Sotalol: công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý

Sotalol (Betapace, Sorine, Sotylize) là thuốc thuộc nhóm tim mạch, thường dùng điều trị các bệnh liên quan về tăng huyết áp. Đây là thuốc chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ, cần tuân thủ liều lượng nghiêm ngặt. Những thông tin người bệnh cần nắm sẽ được trình bày qua bài viết sau. Hãy cùng YouMed tìm hiểu và phân tích Sotalol!

Tên thành phần hoạt chất: Sotalol.

Tên một số biệt dược chứa hoạt chất tương tự: Betapace, Sorine, Sotylize, SotaHexal,…

Nội dung bài viết

  • 1. Sotalol là thuốc gì?
  • 2. Công dụng của thuốc Sotalol
  • 3. Trường hợp không nên dùng Sotalol
  • 4. Hướng dẫn dùng thuốc Sotalol
  • 5. Tác dụng phụ của thuốc Sotalol
  • 6. Tương tác thuốc khi dùng Sotalol
  • 7. Lưu ý khi dùng thuốc Sotalol
  • 8. Những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc Sotalol
  • 9. Xử lý khi dùng quá liều thuốc Sotalol
  • 10. Xử lý khi quên một liều thuốc Sotalol

1. Sotalol là thuốc gì?

Đây là thuốc chống loạn nhịp tim thuộc 2 nhóm: nhóm II và nhóm III (thuốc chẹn beta-adrenergic), được bào chế dưới dạng viên nén và dạng dung dịch sử dụng đường uống.

2. Công dụng của thuốc Sotalol

Sotalol được chỉ định điều trị và dự phòng các đợt tái phát của:

  • Loạn nhịp nhanh thất nặng có đủ chứng cứ đe doạ tính mạng (ví dụ nhịp nhanh thất kéo dài mà thầy thuốc coi là rất nặng).
  • Loạn nhịp nhanh thất nhưng không suy tim, có triệu chứng và gây tàn phế.
  • Loạn nhịp nhanh trên thất (rung nhĩ, flutter nhĩ) không có suy tim nhưng thấy cần thiết phải điều trị.
Thuốc sotalol được dùng trong điều trị loạn nhịp
Thuốc sotalol được dùng trong điều trị loạn nhịp

3. Trường hợp không nên dùng Sotalol

Bệnh nhân quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Bệnh nhân hen suyễn

Chậm nhịp xoang, hội chứng suy nút xoang (sick sinus syndrome) hoặc block nhĩ thất độ II và độ III, hội chứng QT kéo dài bẩm sinh hoặc mắc phải, sốc do tim, suy tim sung huyết không kiểm soát

Giảm kali máu (< 4 mEq/lít) ở người bệnh bị rung nhĩ hoặc flutter nhĩ

Không dùng sotalol khi chưa điều trị được giảm magnesium hoặc giảm kali huyết huyết ở người bị loạn nhịp thất.

Hệ số thanh thải creatinin < 40 ml/phút ở người rung nhĩ hoặc flutter nhĩ

4. Hướng dẫn dùng thuốc Sotalol

4.1. Liều dùng

Bắt đầu điều trị sotalol từ liều thấp và tăng dần liều. Điều chỉnh tăng liều cách nhau 2 – 3 ngày để đạt nồng độ huyết tương ở trạng thái ổn định và để theo dõi QT.

4.1.1. Loạn nhịp nhanh thất đe dọa tính mạng

Liều bắt đầu được khuyến cáo là 80 mg/lần, sử dụng ngày 2 lần. Liều tối đa 240 – 320 mg/ngày chia làm nhiều liều nhỏ (120 – 160 mg/lần, ngày 2 lần) sau khi đã đánh giá hiệu quả lâm và độ an toàn trước khi tăng để tránh nguy cơ gây thêm loạn nhịp. Cách 3 ngày mới tăng liều để sotalol đạt được nồng độ ổn định.

Ở người lớn, liều duy trì thông thường: 160 – 320 mg/ngày chia làm 2 lần. Đối với bệnh nhân có loạn nhịp thất kháng trị đe dọa tính mạng, liều tối đa 480 – 640 mg/ngày chia làm 2 lần. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc lợi hại vì dễ có nguy cơ nhiễm độc nặng khi dùng liều cao

4.1.2. Loạn nhịp nhanh trên thất

Liều: 80 mg/lần ngày 2 lần. Cần theo dõi kĩ lưỡng khoảng QT, được xác định 2 – 4 giờ sau khi uống mỗi liều. Đối với bệnh nhân nội trú có chức năng thận bình thường, phải giảm liều hoặc ngừng sotalol khi thấy QT bằng hoặc hơn 500 miligiây.

Nếu người bệnh được kiểm soát tốt trong 3 ngày đầu với liều như trên thì có thể cho bệnh nhân ra ngoại trú với điều trị hiện tại.

Nếu rung nhĩ hoặc flutter nhĩ tái phát trở lại trong thời gian bắt đầu điều trị, có thể tăng dần liều sau khi đánh giá thích hợp cho tới liều tối đa 120 mg/lần hoặc 160 mg/lần, ngày 2 lần. Không khuyến cáo liều cao hơn vì tăng nguy cơ xoắn đỉnh.

