Thuốc kháng viêm Solu-medrol (methyl prednisolone) 40 mg là thuốc gì?

Thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) là một loại thuốc kháng viêm được sử dụng với rất nhiều chỉ định. Bên cạnh đó, thuốc cũng có nhiều tác dụng không mong muốn. Vậy Solu-medrol là thuốc gì, được dùng để điều trị bệnh gì và tác dụng phụ ra sao? Mời bạn tham khảo bài viết sau của YouMed.

Tên thành phần hoạt chất: methylprednisolone (dạng natri succinat).

Thuốc biệt dược tương tự:

  • 40mg: Cortrium, Medcelore, Solu-life, Preforin, Sulo-Fadrol.
  • 125mg: Mepreson powder, Methylprednisolone Teva.
  • 500mg: Newunita injection.

 

solu-medrol biệt dược

Thuốc Solu-medrol

Nội dung bài viết

  • 1. Thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) là thuốc gì và có tác dụng gì?
  • 2. Thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) được dùng với liều và cách dùng như thế nào?
  • 3. Chống chỉ định của thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) là gì?
  • 4. Thận trọng gì khi dùng thuốc Solu-medrol (methylprednisolone)?
  • 5. Tác dụng phụ của thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) là gì?
  •  
  • 6. Thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) có tương tác với thuốc gì?
  • 7. Phụ nữ mang thai và cho con bú có dùng  được Solu-medrol (methylprednisolone)?
  • 8. Triệu chứng quá liều khi dùng thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) là gì?
  • 9. Bảo quản thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) như thế nào?

1. Thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) là thuốc gì và có tác dụng gì?

Đầu tiên để tìm hiểu Solu-medrol là thuốc gì, ta cần biết hoạt chất chính của thuốc là methylpredinisolone. Thuốc được chỉ định cụ thể trong những trường hợp sau:

1.1. Rối loạn nội tiết

  • Suy vỏ thượng thận nguyên phát hoặc thứ phát.
  • Suy vỏ thượng thận cấp tính.
  • Sốc thứ phát do suy vỏ thượng thận…

1.2. Các bệnh về khớp

  • Viêm khớp dạng thấp (kể cả viêm khớp dạng thấp ở tuổi vị thành niên).
  • Gout cấp tính.
  • Viêm xương khớp sau chấn thương.
  • Viêm bao gân cấp không đặc hiệu.

1.3. Rối loạn collagen

Bệnh lupus ban đỏ ban đỏ hệ thống, viêm da hệ thống…

1.4. Các bệnh về da

  • Hội chứng Stevens-Johnsons: một loại bệnh viêm da nặng, triệu chứng gồm: da bắt đầu hình thành bọng, sau đó hình thành những vùng đỏ da chảy máu đau đớn.
  • Viêm da herpes.
  • Bệnh vẩy nến nặng.

1.5. Các bệnh về mắt

Herpes zoster, viêm mống mắt, viêm mống mắt – thể mi, viêm màng bồ đào sau, viêm màng mạch, viêm dây thần kinh thị giác, viêm mắt giao cảm, viêm kết mạc dị ứng…

1.6. Tình trạng dị ứng

  • Hen suyễn.
  • Viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc lâu năm.
  • Viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, dị ứng thuốc.
  • Phù thanh quản cấp không do nhiễm trùng.

1.7. Bệnh hô hấp

  • Triệu chứng Sarcoidosis: hậu quả sự phát triển các ổ viêm nhỏ ở phổi, mắt và da.
  • Hội chứng Loeffler không điều trị được bằng các phương pháp khác.
  • Viêm phổi.

1.8. Bệnh về máu

Thiếu máu tan huyết (tự miễn), giảm tiểu cầu thứ cấp ở người lớn, giảm nguyên hồng cầu, thiếu máu bẩm sinh…

1.9. Bệnh tân sinh

Bệnh bạch cầu và u lympho bào ở người lớn, bệnh bạch cầu cấp thời thơ ấu.

1.10. Tình trạng phù

Lợi niệu hoặc giảm protein niệu trong hội chứng thận hư không urê huyết tự phát.

1.11. Bệnh hệ thần kinh

Bệnh đa xơ cứng, phù não từ khối u.

