Thông tư 11-LĐ-TT Giải thích và ấn định các chi tiết thi hành điều lệ tạm thời về quản lý dân chủ các xí nghiệp quốc gia.

Số, ký hiệu 11-LĐ-TT
Loại văn bản Thông tư
Ngày ban hành 21/11/1952
Ngày hiệu lực 21/11/1952
Ngày đăng công báo
Nguồn thu nhập
Nghành
Lĩnh vực
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Chức danh Phó Trưởng ban
Người ký Lê Văn Nguôn
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực Hết hiệu lực toàn bộ
BỘ LAO ĐỘNG
Số: 11-LĐ-TT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 1952

THÔNG TƯ

Giải thích và ấn định các chi tiết thi hành điều lệ tạm thời về quản lý dân chủ các xí nghiệp quốc gia

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi: - Các ông Giám đốc Khu Lao động Liên khu Việt Bắc, 3, 4, Miền Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

- Các ông Chủ tịch UBKCHC Liên khu Việt-Bắc, 3, 4, Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ, Tả ngạn.

Thủ tướng Phủ đã ban hành điều lệ tạm thời 215-TTg ngày 4/11/1952 về quản lý dân chủ các xí nghiệp quốc gia. Bộ vạch ra đây những điều xét cần phải trình bày rõ hơn để việc nghiên cứu, phổ biến và áp dụng điều luật được có kết quả.

I. SỰ QUAN TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ QUẢN LÝ DÂN CHỦ

Để đẩy mạnh sản xuất cung cấp kịp thời và đầy đủ cho nhu cầu kháng chiến và dân sinh, thực hiện phát triển sản xuất và tiết kiệm, Chính phủ đã có kế hoạch để giải quyết các vấn đề vốn, nguyên liệu, máy móc, nhân công vận tải, và đang súc tiến chấn chỉnh việc quản trị các xí nghiệp quốc gia.

Chế độ Ủy ban xí nghiệp do sắc lệnh 118 ngày 18 tháng 10 năm 1949 ban hành mới là bước đầu của sự thực hiện chế độ dân chủ ở các xí nghiệp.

Qua hai năm thi hành chế độ này chúng ta đã rút được nhiều kinh nghiệm chứng tỏ những nhược điểm của nó cần được bổ khuyết để cho công việc quản trị và công việc sản xuất được chấn chỉnh theo một chế độ dân chủ đầy đủ hơn.

Chế độ mới do điều lệ tạm thời của Thủ Tướng Phủ ban hành căn cứ trên các nguyên tắc:

Thống nhất sự lãnh đạo và quản lý xí nghiệp.

Công nhân, nhân viên tham gia thiết thực các công việc quản trị xí nghiệp, trách nhiệm của công nhân, nhân viên được đề cao trong mọi công việc của xí nghiệp.

Vạch rõ trách nhiệm và quyền hạn của giám đốc kết hợp chế độ phụ trách của giám đốc với quyền dân chủ quần chúng công nhân, nhân viên.

Chế độ này sẽ:

- Làm cho quần chúng công nhân, nhân viên nhận rõ trách nhiệm của mình đối với xí nghiệp, tự giác, tự nguyện phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tích cực, sáng tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý của mình.

- Làm cho giám đốc, các nhà kỹ thuật chuyên môn thấy rõ sự cần thiết phải dựa vào lực lượng của quần chúng công nhân, nhân viên để quản lý chu đáo xí nghiệp thực hiện đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Chính phủ về sản xuất kinh doanh và bảo vệ sức lao động.

II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ DÂN CHỦ CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC GIA

So với chế độ UBNN do sắc lệnh 118-SL ban hành, chế độ mới này có nhiều điểm tiến bộ:

1) Ủy ban quản lý xí nghiệp là cơ quan thống nhất hành chính xí nghiệp

Dưới chế độ của sắc lệnh 118-SL Ủy ban xí nghiệp đứng riêng rẽ ra ngoài hệ thống hành chính, vô hình chung trong xí nghiệp có 3 bộ phận lãnh đạo, Công đoàn, Ủy ban xí nghiệp, và cơ quan hành chính. Sự hoạt động không ăn khớp với ý kiến không thống nhất, sự tham gia của Ủy ban xí nghiệp vào các công việc sản xuất hay cải thiện sinh hoạt cho công nhân không thực tế, Ủy ban xí nghiệp chỉ tham gia ý kiến mà không có biện pháp cụ thể bắt buộc giám đốc phải tôn trọng ý kiến của mình.

