Thuốc Carbotrim: thuốc điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa

Thuốc Carbotrim chứa hoạt chất là sulfamethoxazol, trimethoprim và than hoạt tính. Thuốc được dùng theo đơn của bác sĩ để điều trị tiêu chảy do nhiễm trùng. Vậy thuốc được sử dụng như thế nào và có những lưu ý gì cần biết? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Carbotrim qua bài viết sau của YouMed.

Thành phần hoạt chất: sulfamethoxazol 200mg, trimethoprim 40mg, than hoạt tính 150mg.

Nội dung bài viết

  • Carbotrim là thuốc gì?
  • Thuốc Carbotrim có tác dụng gì?
  • Liều và cách dùng thuốc Carbotrim
  • Giá thuốc Carbotrim
  • Chống chỉ định của thuốc Carbotrim
  • Lưu ý khi sử dụng
  • Tác dụng không mong muốn
  • Tương tác với thuốc Carbotrim
  • Quá liều với thuốc Carbotrim
  • Phụ nữ có thai và cho con bú
  • Cách bảo quản thuốc Carbotrim

Carbotrim là thuốc gì?

Thuốc Carbotrim chứa hoạt chất là sulfamethoxazol, trimethoprim và than hoạt tính. Than hoạt hấp phụ chất khí và chất độc ở đường tiêu hóa. Còn phối hợp sulfamethoxazol và trimethoprim với tỷ lệ 5/1 được gọi là cotrimoxazol. Cơ chế hiệp đồng cụ thể như sau:

  • Sulfamethoxazol có tác dụng kìm khuẩn bằng cách ức chế sự tạo thành dihydrofolic acid của vi khuẩn.
  • Trimethoprim có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế enzym dihydrofolat reductase của vi khuẩn, ức chế sự tạo thành acid tetrahydrofolic từ acid dihydrofolic, là chất cần thiết cho sự tổng hợp ADN của vi khuẩn.
  • Sự ức chế 2 bước liên tiếp trong chuyển hoá acid folic đã cho cotrimoxazol tác dụng có tính chất hiệp đồng kháng khuẩn. Cơ chế hiệp đồng này cũng chống lại sự phát triển vi khuẩn kháng thuốc, làm cho thuốc có tác dụng với cả vi khuẩn kháng lại từng thành phần của thuốc.

Thuốc Carbotrim được dùng để điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Thuốc Carbotrim được dùng để điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa

Thuốc do Công ty cổ phần Dược phẩm Dược liệu Pharmedic – Việt Nam sản xuất.

Thuốc Carbotrim có tác dụng gì?

Thuốc Carbotrim được dùng để điều trị tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa hoặc do ngộ độc thức ăn. Tuy nhiên, để tránh tình trạng kháng thuốc, phải dùng thuốc theo chỉ định và được sự theo dõi của bác sĩ.

Liều và cách dùng thuốc Carbotrim

Dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Nên uống thuốc trong bữa ăn với nhiều nước.

Liều tham khảo:

  • Người lớn: mỗi lần 2 viên, 3-4 lần một ngày.
  • Trẻ em 5-15 tuổi: mỗi lần 1-2 viên, 2 lần một ngày.

Giá thuốc Carbotrim

Thuốc Carbotrim có giá 160.000vnđ/hộp. Tuy nhiên đây chỉ là giá tham khảo.

Chống chỉ định của thuốc Carbotrim

Chống chỉ định dùng thuốc Carbotrim trong các trường hợp:

  • Mẫn cảm với sulfonamid hoặc với trimethoprim hay với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Trẻ em dưới 5 tuổi.

Ngoài ra, không dùng thuốc trong các trường hợp:

  • Suy thận nặng mà không giám sát được nồng độ thuốc trong huyết tương.
  • Đã xác định thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic.
  • Thiếu tiểu cầu khi dùng trimethoprim.
  • Bị bệnh gan nặng, có thể viêm gan nhiễm độc.

Nếu xuất hiện bất kỳ phản ứng nào khi dùng thuốc, thông báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ. Trong trường hợp nghiêm trọng cần đến trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Khi xuất hiện bất kỳ phản ứng nào khi dùng thuốc bạn nên thông báo ngay cho bác sĩ
Khi xuất hiện bất kỳ phản ứng nào khi dùng thuốc bạn nên thông báo ngay cho bác sĩ

Lưu ý khi sử dụng

Thận trọng: cần báo với bác sĩ nếu bạn có một trong các yếu tố sau:

  • Đang mang thai hoặc đang cho con bú
  • Bệnh đường ruột mạn

Khi sử dụng thuốc Carbotrim, bạn cần lưu ý vì có thể xảy ra các trường hợp sau:

  • Suy giảm chức năng thận
  • Dễ bị thiếu hụt acid folic, đặc biệt ở người bệnh cao tuổi, dùng thuốc liều cao dài ngày
  • Mất nước
  • Suy dinh dưỡng
  • Có thể gây thiếu máu tan huyết ở người thiếu hụt men G6PD.

Tác dụng không mong muốn

Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất khi dùng thuốc là ở đường tiêu hóa và trên da như dị ứng da, ngứa. Các tác dụng phụ thường nhẹ, trừ các hội chứng nhiễm độc da nặng có thể tử vong (như hội chứng Lyell).