1.12. Các bệnh dạ dày – ruột

Loét đại tràng, loét ruột.

1.13. Sốc không đáp ứng với điều trị sốc cấp tính thông thường

Sốc tim, sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ, sốc do chấn thương, bỏng…

1.14. Chỉ định khác

  • Viêm màng não do lao kèm phong bế dưới nhện hoặc phong bế xảy ra khi phối hợp hóa liệu pháp.
  • Ghép tạng.
  • Ngăn buồn nôn và nôn khi hóa trị liệu ung thư.
Thuốc có thể dùng cho người đang hóa trị
Thuốc có thể dùng cho người đang hóa trị

2. Thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) được dùng với liều và cách dùng như thế nào?

2.1. Cách dùng

Có thể dùng theo đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Phương pháp chọn lọc cho cấp cứu ban đầu là tiêm tĩnh mạch.

2.2. Liều dùng

  • Người lớn: liều hàng ngày thay đổi trong khoảng 20 – 40mg tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nên tiêm 2 – 3 lần/ngày.
  • Trẻ từ 10 tuổi trở lên: áp dụng như đối với người lớn.
  • Trẻ từ 5 đến 10 tuổi: 20 – 40mg/ngày.
  • Bệnh nhân nhí dưới 5 tuổi: 1 – 3mg/kg/ngày.

Lưu ý: Sử dụng thuốc với liều thấp nhất, trong thời gian ngắn nhất. Liều khác nhau tùy thuộc vào chỉ định và từng cá nhân. Bạn hãy dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ.

Hướng dẫn điều chỉnh liều

Liều bắt đầu là 6 – 40 mg methylprednisolon mỗi ngày. Liều duy trì phải thấp hơn liều cần đạt tác dụng ban đầu. Phải xác định liều thấp nhất có thể đạt tác dụng bằng cách giảm liều dần từng bước đến khi triệu chứng bệnh tăng lên.

Liệu pháp cách ngày: Khi cần dùng liều lớn trong thời gian dài, áp dụng liệu pháp dùng thuốc cách ngày sau khi đã kiểm soát được bệnh. Liệu pháp này giúp giảm tác dụng phụ vì có thời gian phục hồi giữa mỗi liều. Trong liệu pháp cách ngày, dùng một liều duy nhất methylprednisolon 2 ngày/lần, vào buổi sáng (8 – 9 giờ sáng) theo nhịp thời gian tiết tự nhiên glucocorticoid.

3. Chống chỉ định của thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) là gì?

  • Bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng, trừ khi sốc nhiễm khuẩn và lao màng não.
  • Quá mẫn với methylprednisolon hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Thương tổn da do virus, nấm hoặc lao.
  • Đang dùng vắc-xin có virus sống.
Người có da tổn thương không nên dùng thuốc Solu-medrol
Người có da tổn thương không nên dùng thuốc Solu-medrol

4. Thận trọng gì khi dùng thuốc Solu-medrol (methylprednisolone)?

Sử dụng thận trọng ở những người bệnh:

  • Người mới nối thông mạch máu.
  • Rối loạn tâm thần.
  • Loét dạ dày – tá tràng.
  • Khi dùng liều cao, có thể ảnh hưởng đến tác dụng của vắc-xin.
  • Đái tháo đường.
  • Loãng xương.
  • Tăng huyết áp, suy tim.
  • Trẻ em đang lớn và người cao tuổi.
  • Suy tuyến thượng thận cấp có thể xảy ra khi ngừng thuốc đột ngột sau khi  điều trị lâu dài hoặc khi có stress.

5. Tác dụng phụ của thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) là gì?

Những tác dụng không mong muốn thường xảy ra nhiều nhất khi dùng Solu-medrol liều cao và dài ngày, cụ thể:

  • Thần kinh trung ương: mất ngủ, thần kinh dễ bị kích động, chóng mặt, cơn co giật, nhức đầu, thay đổi tâm trạng, mê sảng, ảo giác….
  • Tiêu hóa: tăng ngon miệng, khó tiêu, viêm loét thực quản – dạ dày – tá tràng, buồn nôn, nôn, chướng bụng, viêm tụy…
  • Da: rậm lông, teo da, mỏng da.
  • Nội tiết và chuyển hóa: hội chứng Cushing, ức chế trục tuyến yên – thượng thận – suy vỏ thượng thận, chậm lớn, vô kinh, không dung nạp glucose.
  • Rối loạn điện giải: giảm kali huyết, nhiễm kiềm, giữ natri và nước, tăng glucose huyết.
  • Đau khớp.
  • Mắt: đục thủy tỉnh thể, glaucom.

