneumoniae, nhiễm Streptococcus nhóm A và nhiễm trùng tụ cầu coagulase âm tính vẫn còn nhạy cảm với methicillin.

2.3. Amoxicillin và ampicillin

Thuốc được chỉ định trong trường hợp nhiễm khuẩn còn nhạy cảm:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Viêm màng não mô cầu
  • Nhiễm trùng đường mật
  • Nhiễm trùng đường hô hấp
  • Viêm màng não do Listeriaisteria
  • Nhiễm cầu khuẩn đường ruột
  • Bệnh thương hàn và người nhiễm thương hàn

2.4. Các Penicillin phổ kháng khuẩn rộng

Những thuốc thuộc phân nhóm này thường được sử dụng để điều trị:

  • Vi khuẩn còn nhạy cảm với ampicillin
  • Một số chủng Enterobacter và Serratia spp
  • Nhiều chủng P. aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh)

3. Thuốc kháng sinh Penicillin giá bao nhiêu?

Thuốc kháng sinh Penicillin là thuốc phải được chỉ định bởi bác sĩ. Việc tự ý mua thuốc từ các nhà thuốc để sử dụng sẽ tạo ra việc kháng thuốc. Từ đó, việc điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Nếu có đơn thuốc của bác sĩ, bạn có thể đến các nhà thuốc mua dễ dàng hơn. Một số gợi ý về giá của một số kháng sinh Penicillin như sau:

  • Augmentin 1g (875 mg amoxicilin và 125 mg acid clavulanic) giá khoảng 293.000 đồng/hộp 14 viên
  • Ampicillin Domesco 500mg giá khoảng 98.000 đồng/hộp 100 viên
  • Opsen (Penicilin V 1.000.000 IU) giá khoảng  1.500 đồng/viên

4. Trường hợp không nên dùng thuốc kháng sinh Penicillin

Thuốc kháng sinh Penicillin được chống chỉ định trong trường hợp bệnh nhân quá mẫn với kháng sinh thuộc nhóm này hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

5. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh Penicillin

Hầu hết các phản ứng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc kháng sinh Penicillin là những phản ứng quá mẫn:

  • Phản ứng tức thời: quá mẫn (có thể gây tử vong trong vòng vài phút), nổi mày đay và phù mạch (từ 1 đến 5/10.000 trường hợp sử dụng thuốc đường tiêm) và tử vong (khoảng 0.3/10.000 trường hợp sử dụng thuốc đường tiêm)
  • Phản ứng quá mẫn đến muộn (lên đến 8% bệnh nhân sử dụng): quá mẫn týp 3, phát ban và viêm da, tróc da (thường xuất hiện sau 7 đến 10 ngày điều trị)

Một số tác dụng phụ khác có thể gặp phải:

  • Độc tính của hệ thần kinh trung ương (ví dụ, co giật) nếu liều cao, đặc biệt ở những bệnh nhân suy thận
  • Viêm thận
  • Tiêu chảy do C.difficile (viêm đại tràng giả mạc)
  • Thiếu máu tán Coombs dương tính
  • Giảm bạch cầu
  • Giảm tiểu cầu

6. Những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc

6.1. Phụ nữ có thai và đang cho con bú

Thuốc kháng sinh Penicillin (nhóm beta-lactam) là một trong những thuốc được cân nhắc sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn ở bệnh nhân có thai. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng và không được phép dùng nếu chưa được cho phép trong giai đoạn nhạy cảm này.

6.2. Người lái tàu xe hay vận hành máy móc

Chưa có thông tin thuốc ảnh hưởng đến khả năng lái tàu xe hay vận hành máy móc.

7. Lưu ý khi sử dụng thuốc

Cần cân nhắc liều sử dụng thuốc kháng sinh Penicillin trong trường hợp sau:

  • Vì các penicillin, ngoại trừ nafcillin, có nồng độ thuốc cao trong nước tiểu. Vì vậy, nên cân nhắc giảm liều ở những bệnh nhân suy thận nặng.
  • Probenecid ức chế sự bài tiết thuốc ở ống thận một số penicillin, do đó làm tăng nồng độ thuốc trong máu.

8. Xử lý khi dùng quá liều thuốc

Khi gặp phải các dấu hiệu nghi ngờ sử dụng quá liều, bạn nên ngừng dùng thuốc và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

9. Xử lý khi quên một liều thuốc

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc kháng sinh Penicillin, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần kề với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không nên dùng gấp đôi liều đã quy định do dễ dẫn đến quá liều thuốc.

11. Cách bảo quản thuốc

Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát.

Nhiệt độ bảo quản không quá 30oC, tránh ánh sáng trực tiếp.

Lưu ý: Để xa tầm tay trẻ em và phải đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Qua bài viết này, YouMed đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi thuốc kháng sinh Penicillin thuốc gì, công dụng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng. Việc sử dụng thuốc cần phải có chỉ định của bác sĩ điều trị. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có xảy ra bất cứ tác dụng không mong muốn nào hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết tốt nhất!