Theo chế độ mới, Ủy ban quản lý xí nghiệp là cơ quan hành chính thống nhất trong xí nghiệp. Vì mỗi công việc của xí nghiệp đều phải đưa ra Ủy ban quản lý xí nghiệp thảo luận quyết định thể thức, quyền hạn của Ủy ban quản lý xí nghiệp do quốc gia uỷ nhiệm và trong xí nghiệp chỉ có Ủy ban quản lý xí nghiệp có quyền quyết định mọi công việc của xí nghiệp dưới sự lãnh đạo của cơ quan hành chính cấp trên. Sự tham gia của Công đoàn, đại biểu công nhân, đại biểu chuyên môn đều tập trung vào Ủy ban quản lý xí nghiệp, các vấn đề đều đưa ra thảo luận và thống nhất ý kiến trong Ủy ban quản lý xí nghiệp. Như vậy sẽ không xẩy ra những sự giẫm chân lên hoạt động của nhau hay tranh giành ảnh hưởng như trước.

2) Công nhân viên sẽ trực tiếp tham gia vào công việc quản lý xí nghiệp:

Trong Ủy ban xí nghiệp cũ chỉ có đại biểu công nhân, nhưng những ý kiến của Ủy ban xí nghiệp không được cơ quan hành chính thống nhất giám đốc có thể thi hành hay không thi hành cũng được.

Chế độ mới thành phần của Ủy ban quản lý xí nghiệp số đại biểu do công nhân, nhân viên bầu bằng đại biểu chuyên môn và hành chính chỉ định. Các ý kiến đưa ra đều lấy biểu quyết theo đa số. Như vậy ý kiến của công nhân, nhân viên sẽ được chú ý. Các công nhân, nhân viên có thể đề đạt ý kiến và nguyện vọng của mình, và đồng thời cũng do các ý kiến của mình mà công nhân, nhân viên sẽ được thấm nhuần chủ trương, chính sách của Chính phủ, hiểu rõ được mô hình chung của xí nghiệp, để có ý kiến xây dựng và bồi bổ cho năng lực quản lý của mình.

Công nhân trực tiếp bắt tay vào việc sản xuất, hiểu tình hình từng bộ phận máy móc của mình phụ trách, nắm rõ tình hình ngành hay ban trong đó mình làm việc, tập hợp các tri thức của mỗi cá nhân công nhân lại, Ủy ban xí nghiệp sẽ sát được tình hình chung của xí nghiệp để có giải pháp đúng đắn giải quyết mọi vấn đề.

Do các hội nghị toàn thể hay hội nghị đại biểu công nhân, nhân viên còn có thể theo dõi, kiểm soát và phê phán cách làm việc của Ủy ban quản lý xí nghiệp.

 

Chế độ quản lý dân chủ không mâu thuẫn với chế độ trách nhiệm của giám đốc, trái lại nó kết hợp chặt hcẽ. Vì chế độ trách nhiệm phải xây dựng trên ý thức và óc sáng kiến của quần chúng thì công việc mới đạt được kết quả. Có dân chủ hoá thì ý thức trách nhiệm của mọi công nhân, nhân viên sẽ được đề cao, công nhân, nhân viên sẽ tích cực công tác, phát huy sáng kiến với ý thức chủ nhân xí nghiệp, như vậy công việc sản xuất sẽ có nhiều kết quả và nhờ đó giám đốc sẽ làm được đầy đủ nhiệm vụ của mình hơn là nếu chỉ có trách nhiệm cá nhân của giám đốc.

Cũng không sợ dân chủ hoá sẽ làm cho giám đốc mất hết quyền hạn, mất hết sáng kiến, vì giám đốc là chủ tịch của Ủy ban quản lý xí nghiệp, những quyết nghị của Ủy ban quản lý xí nghiệp phải do giám đốc dùng mệnh lệnh hành chính ban bố thi hành và giám đốc có quyền đình chỉ thi hành những quyết nghị xét ra trái với lợi ích của xí nghiệp hoặc trái với chủ trương của cấp trên và chính sách của Chính phủ.

