Thuốc Klacid (clarithromycin): Công dụng, cách dùng và lưu ý

Klacid (clarithromycin) là thuốc gì? Cách sử dụng thuốc như thế nào và có những thông tin gì cần lưu ý về thuốc Klacid (clarithromycin)? Hãy cùng dược sĩ Trần Thị Thùy Linh tìm hiểu về thuốc này qua bài viết sau đây. 

Thành phần hoạt chất: clarithromycin – 500 mg hoặc 250 mg.

Thuốc có thành phần hoạt chất tương tự: Hasanclar 500, Clarithro 500, Ketocrom 500, Caricin, Lomepen 500.

Thuốc Klacid được dùng trong bệnh gì?

Klacid là thuốc kháng sinh chứa hoạt chất là clarithromycin – nói nôm na, thuốc giúp tiêu diệt một số loại vi khuẩn trong cơ thể bạn. Thuốc Klacid được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân bị nhiễm trùng, gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm. Các trường hợp cụ thể là:

  • Người bị nhiễm trùng đường hô hấp. Ví dụ: viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,…
  • Nhiễm trùng da và mô mềm (mức độ nhẹ – trung bình). Ví dụ: bệnh nhân bị viêm nang lông, chốc lở, viêm mô tế bào…

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định trong các trường hợp khác ví dụ nêu trên. Vì vậy, bệnh nhân cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc kháng sinh Klacid thuộc nhà sản xuất: Aesica (Anh).

Klacid
Thuốc kháng sinh Klacid 125 mg/5 ml

Giá thuốc Klacid

Bột pha hỗn dịch Klacid 125 mg/5 ml, chai 60 ml có giá dao động từ: 115.000 – 120.000 đồng/chai. 

Thuốc dạng viên nén phóng thích kéo dài Klacid MR, hộp 5 viên, có giá dao động từ: 220.000 – 245.000 đồng/hộp.

Thuốc Klacid Forte (hay còn gọi là Klacid 250 mg), hộp 14 viên, có giá dao động từ: 512.000 – 525.000 đồng/hộp. 

Uống thuốc Klacid (clarithromycin) như thế nào?

Kháng sinh Klacid có nhiều dạng bào chế:

  • Klacid: Bột pha hỗn dịch.
  • Klacid MR và Klacid Forte: Viên nén.

Thuốc dạng viên nên được uống nguyên viên, không nghiền hoặc nhai thuốc. Thuốc có thể dùng mà không cần quan tâm đến các bữa ăn vì thức ăn không gây ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc.

Trẻ em dưới 12 tuổi nên sử dụng thuốc dạng cốm pha hỗn dịch uống (dạng hạt cốm đựng trong chai, có thể thêm vào lượng nước thích hợp và lắc chai để hòa trộn). Với dạng chai cốm pha hỗn dịch có thể dùng kèm hoặc không thức ăn, có thể uống cùng với sữa. 

Có thể sử dụng thuốc Klacid ở phụ nữ có thai và cho con bú?

Chưa có đầy đủ dữ liệu về tính an toàn của thuốc lên trên phụ nữ có thai và cho con bú. Vì vậy, không nên sử dụng thuốc ở phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Chỉ dùng nếu đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ. Riêng thuốc Klacid Forte, phụ nữ đang mang thai không được sử dụng. 

Tác dụng phụ nào của thuốc Klacid (clarithromycin)

Các tác dụng phụ thường gặp khi uống thuốc kháng sinh Klacid bao gồm:

  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Loạn vị giác, cảm giác nhạt miệng.
  • Thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân suy thận nặng.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ khác như: ngứa, phát ban, chóng mặt, lo âu… 

Những bệnh nhân nào cần lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh Klacid (clarithromycin)?

Thuốc Klacid cần được sử dụng cẩn trọng ở bệnh nhân suy thận từ nhẹ đến nặng, hoặc bệnh nhân bị tổn thương chức năng gan.

Sử dụng thuốc có thể làm triệu chứng bệnh nhược cơ trầm trọng hơn.

Thuốc cũng không được sử dụng ở bệnh nhân có tình trạng bệnh lý liên quan đến kéo dài khoảng QT và xoắn đỉnh (dạng bệnh lý tim mạch).

Không được uống thuốc Klacid đồng thời với thuốc nào?

Do một số tương tác nghiêm trọng có thể xảy ra, thuốc Klacid không được sử dụng đồng thời với các thuốc sau:

  • Terfenadine, astermizole, cisapride, pimozide. Việc sử dụng đồng thời với thuốc Klacid gây kéo dài loạn nhịp tim.
  • Ergotamin hoặc dihydro-ergotamin.
  • Thuốc lovastatin, simvastatin (thuốc trong điều trị rối loạn mỡ máu). Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng, khuyến cáo sử dụng liều thấp nhất của thuốc statin. Bệnh nhân cần được theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng về cơ nếu sử dụng đồng thời. 
  • Colchicine (thuốc dùng trong điều trị gút cấp): Đã có báo cáo về ngộ độc colchicine khi dùng đồng thời thuốc clarithomycin (Klacid) và thuốc colchicine, đặc biệt ở người cao tuổi.
  • Thuốc ticargrelor, ranolazine.
Thuốc kháng sinh Klacid tương tác
Chú ý việc tương tác với thuốc khác khi sử dụng thuốc kháng sinh Klacid

Ngoài ra, thuốc còn có thể tương tác với các thuốc khác, vì vậy bạn cần báo cho bác sĩ biết những loại thuốc mà bạn đang sử dụng để bác sĩ có những lựa chọn phù hợp.

Cần thông báo ngay cho bác sĩ để cân nhắc ngừng sử dụng thuốc trong các trường hợp như: Xuất hiện dấu hiệu, triệu chứng viêm gan, như vàng da, ngứa ngáy, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, đau bụng.

Nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều, quên liều?

Đối với trường hợp quá liều

Khi dùng quá liều thuốc kháng sinh Klacid, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng nguy hiểm. Cách xử trí là nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.

Khi lỡ quên liều

Người bệnh nên dùng thuốc ngay khi phát hiện quên liều. Trong trường hợp thời điểm phát hiện gần đến liều tiếp theo thì có thể bỏ qua liều đã quên, uống liều tiếp theo như bình thường.

Bệnh nhân không được tự ý dùng bù liều thuốc mà nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. 

Người bệnh không được tự ý dùng gấp đôi liều trong trường hợp lỡ quên liều thuốc
Người bệnh cần uống thuốc đúng liều theo chỉ định của bác sĩ

Bảo quản thuốc Klacid như thế nào?

Bạn để thuốc ở nhiệt độ dưới 30 độ C. Tránh tiếp xúc thuốc với ánh sáng trực tiếp. Để xa tầm tay trẻ em.

Cách pha thuốc Klacid 125 mg/5 ml dạng hỗn dịch, sau khi pha có thể sử dụng được trong 14 ngày khi bảo quản ở nhiệt độ phòng (15-30 độ C) trong chai lọ nút kín. Không để thuốc hỗn dịch trong tủ đông lạnh, cần bảo quản ở nhiệt độ phòng. 

Ngoài Klacid, trên thị trường còn có một số thuốc chứa thành phần clarithromycin với công dụng tương tự: Clathrimax, Clarithromycin STADA, Agiclari…

Thuốc Klacid là một thuốc kháng sinh, người bệnh cần sử dụng đủ liều lượng và số ngày theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu và tránh tình trạng đề kháng thuốc. Nếu có bất kì thắc mắc gì, hãy liên hệ bác sĩ/dược sĩ để được tư vấn chính xác.