Khuyến cáo tần suất tẩy giun hợp lý?

Nhiễm giun đường ruột có thể gặp phải ở bất cứ ai, từ người lớn đến trẻ em. Nguyên nhân là do sự tiếp xúc, chơi đùa hoặc ăn phải những thực phẩm nhiễm giun. Khi chúng cư trú lâu trong cơ thể người sẽ hút các chất dinh dưỡng khiến cơ thể suy nhươc, thiếu máu,… Đồng thời, chúng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm như tắc ruột, viêm tụy cấp, tắc đường mật,… Vậy, tần suất tẩy giun như thế nào là hợp lý? Hãy cùng Youmed tìm hiểu nhé!

1. Nguyên nhân nhiễm trùng giun

tan-suat-tay-giun
Nguyên nhân nhiễm giun

Có nhiều nguyên nhân gây ra nhiễm giun ở người phải kể đến như:

  • Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa. Đây là môi trường thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của các loại giun.
  • Thói quen ăn uống lề đường, hàng quán không đảm bảo vệ sinh.
  • Thói quen sinh hoạt kém vệ sinh như mút tay, cắn móng tay,… Đặc biệt là hay “quên” rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Đi bộ chân đất cũng tạo cơ hội cho ấu trùng giun xâm nhập vào cơ thể qua da.
  • Dùng phân tươi chưa được xử lý để bón cho cây trồng.
  • Tần suất tẩy giun không định kỳ, có khi không tẩy làm bùng phát giun trong cơ thể.

Nhiễm giun sán thường gây ra một số các biểu hiện như:

  • Chán ăn
  • Tiêu chảy
  • Bụng chướng
  • Suy dinh dưỡng
  • Xuất huyết tiêu hóa
  • Viêm nhiễm đường ruột,…

Trong một số trường hợp, các búi giun có thể gây nghẽn, cản trở lưu thông trong lòng ruột dẫn đến tắc ruột. Nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiệm trọng như tử vong.

2. Tần suất tẩy giun hợp lý

2.1. Đối tượng

 

tan-suat-tay-giun
Nhiễm giun đường ruột

Tẩy giun được chỉ định ở độ tuổi từ 12 tháng tuổi trở lên.

Tẩy giun chống chỉ định khi:

  • Người đang mắc những bệnh cấp tính, đang sốt trên 38,5° C
  • Đang mắc một số bệnh mạn tính như bệnh tim, tâm thần, suy gan, suy thận, hen phế quản.
  • Người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc tẩy giun.
  • Phụ nữ đang có thai trong 3 tháng đầu.
  • Phụ nữ đang trong giai đoạn cho con bú
  • Trẻ em dưới 12 tháng tuổi.

2.2. Tần suất tẩy giun

Bạn có thể tham khảo tần suất tẩy giun như sau:

  • Những vùng dịch tễ có tỉ lệ nhiễm giun trên 20% thì sẽ tiến hành tẩy giun 02 lần/năm.
  • Những vùng dịch tễ có tỉ lệ nhiễm giun từ 10% đến dưới 20% thì sẽ tiến hành tẩy giun 01 lần/năm.
  • Những vùng dịch tễ có tỉ lệ nhiễm giun dưới 10% thì sẽ tiến hành tẩy giun 01 lần/2 năm.

2.3. Thuốc sử dụng để tẩy giun

Một số thuốc tẩy giun thông dụng hiện nay như Albendazole hoặc Mebendazole.

Liều lượng của thuốc như sau:

  • Trẻ em từ 12 đến 24 tháng tuổi: Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500mg một liều duy nhất.
  • Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn: Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg một liều duy nhất.

Đối với một số loại giun hay tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể cho dùng nhắc lại thuốc sau 1 tháng.

Cách dùng thuốc tẩy giun như sau:

  • Bạn có thể uống thuốc vào bất kỳ thời gian nào trong ngày. Tốt nhất là sau bữa ăn tối.
  • Khi cho trẻ nhỏ uống có thể nghiền thuốc pha với nước trái cây hoặc trộn với thức ăn.
  • Nên nhai kỹ thuốc tẩy giun và uống với nước.

3. Tần suất tẩy giun theo khuyến cáo WHO

Tổ chức WHO khuyến cáo tẩy giun là biện pháp dự phòng quan trọng, đặc biệt ở các đối tượng nguy cơ cao bên cạnh các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân. Tần suất tẩy giun theo khuyến cáo WHO như sau:

3.1. Trẻ em

  • Khuyến cáo tần suất tẩy giun là 1 lần/năm hoặc 2 lần/năm cho tất cả trẻ em từ 12 đến 23 tháng; đối với trẻ tiền học đường từ 1 đến 4 tuổi; trẻ học đường từ 5 đến 12 tuổi (có thể lên tới 14 tuổi) ở những vùng có tỷ lệ nhiễm giun sán ở trẻ em lớn hơn 20%. Tần suất 2 lần/năm được WHO khuyến cáo cho các vùng mà tỷ lệ nhiễm giun sán ở trẻ lớn hơn 50%
  • Liều dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi là Albendazole 200mg/lần.
  • Liều khuyến cáo cho các đối tượng khác là Albendazole (Zentel) 400mg/lần hoặc Mebendazole (Fugacar) 500mg/lần.

3.2. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

  • WHO khuyến cáo tần suất tẩy giun là 1 lần/năm hoặc 2 lần/năm cho tất cả nữ giới ở tuổi thanh niên không mang thai và phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ ở vùng mà tỷ lệ nhiễm giun sán lớn hơn 20%.
  • Tần suất 2 lần/năm thường được khuyến cáo cho những vùng có tỷ lệ nhiễm giun sán ở nữ giới tuổi thanh niên không mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ lớn hơn 50%
  • Liều khuyến cáo thường là Albendazole 400mg/lần hoặc Mebendazole 500mg/lần.

3.3. Phụ nữ mang thai

  • Khuyến cáo tẩy giun một liều duy nhất cho phụ nữ mang thai sau 3 tháng đầu của thai kỳ tại vùng có tỷ lệ nhiễm giun sán hoặc nhiễm T.trichiura (giun tóc) lớn hơn 20% hoặc tại những vùng có tỷ lệ phụ nữ thiếu máu khi mang thai lớn hơn 20%.
  • Liều khuyến cáo là liều duy nhất Albendazole 400mg hoặc Mebedazole 500mg.

3.4. Các đối tượng khác

  • Khuyến cáo nên tẩy giun hàng năm hoặc 2 năm 1 lần.
  • Liều khuyến cáo là một liều duy nhất Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg.

Trên đây là những lưu ý và khuyến cáo về tần suất tẩy giun. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về thuốc, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được giải quyết kịp thời!