Quyền đình chỉ thi hành của giám đốc cũng không mâu thuẫn với chế độ quản lý dân chủ vì nếu giám đốc không có quyền đó thì không bảo đảm được việc chấp hành chính sách của Chính phủ, việc sản xuất sẽ không ăn khớp với kế hoạch chung có khi xẩy ra tình trạng dân chủ cực đoan, hành động theo quyền lực cục bộ của xí nghiệp trái với lợi ích của toàn thể. Vả lại giám đốc là người được cấp trên uỷ nhiệm điều khiển xí nghiệp. Giám đốc chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự thành công hay thất bại của xí nghiệp, Ủy ban quản lý xí nghiệp cùng chịu trách nhiệm. Nhưng về mặt tinh thần trong Ủy ban quản lý xí nghiệp phải luôn luôn có sự thống nhất giữa ban giám đốc và các uỷ viên khác.

III. THÀNH PHẦN VÀ TỔ CHỨC ỦY BAN QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP

Ủy ban quản lý xí nghiệp chỉ tổ chức ở những cơ sở sản xuất. Đặc biệt ở những xí nghiệp lớn có nhiều phân xưởng, chi sở, chi nhánh v.v. nếu ở những nơi đó số công nhân, nhân viên cũng từ 50 người trở lên thì cũng thành lập Ủy ban quản lý xí nghiệp vì với một số công nhân đông như thế thì phân xưởng đã có sự quan trọng của nó, cũng như những xí nghiệp riêng biệt có một số công nhân, nhân vien tương đương, việc quản lý dân chủ cần phải đặt ra. Nhưng đối với phân xưởng và nhà máy cùng một hệ thống sản xuất, cần có một sự thống nhất về việc điều khiển cũng như về các mặt chương trình kế hoạch sản xuất.

Thành phần Ủy ban quản lý xí nghiệp toàn xí nghiệp gồm có những đại biểu của các Ủy ban quản lý xí nghiệp các phân xưởng, số uỷ viên được cử vào Ủy ban quản lý xí nghiệp toàn xí nghiệp của mỗi Ủy ban quản lý xí nghiệp. Trong số công nhân viên tối thiểu (50) cần thiết để thành lập Ủy ban quản lý xí nghiệp gồm có cả giám đốc và tất cả các công nhân viên ăn lương tháng.

IV. VIỆC THÀNH LẬP ỦY BAN QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP VÀ CÁCH THỨC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU CÔNG NHÂN VÀ NHÂN VIÊN VÀO ỦY BAN QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP

Việc thành lập Ủy ban quản lý xí nghiệp là trách nhiệm của cơ quan hành chính. Giám đốc xí nghiệp có nhiệm vụ phải cho thành lập Ủy ban quản lý xí nghiệp tại xí nghiệp của mình nếu xí nghiệp đã có đủ số công nhân như quy định trong điều lệ. Giám đốc sẽ phối hợp với Công đoàn để đề nghị danh sách các uỷ viên do cấp trên chỉ định và ấn định số uỷ viên do công nhân, nhân viên bầu cử báo cáo lên cơ quan hành chính cấp trên. Cơ quan hành chính cấp trên sẽ ra quyết định cử chính thức các uỷ viên chỉ định. Sau khi đó Công đoàn sẽ triệu tập hội nghị toàn thể hay hội nghị đại biểu công nhân, nhân viên để bầu. Danh sách những người ứng cử và những người bầu cử phải được niêm yết tại xí nghiệp ít nhất 15 ngày trước ngày bầu cử, để mọi người có thể khiếu nại nếu có những sự thiếu sót hay không hợp lệ, và những người bầu cử có thể nhận xét lựa chọn những người xứng đáng. Giám đốc sẽ báo cho cơ quan lao động biết trước ngày bầu cử ít nhất là 15 ngày. Các cơ quan lao động có thể cử đại biểu đến dự các cuộc bầu cử để giúp đỡ trong công việc tổ chức bầu cử, giải thích thêm cho công nhân, nhân viên hiểu rã điều lệ của Chính phủ và can thiệp nếu có những trường hợp không hợp lệ.