4.2. Cách dùng

Thức ăn không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, vì vậy có thể uống thuốc trước hay sau ăn đều được.

5. Tác dụng phụ của thuốc Sotalol

Thần kinh trung ương: Mệt mỏi, chóng mặt, bồn chồn, nhức đầu, lú lẫn, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.

Tim mạch: Nhịp tim chậm, suy tim sung huyết, đau ngực, đánh trống ngực, giảm tuần hoàn ngoại biên, phù, điện tâm đồ khác thường, giảm huyết áp, gây loạn nhịp tim, ngất.

Tiêu hóa: Tiêu chảy, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, nôn.

Thần kinh – cơ và xương: Yếu cơ, dị cảm.

Hô hấp: Khó thở, hen, những vấn đề về đường hô hấp trên.

Da: Ngứa, ban.

Chuyển hóa và nội tiết: Giảm khả năng tình dục.

Huyết học: Chảy máu.

Mắt: Rối loạn thị giác.

Hộp sotalol 80 mg
Hộp sotalol 80 mg

6. Tương tác thuốc khi dùng Sotalol

  • Disopyramid
  • Quinidin
  • Procainamid
  • Digoxin
  • Thuốc chẹn calci: amplodipine, verapamil, diltiazem,…
  • Thuốc làm mất catecholamin: reserpin và guanethidin
  • Insulin và những thuốc uống chống đái tháo đường
  • Thuốc kích thích thụ thể beta2: salbutamol, terbutalin và isoprenalin
  • Clonidin

7. Lưu ý khi dùng thuốc Sotalol

Không sử dụng cho người có triệu chứng hoặc bị loạn nhịp, ngoại tâm thu không triệu chứng.

Khi bắt đầu điều trị với sotalol hoặc tăng liều phải tiến hành tại bệnh viện. Sau đó phải đánh giá đáp ứng của người bệnh trước khi tiếp tục điều trị với liệu pháp kéo dài.

Không được dùng cho những người bệnh có giảm magnesi huyết hoặc giảm kali huyết vì những bất thường về điện giải như vậy có thể làm tăng nguy cơ gây xoắn đỉnh, tăng quá mức sự kéo dài khoảng QT.

Phải dùng thận trọng cho người bệnh có hội chứng suy nút xoang kết hợp với loạn nhịp có triệu chứng, vì thuốc có thể gây chậm xoang, nghỉ xoang hoặc ngừng xoang.

Dùng thận trọng cho người bệnh có suy chức năng tim. Sự chẹn beta – bằng sotalol có thể có nguy cơ làm giảm lực co cơ tim và làm suy tim nặng hơn.

Phải theo dõi chặt chẽ những người bệnh đang có hoặc nghi ngờ nhiễm độc do tuyến giáp vì việc ngừng đột ngột chẹn beta – adrenergic có thể thúc đẩy phát triển cơn cường giáp.

Vì thuốc cũng có thể che lấp một số dấu hiệu và triệu chứng của giảm glucose huyết cấp, phải dùng thận trọng thuốc này cho người bệnh đái tháo đường, đặc biệt dễ bị hạ glucose huyết.

8. Những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc Sotalol

8.1. Phụ nữ có thai và đang cho con bú

Chưa có những nghiên cứu đầy đủ nhưng đã chứng minh thuốc đi vào nhau thai và có trong nước ối. Sotalol có thể gây chậm nhịp tim ở thai và trẻ sơ sinh. Tránh dùng thuốc ở ba tháng cuối cùng và khi đẻ, trừ khi có những lý do đặc biệt cần phải sử dụng thuốc này.

Thuốc phân bố được vào sữa mẹ, cần cân nhắc nên ngừng cho con bú hoặc mẹ ngừng uống thuốc

8.2. Người lái tàu xe hay vận hành máy móc

Nên cẩn thận khi dùng thuốc ở những người lái tàu xe hay vận hành máy móc.

9. Xử lý khi dùng quá liều thuốc Sotalol

Dấu hiệu: nhịp tim chậm, suy tim sung huyết, hạ huyết áp, co thắt phế quản và hạ glucose huyết.

Điều trị: ngừng dùng thuốc và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

10. Xử lý khi quên một liều thuốc Sotalol

Nếu quên uống 1 liều, chỉ được uống liều sau, không được uống gấp đôi liều vì có nguy cơ gây loạn nhịp do sotalol

Qua bài viết này, YouMed đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi Sotalol (Betapace, Sorine, Sotylize) là thuốc gì, công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý khi sử dụng. Để đạt hiệu quả điều trị và tránh các tác dụng không mong muốn, bạn cần tuân thủ đúng theo chỉ định thuốc, theo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ. Khi gặp bất kì dấu hiệu khác lạ trong quá trình sử dụng và nghi ngờ liên quan tới thuốc đang dùng, hãy liên hệ ngay bác sĩ nhé!

Dược sĩ: Nguyễn Hoàng Bảo Duy