Thuốc Seretide (salmeterol, fluticasone): Công dụng, cách dùng

Thuốc Seretide (salmeterol, fluticasone) được dùng trong điều trị dạng hen suyễn cụ thể nào? Cách dùng như thế nào mới đạt được hiệu quả của thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu thật kĩ vấn đề này với bài trình bày sau đây.

Tên thành phần hoạt chất: Salmeterol xinafoate, Fluticasone propionate.

Tên biệt dược tương tự: Kovent SF-250 inhaler, Esiflo 250 Transhaler, Combiwave SF 50, Seroflo 50, Seretide Evohaler DC 25/50, Seretide Evohaler DC 25/250,..

Nội dung bài viết

  • 1. Seretide (salmeterol/ fluticasone) là thuốc gì?
  • 2. Thuốc Seretide được dùng trong trường hợp nào?
  • 3. Chống chỉ định Seretide trong trường hợp nào?
  • 4. Cách sử dụng các loại bình Seretide
  • 5. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Seretide 
  • 6. Tương tác thuốc khi dùng chung Seretide (salmeterol, fluticasone)
  • 7. Đối tượng cần lưu ý khi sử dụng thuốc Seretide (salmeterol, fluticasone)
  • 8. Cách bảo quản thuốc

1. Seretide (salmeterol/ fluticasone) là thuốc gì?

Thuốc Seretide có chứa 2 thành phần hoạt chất là salmeterol và fluticasone. Thuốc thường được sử dụng ở bệnh nhân hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

  • Salmeterol là một chất làm giãn phế quản, có vai trò làm không khí được trao đổi một cách dễ dàng hơn.
  • Fluticasone là một corticoid được phối hợp chung nhằm giảm các triệu chứng sưng, viêm và các kích ứng xảy ra ở phổi.

Bình hít và xịt Seretide có nhiều loại hàm lượng và số liều khác nhau. Bệnh nhân cần lưu ý mua đúng hàm lượng được bác sĩ chỉ định.

thuốc seretide
Thuốc Seretide

2. Thuốc Seretide được dùng trong trường hợp nào?

Hen suyễn

  • Trong trường hợp hen suyễn, thuốc Seretide (salmeterol/ fluticasone)
    không phải là thuốc dùng để giảm ngay triệu chứng cấp tính mà để dự phòng lâu dài. Vì vậy nên khuyên bệnh nhân luôn có sẵn thuốc giảm triệu chứng bên mình.
  • Seretide được chỉ định trong điều trị hen suyễn thường xuyên trong đó sử dụng một sản phẩm kết hợp (chất chủ vận beta2 có tác dụng kéo dài và corticosteroid dạng hít) là phù hợp cho việc dự phòng cơn hen.
  • Bệnh nhân không kiểm soát cơn hen với corticosteroid dạng hít.
  • HOẶC bệnh nhân đã được kiểm soát đầy đủ trên cả corticosteroid dạng hít và thuốc chủ vận beta2 tác dụng kéo dài.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Thuốc Seretide cũng được chỉ định trong điều trị thường xuyên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD bao gồm viêm phế quản mạn và khí phế thủng, và đã được chứng minh là làm giảm tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. 

  • Seretide được chỉ định để điều trị triệu chứng cho bệnh nhân mắc COPD, với lưu lượng thể tích khí thở ra gắng sức trong giây đầu tiên FEV 1 < 60% dự đoán bình thường (thuốc giãn phế quản trước).
  • Đã bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trầm trọng tái phát nhiều lần, những người có triệu chứng đáng kể mặc dù đã điều trị thuốc giãn phế quản thường xuyên.

3. Chống chỉ định Seretide trong trường hợp nào?

Dị ứng với salmeterol hoặc fluticasone hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong thuốc. Thành phần thuốc có lactose (chứa protein sữa)

4. Cách sử dụng các loại bình Seretide

Các điểm chung cần nhớ khi sử dụng:

  • Cần phải dùng mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất, thậm chí ngay cả khi không có triệu chứng.
  • Bệnh nhân cần đi tái khám đều đặn để chắc rằng hàm lượng Seretide đang sử dụng là tối ưu và chỉ thay đổi theo lời khuyên của bác sĩ. 
  • Không được tự ý ngưng thuốc hoặc tự ý giảm liều mà không thông báo cho bác sĩ.

Tùy vào cấu tạo của từng bình, cần thực hiện các bước sau để đảm bảo hiệu quả của thuốc cũng như hiệu quả điều trị:

 4.1. Với dạng bình xịt định liều

Cách sử dụng bình xịt định liều Seretide

SẴN SÀNG

  • Lắc mạnh ống hít trước mỗi lần sử dụng.
  • Lấy nắp ra.
  • Nhìn vào bên trong ống ngậm và chắc chắn rằng không có gì trong đó.
  • Thở ra hết cỡ. Cố gắng đẩy ra càng nhiều không khí càng tốt.
  • Giữ ống kín với ống ngậm bằng cách đặt môi xung quanh ống ngậm.