Việc bầu cử các uỷ viên Ủy ban quản lý xí nghiệp toàn xí nghiệp sẽ do các Hội nghị công nhân và nhân viên của từng phân xưởng, chi sở, chi nhánh bầu và chọn trong trong các uỷ viên các Ủy ban quản lý xí nghiệp của phân xưởng, chi sở, chi nhánh, sau khi tuyên bố kết quả thì Hội nghị có thể bầu luôn các uỷ viên vào Ủy ban quản lý toàn xí nghiệp.

Tất cả các công nhân viên làm việc trong xí nghiệp được 3 tháng đều có quyền bầu cử, những người học nghề nếu đủ thời gian làm việc thi cũng được bầu cử. Trong những trường hợp đặc biệt, có những xí nghiệp có trẻ em học nghề hay làm việc mà tuổi hãy còn bé quá (dưới 15 tuổi) chưa đủ trình độ nhận xét chín chắn thì không nên cho bầu cử. Những trường hợp này sẽ do hội nghị toàn thể hay hội nghị công nhân viên ở xí nghiệp khác mới đổi đến mà làm việc chưa đủ thời hạn 3 tháng thì cũng không được bầu cử và ứng cử. Điều này khác với Ủy ban xí nghiệp cũ, nhằm mục đích để cho các công nhân viên có đủ thời gian hiểu rõ tình hình của xí nghiệp hiểu rõ công nhân viên ứng cử và đẻ cho anh em công nhân viên khác có thì giờ nhận xét mình. Nhưng thời hạn 3 tháng này không thi hành cho các xí nghiệp mới thành lập, hay mới biên chế lại có nhiều công nhân viên từ các xí nghiệp khác chuyển sang. Trong những trường hợp đặc biệt hội nghị toàn thể hay hội nghị đại biểu công nhân và nhân viên cũng có thể miễn thời hạn 3 tháng cho một số công nhân viên.

Xí nghiệp nào có đủ điều kiện mà không thành lập Ủy ban quản lý xí nghiệp thì cơ quan lao động sẽ đôn đốc và nhắc nhở, nếu cần thiết cơ quan lao động có thể can thiệp với cấp hành chính cấp trên của xí nghiệp đó đề nghị chỉ thị cho xí nghiệp thi hành.

V. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA Ủy ban quản lý xí nghiệp

Ủy ban quản lý xí nghiệp sẽ thảo luận và quyết nghị về tất cả những vấn đề có quan hệ đến xí nghiệp như:

1) Về tổ chức và bảo vệ xí nghiệp

- Kiến thiết nhà cửa, xếp đặt máy móc, khuyếch trương xí nghiệp, di chuyển.

- Quân sự hoá phòng không, bảo vệ, đề phòng phản gián, giữ bí mật cơ quan và bí mật sản xuất v.v.

2) Về quản lý tài sản của xí nghiệp

- Quyết định những việc chi tiêu lớn và những việc vay mượn, mua bán bất động sản.

- Kiểm soát các việc chi tiêu, mua bán của xí nghiệp.

- Tổ chức, trông nom săn sóc và giữ gìn máy móc vật liệu kho tàng, sản phẩm v.v.

3) Về quản trị công nhân và nhân viên

- Tuyển dụng, thải hồi công nhân và nhân viên

- Thi hành chế độ tiền lương

- Sắp xếp ngạch bậc

- Thi hành khế ước làm công, hợp đồng tập thể

- Khen thưởng, thăng thưởng, trừng phạt v.v.

4) Về sản xuất và kinh doanh

- Đặt kế hoạch thực hiện chương trình và kế hoạch của cấp trên.

- Ấn định mức sản xuất.

- Quyết định mọi vấn đề về kỹ thuật, chuyên môn để cải tiến kỹ thuật, tăng mức sản xuất.

- Giảm giá nội, thực hành tiết kiệm.

- Khuyến khích thi đua ái quốc, nghiên cứu và phổ biến sáng kiến hay của chiến sĩ thi đua.

- Nhắc nhở công nhân và nhân viên tôn trọng pháp luật lao động.

5) Về bảo vệ, bồi dưỡng sức lao động:

- Thi hành luật lệ lao động.

- Thực hiện chế độ tiền thưởng năng suất.