>> Nên hỏi những gì khi đi khám đục thủy tinh thể? Đừng bỏ qua bài viết Trao đổi với bác sĩ những gì khi đi khám bệnh Đục thủy tinh thể?

  • Hô hấp: chảy máu cam.
  • Tim mạch: phù, tăng huyết áp.
  • Da: mụn trứng cá, thâm tím, tăng sắc tố da.
  • Thần kinh – cơ và xương: gây yếu cơ và loãng xương, gãy xương.
  • Phản ứng quá mẫn.

Khả năng lái xe và vận hành máy móc

Những tác dụng phụ trên hệ thần kinh có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Không nên lái xe và vận hành máy móc sau khi dùng thuốc.

Thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ khi bạn gặp phải các tác dụng phụ của thuốc.

Thuốc gây một số tác dụng phụ
Thuốc gây một số tác dụng phụ

 

6. Thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) có tương tác với thuốc gì?

  • Thuốc cảm ứng CYP3A4 (carbamazepine, barbiturat, phenytoin, phenobarbital, rifampin, ephedrine).
  • Thuốc ức chế CYP3A4 (isoniazid, troleandomycin, ketoconazole, thuốc kháng virus, diltiazem, Cyclosporine, nhóm macrolid).
  • Các thuốc kháng cholinergic (chẹn thần kinh cơ).
  • Các thuốc điều trị đái tháo đường.
  • Estrogen.
  • Thuốc kháng viêm không steroid.
  • Thuốc tăng thải kali: thuốc lợi tiểu hạ kali (thiazide, furosemide, ethacrynic acid) và các loại thuốc khác làm giảm kali (amphotericin B).
  • Vắc-xin.
  • Thuốc chống đông đường uống: warfarin…

7. Phụ nữ mang thai và cho con bú có dùng  được Solu-medrol (methylprednisolone)?

7.1. Phụ nữ mang thai

Dùng kéo dài corticosteroid toàn thân cho người mẹ có thể làm giảm nhẹ thể trọng của trẻ sơ sinh và gây đục thủy tinh thể. Vì vậy, chỉ dùng thuốc khi cần thiết.

7.2. Phụ nữ đang cho con bú

Thuốc tiết vào sữa mẹ, có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Nên cân nhắc việc ngưng thuốc hoặc ngưng cho bú.

Nên ngừng thuốc nếu đang cho con bú
Nên ngừng thuốc nếu đang cho con bú

8. Triệu chứng quá liều khi dùng thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) là gì?

Những triệu chứng quá liều xảy ra khi dùng dài hạn, bao gồm: hội chứng Cushing, yếu cơ và loãng xương.

Khi quá liều, điều trị hỗ trợ và triệu chứng, methylprednisolone có thể thẩm tách được.

9. Bảo quản thuốc Solu-medrol (methylprednisolone) như thế nào?

  • Sản phẩm chưa pha chế: bảo quản trong bao bì kín, nhiệt độ dưới 30°C.
  • Sản phẩm đã pha chế: bảo quản ở nhiệt độ phòng có kiểm soát (dưới 25oC). Thuốc phải được sử dụng trong 48 giờ sau khi pha.

Qua bài viết, YouMed đã cung cấp cho bạn biết thuốc Solu-medrol là thuốc gì. Với hoạt chất là methylprednisolon, thuốc Solu-medrol được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, thuốc phải được dùng với sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ, dược sĩ vì có nhiều thận trọng cần lưu ý và tác dụng phụ. Bạn hãy đến các bệnh viện và phòng khám uy tín nếu có bất kỳ vấn đề gì thắc mắc trong sử dụng thuốc.

Dược sĩ Trần Vân Thy