HÍT VÀO THẬT CHẬM

  • Khi bắt đầu, hít từ từ vào bằng miệng đồng thời ấn nút để đẩy thuốc.
  • Tiếp tục hít thật chậm và sâu nhất có thể.

Hướng dẫn cách dùng Seretide

GIỮ HƠI THỞ

  • Nín thở và từ từ đếm đến 10. Sau đó, thở ra từ từ.
  • Đặt nắp trở lại trên ống ngậm và đảm bảo nắp đã được đóng chặt.
  • Sau khi sử dụng ống hít, hãy súc miệng bằng nước, súc miệng và nhổ lượng nước bên trong ra, không nuốt. Điều này giúp giảm tác dụng phụ từ thuốc của bạn.

>> Thể tìm hiểu thêm: Sử dụng bình xịt định liều cho trẻ bị Suyễn như thế nào?

4.2. Đối với bình hít bột khô

  • Mở bình bằng cách đặt ngón tay cái ở rãnh và đẩy tối đa về phía xa.
  • Tiếp đến, đẩy cấn tối đa cho đến khi nghe tiếng tách.
  • Để bình ra xa và thở ra hết mức.
  • Sau đó, hít thật đều và sâu và nín thở trong khoảng 10 giây.
  • Nếu dùng liều tiếp theo thực hiện tương tự từ bước 3, sau đó đóng nắp và súc miệng.

Cách sử dụng bình hít bột khô Seretide

5. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Seretide 

Các triệu chứng có thể xảy ra khi dùng thuốc:

  • Tình trạng viêm nhiễm: viêm phổi, viêm phế quản; bệnh nấm miệng, cổ họng; 
  • Gây hạ lượng kali trong máu;
  • Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất: khàn giọng, khó thở; viêm xoang, viêm mũi;
  • Nhiễm trùng da và mô dưới da;
  • Xuất hiện các triệu chứng trên cơ: đau cơ, đau khớp, chuột rút;

Các tác động có hại nghiêm trọng thường sẽ xuất hiện sau một thời gian dài tiếp xúc, bao gồm:

  • Gây tình trạng nấm candida ở cổ họng (nguy cơ xảy ra cao nếu không súc miệng sau mỗi đợt xịt thuốc);
  • Gây tình trạng phù nề chủ yếu ở cổ họng và mặt;
  • Co thắt phế quản;
  • Rối loạn nội tiết: hội chứng Cushing (mặt tròn, bụng phệ nhưng tay chân ốm, da mỏng, cảm thấy mệt mỏi, yếu cơ, xương giòn, dễ gãy, huyết áp cao,…);
  • Tăng nhãn áp;

6. Tương tác thuốc khi dùng chung Seretide (salmeterol, fluticasone)

Thuốc chẹn beta (thuốc trong điều trị bệnh huyết áp, tim mạch): atenolol, propanolol;

Các thuốc điều trị nhiễm trùng (ketoconazole, itraconazole và erythromycin),

Thuốc điều trị HIV (ritonavir): làm tăng nồng độ salmeterol, fluticasone trong cơ thể, nên tăng nguy cơ tiếp xúc với tác động có hại từ thuốc.

Thuốc kháng viêm corticosteroid;

Amiloride, spironolactone, triamterene, bumetanide, furosemide, torsemide;

Xanthin (cũng được dùng để điều trị hen suyễn).

7. Đối tượng cần lưu ý khi sử dụng thuốc Seretide (salmeterol, fluticasone)

Hãy nói với bác sĩ nếu đang trong các trường hợp sau:

  • Có bệnh về tim, bao gồm sự bất thường trong nhịp tim như đập không đều hoặc đập nhanh.
  • Bệnh nhân bị tăng huyết áp.
  • Có nồng độ kali trong máu thấp.
  • Đái tháo đường vì Seretide có thể làm tăng lượng đường trong máu.
  • Đã từng bị bệnh lao trước đó hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng về phổi khác.

8. Cách bảo quản thuốc

Nhìn vào lỗ phun thuốc của ống hít. Nếu thấy xuất hiện bột trong hoặc xung quanh lỗ, làm sạch ống hít bằng cách:

  1. Lấy hộp kim loại ra khỏi ống ngậm bằng nhựa hình chữ L.
  2. Chỉ rửa sạch ống ngậm và nắp trong nước ấm.
  3. Để khô qua đêm.
  4. Đặt hộp trở lại bên trong vào sáng hôm sau. Đặt nắp vào.

Seretide là một biệt dược có chứa salmeterol và fluticasone được dùng để làm giãn phế quản giúp trao đổi khí dễ dàng hơn trong thời gian dài nhằm để phòng ngừa cơn hen xảy ra. Tuy nhiên, việc dùng seretide (salmeterol, fluticasone) sẽ cần lưu ý nhiều về cách dùng bình để hiệu quả sử dụng được tối đa. Ngoài ra, nên vệ sinh sạch sẽ bình cũng như nhớ súc họng với nước sau khi hít để hạn chế tối đa tiếp xúc độc tính của thuốc.