- Chăm nom việc cải thiện sinh hoạt vật chất, tinh thần cho công nhân và nhân viên.

- Bồi dưỡng trình độ chính trị, văn hoá và chuyên môn cho công nhân và nhân viên v.v.

Trong các công việc này, nhiệm vụ của Ủy ban quản lý xí nghiệp là phát động tích cực tính, óc sáng tạo của quần chúng công nhân, nhân viên, lãnh đạo quần chúng công nhân, nhân viên hăng hái sản xuất, theo dõi hoạt động của xí nghiệp; khuyến khích nâng cao chất lượng, chống quan liêu, tham ô lãng phí, thi hành tiết kiệm, giảm giá thành.

Chương trình kế hoạch, chỉ thị của cấp trên, mọi chủ trương của giám đốc đều phải đưa ra Ủy ban quản lý xí nghiệp thảo luận để quyết định thi hành.

Ủy ban quản lý xí nghiệp thảo luận và quyết nghị. Về phương diện chấp hành quyết nghị đó thì phải do mệnh lệnh hành chính của giám đốc ban bố thi hành. Nếu không đồng ý với quyết nghị của Ủy ban quản lý xí nghiệp giám đốc có thể không ban bố mệnh lệnh thi hành quyết nghị ấy hoặc có thể là mệnh lệnh khác với quyết nghị của đa số những phải báo cáo ngay lên cấp trên để xin chỉ thị.

Trong trường hợp này Ủy ban quản lý xí nghiệp cũng có thể cử đại biểu lên trình bầy ý kiến với cấp trên. Trong khi chưa có chỉ thị của cấp trên, ý kiến của giám đốc phải được tôn trọng và thi hành.

Cũng như trên đã nói, quyền không thi hành nghị quyết của Ủy ban quản lý xí nghiệp không trái với nguyên tắc dân chủ do đó sẽ đảm bảo việc giải quyết của ủy ban quản lý xí nghiệp được đúng theo chỉ thị của cấp trên và chính sách kế hoạch chung. Chỉ khi nào quyết nghị của Ủy ban quản lý xí nghiệp trái với chính sách của Chính phủ, trái với kế hoạch sản xuất chung, trái với chỉ thị của cấp trên, thì giám đốc mới dùng đến quyền hạn nói trên của mình. Trường hợp này là một trường hợp hạn hữu có thể nói là không thể có được nếu Ủy ban quản lý xí nghiệp có một lề lối làm việc đúng mực. Giám đốc phải hết sức tránh dùng quyền đình chỉ thi hành của mình mà phải kiên nhẫn giải thích, thuyết phục cho ý kiến được thống nhất trong Ủy ban quản lý xí nghiệp.

Đối với các xí nghiệp lớn có Ủy ban quản lý xí nghiệp ở các phân xưởng, chi sở, thì các Ủy ban quản lý xí nghiệp này thuộc quyền lãnh đạo của các Ủy ban quản lý toàn xí nghiệp. Những công việc cảu phân xưởng vượt ra ngoài phạm vi quyền hạn của phụ trách hành chính của phân xưởng thì sẽ đưa ra Ủy ban quản lý xí nghiệp toàn xí nghiệp giải quyết. Ủy ban quản lý toàn xí nghiệp sẽ thảo luận quyết nghị và giám đốc ban bố mệnh lệnh thi hành.

VI. SINH HOẠT VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP

Ủy ban quản lý xí nghiệp sinh hoạt thường kỳ ít nhất là hai lần một tháng. Ngoài ra nếu có những vấn đề quan trọng cấp bách Ủy ban quản lý xí nghiệp có thể họp những phiên bất thường.

Các vấn đề quan trọng đưa ra phải có sự chuẩn bị trước, ít nhất một tuần lễ trước ngày khai hội giám đốc phải có đề án hay dự kiến đưa ra cho các uỷ viên, thu thập ý kiến của công nhân viên nghiên cứu và đề ra cách giải quyết. Trong các cuộc hội nghị thường kỳ giám đốc phải báo cáo rõ tình hình xí nghiệp việc thi hành các quyết nghị trước của Ủy ban quản lý xí nghiệp và các chỉ thị của cấp trên. Giám đốc phải làm thế nào cho các uỷ viên nhất là các đại biểu công nhân viên theo dõi được tình hình của xí nghiệp có đủ thời giờ chuẩn bị ý kiến về các vấn đề quan trọng, thì sự lãnh dạo của Ủy ban quản lý xí nghiệp mới có kết quả thực tế. Nên tránh tình trạng các đại biểu công nhân viên đến hội nghị không biết nói gì, Ủy ban quản lý xí nghiệp chỉ khai hội chiếu lệ hoạt động hình thức không có ích lợi thực tế.