Một số tác dụng không mong muốn thường gặp như:

  • Toàn thân: Sốt.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy, viêm lưỡi.
  • Da: Dị ứng da, ngứa.

Ngoài ra, ít hoặc rất hiếm gặp các tác dụng phụ như:

  • Máu: tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, ban xuất huyết, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, thiếu máu tan huyết, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu…
  • Da: Mày đay, hoại tử biểu bì nhiễm độc (hội chứng Lyell), hội chứng Stevens – Johnson, ban đỏ đa dạng, phù mạch, mẫn cảm ánh sáng…
  • Toàn thân: Phản ứng phản vệ, bệnh huyết thanh.
  • Gan: Vàng da, ứ mật, hoại tử gan.
  • Chuyển hóa: Tăng kali huyết, giảm đường huyết.
  • Khác: Suy thận, viêm thận kẽ, sỏi thận; ù tai; ảo giác; viêm màng não vô khuẩn

Nếu xuất hiện bất kỳ tác dụng không mong muốn nào khi dùng thuốc, thông báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ. Trong trường hợp nghiêm trọng cần đến trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ. Một vài cách xử trí để giảm tác dụng phụ:

  • Bạn có thể được cho dùng thêm acid folic 5-10 mg/ngày để tránh thiếu acid folic.
  • Để giảm nguy cơ tăng kali huyết, xem xét khi dùng đồng thời các thuốc làm tăng kali huyết khác hoặc trong suy thận.
  • Cần uống đủ nước để tránh thuốc kết tinh thành sỏi.
  • Không phơi nắng để tránh phản ứng mẫn cảm ánh sáng.

Sử dụng thuốc Carbotrim có thể xảy ra một số phản ứng phụ
Sử dụng thuốc Carbotrim có thể xảy ra một số phản ứng phụ

Tương tác với thuốc Carbotrim

Một số tương tác của sulfamethoxazol và trimethoprim hay cotrimoxazol là với:

  • Thuốc lợi tiểu, đặc biệt thiazid: dùng đồng thời làm tăng nguy cơ giảm tiểu cầu ở người cao tuổi.
  • Methotrexat: thuốc có thể làm giảm đào thải, tăng tác dụng của methotrexat.
  • Pyrimethamin: dùng đồng thời pyrimethamin 25 mg/tuần làm tăng nguy cơ thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.
  • Phenytoin: thuốc ức chế chuyển hóa phenytoin ở gan, có thể làm tăng quá mức tác dụng của phenytoin.
  • Warfarin: thuốc có thể kéo dài thời gian prothrombin ở người đang dùng warfarin.

Ngoài ra, than hoạt cũng có thể làm giảm sự hấp thu của các thuốc khác. Thông báo cho bác sĩ những thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn, không kê đơn, vitamin, thuốc dược liệu…) và thực phẩm mà bạn đang sử dụng. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho dược sĩ, bác sĩ.

Quá liều với thuốc Carbotrim

Các biểu hiện đầu tiên của quá liều là buồn nôn, nôn, nhức đầu, chóng mặt… Loạn tạo máu và vàng da là biểu hiện muộn của dùng quá liều. Xử trí: Nếu xuất hiện bất kỳ tác dụng quá liều nào khi dùng thuốc, chuyển đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ xử trí kịp thời.

Phụ nữ có thai và cho con bú

  • Phụ nữ mang thai: thuốc có thể gây vàng da ở trẻ em thời kỳ chu sinh và cản trở chuyển hóa acid folic. Nếu cần phải dùng thuốc khi mang thai, điều quan trọng là phải dùng thêm acid folic. Nhưng tốt nhất là không nên dùng trong thời kì mang thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Phụ nữ trong thời kỳ cho con bú không được dùng thuốc Carbotrim. Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với tác dụng độc của thuốc.

Trước khi sử dụng bất cứ thuốc nào trong thời kỳ này, bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ để đảm bảo an toàn. Hãy chủ động phòng tránh nhiễm trùng đường tiêu hóa và ngộ độc thức ăn bằng cách ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn bạn nhé!

Rửa tay bằng xà phòng để giảm các nguy cơ mắc bệnh do nhiễm khuẩn
Rửa tay bằng xà phòng để giảm các nguy cơ mắc bệnh do nhiễm khuẩn

Cách bảo quản thuốc Carbotrim

  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ dưới 30oC, tại nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào.
  • Nên cất trữ sản phẩm ở nơi an toàn, cách xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi
  • Thuốc chỉ dùng theo đơn của bác sĩ. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu cần thêm thông tin, xin hỏi ý kiến bác sỹ. Không dùng thuốc sau ngày quá hạn (EXP) in trên hộp.

Thuốc Carbotrim điều trị tiêu chảy do nhiễm trùng tiêu hóa hoặc do ngộ độc thức ăn. Tuy nhiên, thuốc phải được dùng theo đơn của bác sĩ. Để có thể đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tìm đến bác sĩ trước khi sử dụng. Những thông tin trên đây chỉ mang tính tham khảo, không thể thay thế điều trị của bác sĩ chuyên khoa.