Ngoài số đại biểu chính thức, Ủy ban quản lý xí nghiệp có thể mời thêm một số nhân viên kỹ thuật, chuyên môn hay những chiến sĩ thi đua tham dự, nếu có những vấn đề thuộc sự hiểu biết của những người này.

Ủy ban quản lý xí nghiệp là cơ quan hành chính của xí nghiệp nên các chi phí của Ủy ban quản lý xí nghiệp để làm nhiệm vụ của mình sẽ do xí nghiệp đài thọ. Thời giờ khai hội của Ủy ban quản lý xí nghiệp cũng là thuộc công việc chuyên môn của xí nghiệp nên không cần phải hạn định thời gian, nhưng để tránh lãng phí có hại đến công việc sản xuất, các Ủy ban quản lý xí nghiệp cần chú ý cải tiến lề lối, làm việc rút ngắn thời giờ khai hội, mỗi vấn đề đều có chuẩn bị trước, để khỏi phải thảo luận mênh mông làm mất thì giờ vô ích.

Các Ủy ban quản lý xí nghiệp từ 7 người trở lên phải cử Ban thường trực gồm có giám đốc, thư ký Công đoàn và một uỷ viên do Ủy ban quản lý xí nghiệp cử, nếu số uỷ viên dưới 7 người thì giám đốc và thư ký Công đoàn sẽ làm nhiệm vụ thường trực. Những người trong ban thường trực không phải thoát ly công tác chuyên môn của mình. Nhưng phải có sự hội ý hàng ngày ngoài giờ chuyên môn để giải quyết công việc và đặt kế hoạch đôn đốc kiểm tra việc thi hành các nghị quyết của Ủy ban quản lý xí nghiệp.

VII. HỘI NGHỊ TOÀN THỂ HAY HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU CÔNG NHÂN VÀ NHÂN VIÊN

Hội nghị toàn thể hay hội nghị đại biểu công nhân và nhân viên là một tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Công đoàn. Ủy ban quản lý xí nghiệp phải dựa vào các hội nghị này để thực hiện nhiệm vụ của mình. Ủy ban quản lý xí nghiệp phải báo cáo công tác trước hội nghị và hội nghị có quyền nhận xét và phê bình tác phong lãnh đạo, lề lối làm việc của Ủy ban quản lý xí nghiệp. Hội nghị sẽ đề đạt những ý kiến của công nhân viên cho Ủy ban quản lý xí nghiệp để thảo luận và quyết định thi hành.

Các đại biểu dự hội nghị có nhiệm vụ tập trung ý kiến của quần chúng, trình bầy ở hội nghị và đem quyết nghị của hội nghị về tuyên truyền giải thích trong quần chúng.

Ít nhất 3 tháng một lần Công đoàn phải triệu tập hội nghị toàn thể hay hội nghị đại biểu công nhân và nhân viên. Đối với những xí nghiệp tương đối ít người công nhân viên ở tập trung thì nên họp hội nghị hàng tháng để cho Ủy ban quản lý xí nghiệp có thể được sát tình hình chung và kịp thời giải quyết được những nguyện vọng hay đề nghị của công nhân viên.

Hội nghị nên họp vào những ngày nghỉ để khỏi làm ngừng trệ sản xuất.

VIII. CHUẨN BỊ THI HÀNH

Muốn việc thực hiện quản lý dân chủ được kết quả cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ theo những điểm dưới đây:

1) Hiện nay việc biên chế các xí nghiệp đang tiến hành, không thể trong lúc các xí nghiệp đang sắp xếp lại, tình hình công nhân viên, tình hình sản xuất chưa ổn định mà thành lập Ủy ban quản lý xí nghiệp. Như vậy công việc sẽ bị trở ngại vì sự thay đổi của xí nghiệp.

2) Cần phải có một sự phổ biến học tập bản điều lệ và thông tư này cho tất cả công nhân viên đều được thấm nhuần những điểm căn bản của chế độ quản lý dân chủ. Trong việc phổ biến ở những nơi đã thi hành chế độ Ủy ban xí nghiệp cần chú ý vạch rõ những sự khác nhau giữa chế độ, Ủy ban xí nghiệp cũ và chế độ mới này và nhấn mạnh vào tính chất cơ quan hành chính thống nhất ở xí nghiệp của Ủy ban quản lý xí nghiệp theo điều lệ mới. Vì đây là căn bản để giải quyết những khó khăn mà chế độ Ủy ban xí nghiệp cũ đã vấp phải. Có thể có những tư tưởng sai lầm như: quản lý dân chủ sẽ làm giảm quyền hạn của giám đốc hay làm nhẹ trách nhiệm của giám đốc hoặc cho rằng công nhân viên chưa đủ trình độ hay năng lực để tham gia vào công việc quản lý của xí nghiệp. Cần phải đả thông cho thật kỹ những tư tưởng sai lầm này.

Trong việc phổ biến hay học tập này không cần phải phát động một phong trào ồ ạt như đối với Ủy ban xí nghiệp cũ, cần tổ chức học tập chu đáo làm cho công nhân viên hiểu rõ chế độ mới, khêu gợi được những thắc mắc của giám đốc cũng như của công nhân viên để giải thích cho kỹ. Phải tổ chức cho cán bộ học tập trước rồi mới tổ chức học tập cho công nhân viên. Cán bộ Lao động và cán bộ Công đoàn học tập trước sau đó sẽ phối hợp với nhau về xí nghiệp tập cho xí nghiệp tổ chức học tập cho công nhân viên.

3) Việc thi hành phải làm có trọng điểm và có một biện pháp theo dõi đặc biệt để tránh những lệch lạc lúc đầu có thể làm hại cho công việc sản xuất. Phải nhằm việc học tập nghiên cứu đả thông các thắc mắc trước rồi chọn những xí nghiệp điển hình để thực nghiệm trước. Như vậy không cần thiết phải cho thi hành ngay tại tất cả các xí nghiệp. Cán bộ Lao động cần phối hợp với Công đoàn và các ngành để chọn những xí nghiệp điển hình thực nghiệm trước, tổ chức học tập đả thông thất kỹ cho công nhân viên rồi mới thành lập Ủy ban quản lý xí nghiệp, theo dõi sát để hướng dẫn đề phòng những sai lầm, rút kinh nghiệm sửa chữa, và sau đó sẽ tiến hành dần dần ở các nơi khác.

Hiện nay Bộ đã phối hợp cùng Tổng liên đoàn và các ngành để thực nghiệm ở một số xí nghiệp tại Liên khu Việt bắc. Các Khu khác, khi nhận được thông tư này cần tổ chức ngay việc học tập trong nội bộ các cơ quan Khu và dạy cho nhân viên thật thấm nhuần. Trong lúc học tập nếu có thắc mắc gì gửi ngay về cho Bộ biết.

Ngày 21 tháng 11 năm 1952

 

KT. BỘ TRƯỞNG

PHÓ TRƯỞNG BAN

(Đã ký)

 

 

Lê Văn Nguôn

 

Phó Trưởng ban

(Đã ký)

 

Lê Văn Nguôn

Văn bản được HD, QĐ chi tiết(0)

Văn bản HD, QĐ chi tiết(0)

Văn bản hết hiệu lực(0)

Văn bản căn cứ(0)

Văn bản quy định hết hiệu lực(0)

Văn bản bị hết hiệu lực 1 phần(0)

Văn bản dẫn chiếu(0)

Văn bản quy định hết hiệu lực 1 phần(0)

Văn bản bị đình chỉ(0)

Văn bản liên quan khác(0)

Văn bản đình chỉ(0)

Văn bản bị đình chỉ 1 phần(0)

Văn bản đình chỉ 1 phần(0)

Văn bản được bổ sung(0)

Văn bản bổ sung(0)

Văn bản được sửa đổi(0)

Văn bản sửa đổi(0)

Chính phủ